‘Nhiều lãnh đạo tỉnh có doanh nghiệp sân sau đặt ngay tại nhà’
- Minh Sơn
- •
“Nhiều lãnh đạo tỉnh có cả doanh nghiệp sân sau đặt trụ sở ngay tại nhà mình, không nghĩ phát triển cho tỉnh mà chỉ nghĩ đi xin Trung ương, được dự án nào thì nghĩ cách tạo lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm, ủng hộ tùy tiện nhà thầu này, nhà thầu kia…”, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp dẫn lại ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Nhóm nghiên cứu phòng chống tham nhũng của Ủy ban Tư pháp vừa có đánh giá thẩm tra báo cáo của Chính phủ về công tác phòng chống tham nhũng năm 2018.
Phó chủ nhiệm Uỷ ban Tư pháp Nguyễn Mạnh Cường nhận định việc xử lý hành vi tham nhũng đã có những chuyển biến tích cực, tham nhũng đang từng bước được kiềm chế và có chiều hướng thuyên giảm.
Mặc dù vậy, ông Cường cũng chỉ ra hàng loạt các hạn chế còn tồn tại như: tình trạng giấy phép con, tình trạng nhũng nhiễu, đòi hối lộ với người dân và doanh nghiệp vẫn còn diễn ra.
Bên cạnh đó, việc tinh giản biên chế vẫn chưa đạt yêu cầu, bộ máy quản lý nhà nước còn cồng kềnh.
Cụ thể, ông dẫn chứng có tới khoảng 11 triệu người đang hưởng lương, phụ cấp từ ngân sách Nhà nước; tình trạng bổ nhiệm dư thừa cấp phó vẫn còn nhiều khi cả nước hiện đang có tới 81.492 lãnh đạo cấp phó.
“Trung bình cứ 5 cán bộ công chức lại có một lãnh đạo cấp phó”, ông Cường nêu.
Về biểu hiện của “lợi ích nhóm”, lãnh đạo Ủy ban Tư pháp dẫn lại ý kiến của Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, cho rằng thực tế “nhiều lãnh đạo tỉnh có cả doanh nghiệp sân sau đặt trụ sở ngay tại nhà mình, không nghĩ phát triển cho tỉnh mà chỉ nghĩ đi xin Trung ương, được dự án nào thì nghĩ cách tạo lợi ích cá nhân hoặc lợi ích nhóm, ủng hộ tùy tiện nhà thầu này, nhà thầu kia…”
Trong khi đó, việc xử lý trách nhiệm của người đứng đầu để xảy ra tham nhũng tại một số cơ quan, tổ chức, đơn vị vẫn còn bị xem nhẹ và chưa tương xứng với số vụ tham nhũng được đưa ra xử lý thời gian qua.
Theo báo cáo của Chính phủ, trong năm 2018, số vụ tham nhũng bị phát hiện qua kiểm tra nội bộ tăng gần 27%, qua thanh tra tăng hơn 52% số vụ. Có 29 người đứng đầu thiếu trách nhiệm để xảy ra tham nhũng đã bị xử lý, giảm 10 người so với năm 2017.
Minh Sơn
Xem thêm:
Từ khóa Chống tham nhũng doanh nghiệp Bê bối tham nhũng Ủy ban Tư pháp