Thị trường bất động sản Việt Nam trầm lắng bất thường cuối năm
- Đức Minh
- •
Thị trường bất động sản về cuối năm ghi nhận lượng giao dịch sụt giảm, sức mua xuống thấp nhất trong khoảng 5 năm trở lại đây. Điều này khác biệt so với các năm trước khi dịp cận Tết thông thường giao dịch khá sôi động. Theo phân tích của chuyên gia, nguyên nhân chủ yếu do mặt bằng giá neo ở mức cao, cung lệch cầu và tín dụng bất động sản đang bị siết.
Báo cáo của Batdongsan cho biết thị trường nhà chung cư tại TP.HCM và các tỉnh phía Nam liên tục giảm tốc. Trong hai quý đầu năm có gần 14.000 căn hộ mới chào bán, sức mua 70 – 80% rổ hàng nhưng sang quý 3 chỉ có khoảng 1.250 căn được tung ra thị trường và tỷ lệ tiêu thụ xuống mức khoảng 52%, Vnexpress đưa tin.
Tình hình càng kém hơn khi trong quý 4, toàn thị trường tiêu thụ 100 căn hộ trong rổ hàng chào bán mới, thấp nhất năm. Lượng nhà ở bán được trong mùa cao điểm bán hàng cuối năm nay ở mức kém xa kỳ vọng của các chủ đầu tư.
Theo đánh giá của đơn vị này, đây là tình trạng chưa từng xuất hiện trong 5 năm trở lại đây ở giai đoạn cận Tết – vốn là thời gian đỉnh điểm giao dịch bất động sản sôi động nhất năm. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã nâng mức chiết khấu 40 – 50% giá trị bất động sản nhưng thanh khoản chưa có dấu hiệu cải thiện.
Trong khi đó, báo cáo thị trường nhà chung cư tại TP.HCM của DKRA Việt Nam cho thấy ngay từ quý đầu năm, tiêu thụ nhà ở trên địa bàn thành phố đã giảm 68% so với quý trước (đạt 1.385 căn).
Quý 2, thanh khoản cải thiện so với đầu năm nhưng sang quý 3, lực cầu yếu dần. Tháng 8, thị trường căn hộ sơ cấp tại thành phố chỉ tiêu thụ được 177 căn, xuống đáy 3 năm, giảm 4,6 lần so với tháng trước (bán được 819 căn).
Tỷ lệ hấp thụ ở các dự án mới trong tháng này cũng lần đầu tiên ghi nhận mức kém nhất 3 năm, chỉ bán được 16 – 26% nguồn cung.
Thanh khoản nhà chung cư tiếp tục giảm trong các tháng đầu quý 4. Chỉ tính riêng tháng 11, lượng căn hộ bán được toàn khu vực phía Nam đạt hơn 200 căn, giảm gần 90% so với cùng kỳ năm ngoái. Dữ liệu này cho thấy sức mua nhà chung cư tháng 11 xuống thấp so với 4 tháng gần đây, đồng thời sa sút so với các mùa cao điểm bán hàng 3 năm qua.
Tại các tỉnh phía Bắc, thanh khoản thị trường nhà ở cũng ghi nhận xu hướng sụt giảm mạnh khi càng về cuối năm. Số liệu của Savills cho thấy, trong quý 1, Hà Nội bán được 4.000 căn hộ nhưng quý 2 chỉ đạt khoảng 2.200 căn, giảm 45%.
Lượng căn hộ bán được trong quý 3 cũng thua kém đầu năm 10%. Đối với nhà liền kề, biệt thự, số lượng giao dịch giảm dần trong các quý. Trong quý 3, số lượng giao dịch đạt 299 căn, chưa bằng một nửa so với quý 1 (hơn 600 căn).
Ngân hàng kiểm soát chặt tín dụng, TP.HCM “vắng bóng” bất động sản dưới 2 tỷ
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội môi giới bất động sản Việt Nam cho biết từ quý 2 trở đi, thị trường địa ốc phía Bắc giảm tốc mạnh do tác động của chính sách kiểm soát tín dụng. Tỷ lệ hấp thụ toàn thị trường trong quý 3 giảm 66,5% so với nửa đầu năm, lượng giao dịch giảm hơn 50% so với cùng kỳ năm ngoái.
Ông Đính cho hay dòng tiền có xu hướng chậm lại trên thị trường bất động sản khiến thanh khoản giảm rõ rệt.
Còn Giám đốc khu vực miền Nam của Batdongsan, ông Đinh Minh Tuấn, lý giải việc giao dịch “đóng băng” do một số khách hàng khó tiếp cận được nguồn vốn vay ngân hàng. Số khác tiếp cận được thì bị sốc vì lãi vay tăng.
Trong bản kiến nghị Chính phủ các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản mới đây, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch HOREA cũng nhìn nhận giá nhà hiện nay neo cao. Tình trạng lệch pha cung cầu: thừa nhà cao cấp thiếu nhà giá rẻ phần nào ảnh hưởng đến thanh khoản giảm mạnh, bên cạnh yếu tố kém thuận lợi là kiểm soát tín dụng và lãi suất tăng.
Báo cáo của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy, đơn vị đã xác nhận đủ điều kiện huy động sản phẩm hình thành trong tương lai cho 25 dự án với tổng số 12.147 căn. Trong đó, căn hộ chung cư có 10.632 căn, nhà ở thấp tầng 1.515 căn; tổng giá trị cần huy động là 252.337 tỷ đồng, báo Lao Động đưa tin.
Đáng chú ý, phân khúc cao cấp chiếm đến 78,3% tổng nguồn cung với 9.510 căn; phân khúc trung cấp chiếm 21,7% với 2.637 căn; phân khúc bình dân không xuất hiện, chiếm 0%.
Nhìn vào số liệu của Sở Xây dựng TP.HCM có thể thấy thị trường bất động sản TP.HCM đang lệch pha cung cầu, dư thừa phân khúc cao cấp, thiếu trầm trọng nhà ở vừa túi tiền. Ngay cả nguồn cung nhà ở xã hội (NOXH) vốn được kỳ vọng cũng đang rơi vào tình trạng khó khăn.
Báo cáo kết quả thực hiện nhiệm vụ năm 2022 của Sở Xây dựng TP.HCM cho thấy cả năm thành phố chỉ có 1 dự án NOXH hoàn thành đưa vào sử dụng với quy mô 260 căn. Đó là dự án Khu NOXH Bình Trưng Đông (HQC), phường Bình Trưng Đông, TP Thủ Đức, được nghiệm thu hoàn thành vào tháng 3/2022.
Hiện nay, TP.HCM có 9 dự án NOXH đang thi công, với quy mô 6.491 căn. Trong đó, có 4 dự án NOXH độc lập với quy mô 3.004 căn, 5 dự án sử dụng quỹ đất 20% với quy mô 3.227 căn và 2 dự án nhà cho công nhân thuê đang thi công, với quy mô 1.400 căn.
Từ đầu năm đến nay, TP.HCM có 5 dự án được khởi công gồm: 4 dự án NOXH tại TP Thủ Đức và huyện Bình Chánh, 1 dự án nhà lưu trú công nhân trong khu chế xuất. Tuy nhiên, những dự án NOXH khởi công trong năm 2022 đều đang đình trệ do vướng mắc trong quá trình triển khai.
Từ khóa chung cư Dòng sự kiện tín dụng bất động sản bất động sản