Thu thuế trên lãi là công bằng, nhưng thuế suất 20% là cao hay thấp?
Các chuyên gia nhận định cách tính thuế trên lãi từ kinh doanh chứng khoán là công bằng, nhưng mức thuế cần xem xét kỹ lưỡng. Vì dự thảo quy định khá chung chung, cách tính lãi chưa rõ ràng nên chưa rõ các chi phí lãi vay, ký quỹ, môi giới và các chi phí khác của nhà đầu tư có được khấu trừ không?

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến rộng rãi dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (thay thế). Theo đó, Bộ Tài chính cũng đề xuất thuế TNCN được xác định bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất 20%. Trong đó, phần thu nhập tính thuế được xác định bằng giá bán trừ giá mua và các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán trong kỳ tính thuế (theo năm).
Trường hợp không xác định được giá mua và chi phí liên quan thì thuế được xác định bằng giá bán chứng khoán nhân với thuế suất 0,1% theo từng lần chuyển nhượng.
Đánh thuế trên lãi là công bằng, phù hợp với thông lệ quốc tế
Dự thảo đưa ra hai lựa chọn tính thuế thu nhập cá nhân được nhiều chuyên gia đánh giá là một bước tiến gần tới công bằng và hiệu quả.
Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính – Ngân hàng (trường Đại học Nguyễn Trãi), cho rằng đề xuất thu thuế chứng khoán theo hai lựa chọn trên là “một nỗ lực đáng ghi nhận để tiến tới công bằng và hiệu quả”. Bởi, cách tính thuế cào bằng 0,1% giá bán đang áp dụng dễ thực hiện nhưng thiếu công bằng khi người lỗ vẫn đóng thuế.
Cùng quan điểm, ông Nguyễn Thế Minh, Giám đốc phân tích Khối khách hàng cá nhân, công ty Chứng khoán Yuanta Việt Nam, nhận định quy định thuế mới là hợp lý hơn và phù hợp với thông lệ quốc tế. “Đây là cách mà hầu hết thị trường lớn đang áp dụng. Nguyên tắc cơ bản là có thu nhập mới phải nộp thuế, lỗ thì không cần. Đó là sự công bằng trong đầu tư“, ông Minh nói.
Chuyên gia này cho rằng đánh thuế dựa trên lợi nhuận cũng phản ánh đúng bản chất đầu tư. Đặc biệt, với các sản phẩm như phái sinh – nơi nhà đầu tư không nắm giữ tài sản hữu hình – thì việc đánh thuế theo giá trị giao dịch là không phù hợp.
“Nhà đầu tư chỉ đang cầm một hợp đồng phái sinh, không phải cổ phiếu hay tài sản thực. Đánh thuế theo giao dịch sẽ làm méo mó bản chất của đầu tư“, ông Minh phân tích.
Về những tác động lên thị trường chứng khoán, ông nhận định việc đánh thuế khi có lãi sẽ không cản trở thanh khoản thị trường, thậm chí tăng hấp dẫn cho thị trường.
Thuế suất 20% là cao hay thấp, sẽ tác động tới thị trường chứng khoán như thế nào?
Cho ý kiến về mức thuế suất 20%, ông Nguyễn Anh Đức, Giám đốc điều hành bộ phận Môi giới khách hàng tổ chức và Tư vấn đầu tư của Chứng khoán SBB (SBBS) nhận xét đây là mức thuế suất khá cao.
“Nhiều nước chỉ đang áp dụng mức thuế 10-15% với các khoản lãi chứng khoán. Nếu Việt Nam áp ngay mức này mà không có lộ trình, nhà đầu tư sẽ phản ứng tiêu cực“, ông Anh Đức phân tích.
Lấy ví dụ về một người đầu tư chứng khoán với số vốn 1 tỷ đồng.
Với cách tính cũ, nếu người này bán lỗ 200 triệu đồng, thì vẫn phải nộp thuế 800.000 đồng tiền thuế. Ở phương án mới, người này sẽ không phải nộp thuế khi cắt lỗ.
Tuy nhiên, bài toán lật ngược lại khi người này kinh doanh lãi 200 triệu đồng. Theo phương án mới, người này chỉ phải nộp 1,2 triệu đồng tiền thuế, còn theo cách tính mới, người này sẽ phải nộp 40 triệu đồng tiền thuế.
Ông Anh Đức dẫn chiếu một con số thống kê cho biết có tới 90% số người tham gia thị trường chứng khoán bị lỗ, do vậy nhiều nhà đầu tư cá nhân sẽ không phải chịu thêm thiệt thòi nếu dự thảo được thông qua.
Cách tính lãi, cách tính các khoản chi phí được khấu trừ cũng chưa rõ ràng. Dự thảo chưa làm rõ liệu các chi phí như phí môi giới, chi phí lãi vay, lãi suất ký quỹ, … có được khấu trừ hay không? Khoản lỗ từ năm trước có được chuyển qua năm nay để bù trừ hay không?
Việc tính toán thuế trở nên phức tạp khi nhà đầu tư có nhiều tài khoản chứng khoán tại nhiều công ty chứng khoán. Cuối năm, họ phải tổng hợp lại toàn bộ giao dịch, chi phí, tính toán lời lỗ từng mã cổ phiếu, từng kỳ nắm giữ. “Điều này rất rắc rối”, ông Anh Đức thừa nhận.
Chính phủ cần hoạch định lộ trình rõ ràng cùng các giải pháp rõ ràng để tránh “sốc” thị trường chứng khoán
Để đảm bảo chính sách thuế vừa hiệu quả, vừa không gây sốc tâm lý, ông Anh Đức đề xuất nhà quản lý cần làm rõ các khái niệm liên quan đến thu nhập chịu thuế, cho phép khấu trừ lỗ theo năm, hoặc khuyến khích nhà đầu tư dài hạn bằng cơ chế thuế ưu đãi dựa trên thời gian nắm giữ.
Tương tự, ông Thế Minh đề xuất áp thuế theo thời gian nắm giữ tài sản – tương tự nhiều thị trường khác đang thực hiện. “Ví dụ, nếu nhà đầu tư giữ cổ phiếu dưới một năm, mức thuế có thể cao hơn so với những người giữ từ 5-10 năm. Cách làm này vừa khuyến khích đầu tư dài hạn, vừa hạn chế đầu cơ lướt sóng mà vẫn đảm bảo nguồn thu ngân sách“, ông nói.
Ông Nguyễn Quang Huy, CEO Khoa Tài chính – Ngân hàng (trường Đại học Nguyễn Trãi) đề nghị nhà điều hành xây dựng lộ trình 3-5 năm chuyển sang thuế theo lãi thực tế, song song đầu tư hệ thống hạ tầng dữ liệu tài khoản chứng khoán quốc gia – kết nối ngân hàng, sàn giao dịch và cơ quan thuế.
Trong ngắn hạn, theo chuyên gia này, Nhà nước nên cho phép nhà đầu tư lựa chọn phương thức nộp thuế linh hoạt. Đồng thời, miễn giảm thuế với nhà đầu tư cá nhân nhỏ, đầu tư dài hạn hoặc tái đầu tư trong vòng 12 tháng, để khuyến khích dòng tiền bền vững vào thị trường vốn – nền tảng cho huy động vốn trung – dài hạn của doanh nghiệp.
Từ khóa Thuế thu nhập cá nhân kinh doanh chứng khoán
