Dự thảo Luật Thuế Thu nhập cá nhân (thay thế), Bộ Tài chính dự kiến sửa quy định về cách tính thuế thu nhập cá nhân với hoạt động chuyển nhượng vốn và chứng khoán trên lãi (giá mua trừ giá bán và các chi phí hợp lý). Cách tính này đã từng đề cập trong Luật thuế TNCN 2007 nhưng chưa được áp dụng rộng rãi.

r shutterstock 2067518057
Bộ Tài chính đề xuất tính thuế thu nhập cá nhân trên lãi thực từ chuyển nhượng chứng khoán. Ảnh ShutterStock.

Tại dự thảo Luật Thuế Thu nhập cá nhân (thay thế) đang lấy ý kiến rộng rãi, Bộ Tài chính đề xuất sửa đổi, hoàn thiện quy định về thu nhập chịu thuế TNCN và cách tính thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn, chứng khoán của cá nhân (bao gồm cả chứng khoán phái sinh).

Cụ thể, thuế TNCN đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn của cá nhân cư trú được xác định bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất 20% theo từng lần chuyển nhượng.

Trong đó, thu nhập tính thuế được xác định bằng giá bán trừ giá mua và các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng vốn. Trường hợp không xác định giá mua và các chi phí liên quan thì thuế được xác định bằng giá bán nhân với thuế suất 2%.

Với chuyển nhượng chứng khoán, Bộ Tài chính cũng đề xuất thuế TNCN được xác định bằng thu nhập tính thuế nhân với thuế suất 20%.

Trong đó, phần thu nhập tính thuế được xác định bằng giá bán trừ giá mua và các khoản chi phí hợp lý liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán trong kỳ tính thuế (theo năm). Trường hợp không xác định được giá mua và chi phí liên quan thì thuế được xác định bằng giá bán chứng khoán nhân với thuế suất 0,1% theo từng lần chuyển nhượng.

Thời điểm xác định thu nhập tính thuế là thời điểm giao dịch hoàn thành theo quy định của pháp luật.

Trước đây, Luật thuế TNCN số 04/2007/QH12 (hiệu lực từ ngày 01/01/2009) đã từng quy định hai phương pháp thu thuế đối với chuyển nhượng chứng khoán. Cụ thể, tính theo thuế suất 20% trên thu nhập năm (giá bán trừ đi giá mua và các chi phí liên quan), nếu không xác định được giá vốn, các chi phí liên quan và có chứng từ chứng minh thì nộp thuế 0.1% trên giá bán từng lần và không phải quyết toán thuế khi kết thúc năm tính thuế.

Trường hợp cá nhân áp dụng phương pháp thu thuế theo thuế suất 20%, có kỳ tính thuế theo năm thì mỗi lần chuyển nhượng cá nhân tạm nộp thuế 0.1% trên giá bán chứng khoán từng lần, cuối năm quyết toán được trừ số thuế đã tạm nộp trong năm. Đến cuối năm nếu cá nhân chuyển nhượng chứng khoán có yêu cầu quyết toán thuế theo thuế suất 20% trên thu nhập và có đầy đủ chứng từ chứng minh giá vốn và các chi phí liên quan thì thực hiện khai quyết toán thuế trực tiếp với cơ quan thuế.

Đến năm 2014, Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung một số điều của các Luật về thuế (hiệu lực từ ngày 01/01/2015) quy định thống nhất một phương pháp tính thuế TNCN đối với chuyển nhượng chứng khoán theo thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng từng lần.

Tuy nhiên, việc đánh thuế trên giá chuyển nhượng từng lần được cho là bất cập đối với một số dịch vụ như phái sinh hay nhà đầu tư đã bán lỗ nhưng vẫn phải nộp thuế thu nhập cá nhân,…

Vì vậy, tại dự thảo lần này, Bộ Tài chính đề xuất đồng thời 2 phương pháp tính thuế TNCN với từ chuyển nhượng vốn, chứng khoán, có thể tính trên lãi hoặc theo từng lần chuyển nhượng, nhưng ưu tiên tính theo lãi thực với kỳ tính thuế theo năm.

Nguyên Hương (t/h)