Viện kiểm sát kết luận Grab phải bồi thường cho Vinasun 41,2 tỷ đồng
- Tuệ San
- •
Sau 4 ngày làm việc căng thẳng, phiên toà Vinasun kiện Grab đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng đã bước vào những thủ tục cuối cùng. Tại phiên toà chiều nay (23/10), đại diện Viện Kiểm sát tại Toà đã trình bày quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, theo đó đề nghị chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của Vinasun đối với Grab.
Grab vi phạm đề án 24
Tại phiên toà, sau khi sơ lược lại các nội dung khởi kiện của nguyên đơn và ý kiến của bị đơn, Viện kiểm sát trình bày quan điểm về trình tự giải quyết vụ án, thẩm quyền toà án, các ý kiến về hành vi vi phạm, yêu cầu bồi thường thiệt hại.
Viện kiểm sát cho biết vụ án được giải quyết theo đúng trình tự pháp luật về tố tụng dân sự, tạo điều kiện cho các bên trình bày quan điểm của mình một cách tự do và không giới hạn.
Về thẩm quyền giải quyết vụ án, Viện kiểm sát nhận định đây không phải là vụ kiện hành chính, không phải vụ kiện cạnh tranh, và hai bên cũng không thoả thuận về việc sử dụng trọng tài, mà đây là vụ án dân sự kiện đòi bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, nên thẩm quyền giải quyết thuộc về toà án. Hai bên đều là pháp nhân có trụ sở đặt tại TP.HCM nên thẩm quyền giải quyết vụ án là Toà án Kinh tế TP.HCM.
Về nội dung, căn cứ vào hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên toà, Viện Kiểm sát nhận định “Grab có vi phạm đề án 24, pháp luật về kinh doanh vận tải gây đến tổn thất cho Vinasun.”
Tại giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh lần đầu của Sở Kế hoạch Đầu tư TP.HCM cấp ngày 14/2/2014, tại Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia cũng như điều lệ của Công ty TNHH Grab đã thể hiện ngành nghề kinh doanh tại mã ngành nghề kinh doanh 4931 là vận tải hành khách đường bộ trong nội thành và ngoại thành, trừ vận tải bằng xe buýt, cùng ngành nghề với Vinasun.
Mặc dù theo đề án 24, Công ty Grab chỉ được phép kinh doanh là ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng, nhưng trên thực tế, căn cứ vào tài liệu chứng cứ có trong hồ sơ và kết quả tranh tụng tại phiên toà có thể khẳng định Grab không đơn thuần là đơn vị cung cấp cấp nền tảng kết nối cho đơn vị kinh doanh vận tải theo Quyết định 24 của Bộ GTVT.
Thực tế Grab đã lợi dụng quyết định 24 để điều hành trọn vẹn 1 quy trình kinh doanh vận tải taxi tương tự như Vinasun gồm: tuyển tài xế; điều hành xe và chỉ định tài xế đón khách; quyết định giá cước và điều chỉnh tăng giảm; thu tiền trực tiếp của khách hàng; tài xế phải nộp tiền vào tài khoản của Grab mới được sử dụng ứng dụng và đón khách; quyết định mức chiết khấu cho tài xế, tăng và giảm mức chiết khấu này; quy định thưởng phạt đối với tài xế, kể cả phạt đối với tài xế không nhận đón khách; mở hoặc tắt ứng dụng đối với tài xế; mua bảo hiểm tai nạn tự nguyện cho hành khách và tài xế.
Bên cạnh đó, Grab đã thực hiện nhiều chương trình khuyến mại trên giá cước vận chuyển, trong đó có cả những chuyến xe 0 đồng. Theo báo cáo ngày 15/11/2017 của Bộ Tài chính, trong 4 năm từ 2014 – 2017, Grab đã kinh doanh bị thua lỗ tới 1.726,2 tỷ đồng, trong đó phần lớn chi phí là tiếp thị, quảng cáo, khuyến mãi, trong khi đó vốn điều lệ chỉ có 20 tỷ đồng.
Buộc bồi thường cho Vinasun 41,2 tỷ đồng
Từ cơ sở pháp lý và thực tế hoạt động kinh doanh trên thị trường của Grab có đủ cơ sở xác định “Grab là doanh nghiệp kinh doanh vận tải taxi.”
Liên quan tới giá trị thiệt hại của Vinasun, Viện kiểm sát cho biết Hội đồng xét xử đã trưng cầu giám định độc lập. Trình tự trưng cầu giám định được thực hiện đúng quy định pháp luật. Các số liệu của đơn vị giám định đưa ra là phù hợp với thực tế.
Do có hành vi vi phạm pháp luật của Grab, có thiệt hại của Vinasun và có mối quan hệ nhân quả giữa hành vi vi phạm pháp luật và thiệt hại, Viện kiểm sát kết luận “yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của Vinasun là có cơ sở, buộc Grab phải bồi thường 1 lần số tiền thiệt hại là 41.218. 896.128 đồng.”
Chia sẻ với phóng viên báo chí bên lề phiên toà, ông Lim Yen Hock – Đại diện Grab cho biết rất thất vọng về kết luận của Viện kiểm sát. Đơn vị này cho biết quyền xác định Grab có phải kinh doanh taxi hay không thuộc thẩm quyền của toà án.
“Tuy nhiên, bất kể là quyết định ngày 29/10/2018 của TAND TP.HCM có như thế nào chăng nữa, chúng tôi cam kết sẽ luôn đầu tư tại Việt Nam để làm phát triển xã hội và tất cả những con người Việt Nam”, ông Lim nói.
Sau khi nghe đại diện Viện kiểm sát trình bày quan điểm, phiên toà chuyển sang phần nghị án. Hội đồng xét xử nhận định đây là vụ án phức tạp, liên quan tới nhiều lĩnh vực, nên quyết định nghị án kéo dài.
Dự kiến, phiên toà sẽ được tuyên án vào 14h chiều ngày 29/10/2018 tại trụ sở Toà án Nhân dân TP.HCM (số 131 Nam Kỳ Khởi Nghĩa, Q1, TP.HCM).
Tuệ San
Xem thêm:
Từ khóa Grab Grabtaxi Vinasun kiện grab