Xét xử giai đoạn 2 đại án VNCB: Ông Trầm Bê và Phạm Công Danh cùng hầu tòa
- Chân Hồ
- •
Theo cáo trạng, trong giai đoạn 2 của đại án VNCB, ông Phạm Công Danh – nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB và ông Trầm Bê – nguyên Phó chủ tịch HĐQT Sacombank cùng đồng phạm gây thiệt hại hơn 6.000 tỷ đồng. Tổng thiệt hại hai giai đoạn của vụ án là hơn 15.000 tỷ đồng.
Ngày 11/12, TAND TP.HCM cho biết cơ quan này sẽ tiến hành mở phiên tòa xét xử Phạm Công Danh cùng 45 bị can trong đại án VNCB (giai đoạn 2) về hành vi “Cố ý làm trái quy định của Nhà nước về quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại các ngân hàng TMCP Sài Gòn Thương Tín (Sacombank), Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank), Ngân hàng TMCP Đầu tư và phát triển Việt Nam (BIDV) và Ngân hàng TMCP Xây dựng Việt Nam (VNCB).
Dự kiến, phiên toà diễn ra vào ngày 8/1/2018. Ngoài ông Phạm Công Danh – nguyên Chủ tịch HĐQT Ngân hàng VNCB, trong 45 bị can còn có ông Trầm Bê – Phó chủ tịch HĐQT kiêm chủ tịch hội đồng tín dụng ngân hàng Sacombank và ông Phan Huy Khang – nguyên Tổng giám đốc Sacombank.
>> Nguyên Chủ tịch PVN Nguyễn Quốc Khánh bị khởi tố và bắt tạm giam
Theo cáo trạng, tháng 4/2013, ông Phạm Công Danh đến gặp ông Trầm Bê đề nghị ông Bê cho vay tiền do cả hai có quen biết từ trước. Ông Bê đồng ý và chỉ đạo ông Phan Huy Khang duyệt cho ông Danh vay số tiền 1.800 tỷ đồng với tài sản đảm bảo là tiền gửi của VNCB tại ngân hàng Sacombank. Sau đó, ông Phạm Công Danh dùng số tiền trên để trả nợ ngân hàng BIDV.
Cũng theo cáo trạng, ông Danh chỉ đạo nhân viên sử dụng pháp nhân làm 29 bộ hồ sơ khống từ các công ty do ông Danh lập nên để vay vốn tại 3 ngân hàng Sacombank, TPBank và BIDV.
Cùng với đó, để khoản vay được hợp thức hóa, ông Danh gửi 6.600 tỷ đồng liên ngân hàng tại 3 ngân hàng nói trên, rồi dùng các khoản tiền gửi này của VNCB để làm tài sản bảo lãnh, trả nợ thay cho các công ty do ông lập ra. Điều này đã gây thiệt hại cho VNCB hơn 6.100 tỷ đồng.
Tại ngân hàng TPBank, ông Danh cùng đồng phạm cũng dùng các khoản tiền gửi của VNCB tại TPBank để bảo lãnh vay mua trái phiếu của Tập đoàn Thiên Thanh và Công ty Trung Dung do ông Danh thành lập, điều hành – gây thiệt hại cho VNCB hơn 1.700 tỷ đồng.
Tương tự với ngân hàng BIDV, cũng theo cách trên, ông Danh gây thất thoát cho VNCB với số tiền là hơn 2.500 tỷ đồng.
Để lập các công ty đứng tên trên hồ sơ vay vốn, ông Danh đã nhờ nhân viên hành chính, nhân viên bảo vệ, cho tới nhân viên rửa xe, bảo dưỡng xe của Tập đoàn Thiên Thanh hoặc người nhà đứng tên làm Giám đốc công ty.
Theo điều tra, tổng số tiền mà ông Phạm Công Danh cùng đồng phạm gây thiệt hại trong cả 2 giai đoạn của vụ án là hơn 15.000 tỷ đồng.
Trước đó, trong giai đoạn 1 của đại án VNCB, ông Phạm Công Danh đã bị tuyên án 30 năm tù. Cùng với đó, 14 bị cáo khác cũng bị cơ quan tố tụng xác định gây thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng. Ông Danh còn là bị cáo trong đại án OceanBank đang chuẩn bị được đưa ra xét xử phúc thẩm.
Chân Hồ
Xem thêm:
Từ khóa Phạm Công Danh đại án VNCB Trầm Bê khủng hoảng ngân hàng tham nhũng