Ước tính có khoảng 57 triệu người trên toàn thế giới đang mắc chứng sa sút trí tuệ và con số này dự kiến ​​sẽ tăng lên 153 triệu vào năm 2050. Nhưng một báo cáo mới về chứng sa sút trí tuệ do Ủy ban Lancet công bố ước tính rằng gần một nửa số trường hợp mắc bệnh thần kinh có thể được ngăn ngừa hoặc được trì hoãn. 27 chuyên gia hàng đầu thế giới về chứng sa sút trí tuệ là đồng tác giả của báo cáo này.

nguoi cao tuoi
(Ảnh: Nattakorn_Maneerat/ Shutterstock)

Các chuyên gia của nghiên cứu đưa ra 12 yếu tố nguy cơ hiện có và 2 yếu tố nguy cơ mới có thể giúp ngăn ngừa hoặc trì hoãn chứng sa sút trí tuệ.

2 yếu tố nguy cơ mới bao gồm việc mất thị lực và có lipoprotein mật độ thấp hoặc cholesterol LDL cao.

12 yếu tố nguy cơ trước đó bao gồm trình độ học vấn thấp, mất thính lực, trầm cảm, chấn thương sọ não, ít hoạt động thể chất, hút thuốc, tiểu đường, huyết áp cao, béo phì, uống quá nhiều rượu, cô lập với xã hội và ô nhiễm không khí.

Các yếu tố nguy cơ này là nguyên nhân gây bệnh chính trong giai đoạn đầu đời hơn là giai đoạn cuối đời. Ví dụ, trình độ học vấn thấp là yếu tố nổi bật hơn trong giai đoạn đầu đời. Các yếu tố như cô lập với xã hội, ô nhiễm không khí và mất thị lực không được điều trị là những yếu tố nguy cơ chính ở giai đoạn cuối đời, trong khi có một số yếu tố khác lại là nguyên nhân chính gây nguy cơ ở tuổi trung niên.

Bà Carol Brayne, giáo sư y tế cộng đồng tại Đại học Cambridge và nghiên cứu sinh tiến sĩ Seb Walsh nói với The Epoch Times qua email rằng: “Nói tóm lại, đây là những yếu tố nguy cơ chính khiến một người có nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ cao hơn hoặc thấp hơn.

Điều đó có nghĩa là chúng ta không thể nói với một người nào đó rằng nếu họ ngừng hút thuốc, hoặc nếu họ kiểm soát được huyết áp thì chắc chắn họ sẽ không bị mắc chứng sa sút trí tuệ. Nhưng nếu chúng ta thực hiện điều này cho nhiều người trong xã hội thì hy vọng là sẽ giảm được tỷ lệ mắc chứng sa sút trí tuệ ở các nhóm tuổi, mặc dù không thể ‘ngăn chặn’ hoàn toàn.

14 yếu tố nguy cơ

Các yếu tố nguy cơ được xác định từ dữ liệu của 37.000 người có độ tuổi từ 45 trở lên tham gia nghiên cứu HUNT của Na Uy. Ủy ban đã xem xét bằng chứng từ dữ liệu và các đánh giá khác để quyết định những yếu tố nào có khả năng liên quan nhất đến chứng sa sút trí tuệ.

Cụ thể, bằng chứng mới ủng hộ quan điểm cho rằng tình trạng mất thị lực và cholesterol cao là những yếu tố nguy cơ mới có thể điều chỉnh được đối với chứng sa sút trí tuệ, báo cáo lưu ý.

12 yếu tố nguy cơ ban đầu có liên quan đến 40% các ca mắc bệnh sa sút trí tuệ, tuy nhiên, báo cáo mới lưu ý rằng việc giải quyết tất cả 14 yếu tố có thể ngăn ngừa hoặc trì hoãn 45% các ca sa sút trí tuệ.

Báo cáo không đánh giá số năm có thể trì hoãn được chứng sa sút trí tuệ nếu một người giảm bớt được các yếu tố nguy cơ này.

Chứng sa sút trí tuệ tăng theo cấp số nhân theo tuổi tác. Vì vậy, chúng ta thường nói về một nhóm dân số mà, nếu sự khởi phát của chứng bệnh này được trì hoãn sau một vài năm và trong thời gian trì hoãn này mà người đó bị chết vì những nguyên nhân khác thì chứng sa sút trí tuệ sẽ được coi như đã được ‘ngăn chặn’ một cách hiệu quả đối với người đó. Đối với những người khác, vẫn sẽ bị mắc chứng sa sút trí tuệ nhưng ở giai đoạn cuối đời và cận kề với cái chết hơn,” bà Brayne và Walsh cho biết.

Đặc biệt, báo cáo phát hiện ra rằng cholesterol LDL cao và tình trạng mất thính lực là những yếu tố nguy cơ ảnh hưởng lớn nhất đến chứng sa sút trí tuệ. 2 yếu tố này được cho là nguyên nhân gây ra khoảng 1/3 các trường hợp sa sút trí tuệ có thể phòng ngừa được.

Trình độ học vấn thấp trong giai đoạn đầu đời có liên quan đến 11%/tổng số các trường hợp có thể phòng ngừa được, dẫn đến lời kêu gọi về việc cải thiện chất lượng giáo dục và “các hoạt động kích thích nhận thức ở tuổi trung niên để bảo vệ nhận thức” của Ủy ban Lancet.

Đối với những yếu tố nguy cơ xảy ra ở tuổi trung niên, trầm cảm và chấn thương sọ não chiếm 6% các trường hợp có thể phòng ngừa được. Các yếu tố như không hoạt động thể chất, hút thuốc, tiểu đường, huyết áp cao và béo phì chiếm từ  2% – 4% các trường hợp có thể phòng ngừa được.

Trong tất cả các yếu tố nguy cơ thì trầm cảm ở tuổi trung niên có tỷ lệ mắc thấp nhất nhưng lại chiếm tỷ lệ đáng kể trong các trường hợp sa sút trí tuệ có thể phòng ngừa được.

Bà Brayne và Walsh cho biết: “Trầm cảm vừa là yếu tố nguy cơ vừa là triệu chứng ban đầu, thường xuất hiện trong quá trình phát triển chứng sa sút trí tuệ cho đến một giai đoạn nào đó. Vì vậy, đây là một nguy cơ đặc biệt khó kiểm tra và nhiều nghiên cứu đã xem xét nguy cơ này sớm hơn trong cuộc sống để cố gắng tìm ra yếu tố nguy cơ cụ thể nhằm bảo đảm rằng đó là nguy cơ chứ không phải là một triệu chứng.

Đối với các trường hợp ảnh hưởng đến người lớn tuổi, sự cô lập với xã hội có liên quan đến khoảng 10% các trường hợp có thể phòng ngừa được, trong khi ô nhiễm không khí có liên quan đến 5%.

Ủy ban lưu ý rằng việc phòng ngừa đòi hỏi “nhiều nỗ lực”. “Phòng ngừa bao gồm cả việc thay đổi chính sách ở cấp chính phủ quốc gia và quốc tế cũng như các biện pháp can thiệp phù hợp với từng cá nhân.

Ủy ban khuyến nghị một số hành động cụ thể giúp giảm nguy cơ mắc chứng sa sút trí tuệ trong suốt cuộc đời, bao gồm:

  • Có nền giáo dục chất lượng tốt và tham gia vào các hoạt động kích thích nhận thức ở tuổi trung niên
  • Sử dụng máy trợ thính và giảm tiếp xúc với tiếng ồn có hại cho người khiếm thính
  • Điều trị trầm cảm
  • Sử dụng mũ bảo hiểm, bảo vệ đầu khi chơi các môn thể thao đối kháng và khi lái xe
  • Tập ​​thể dục
  • Giảm hút thuốc
  • Ngăn ngừa hoặc giảm việc tăng huyết áp
  • Phát hiện và điều trị cholesterol LDL cao ở tuổi trung niên
  • Duy trì cân nặng khỏe mạnh và điều trị béo phì càng sớm càng tốt; điều này cũng có thể giúp ngăn ngừa bệnh tiểu đường
  • Giảm lượng rượu tiêu thụ
  • Ưu tiên môi trường và nhà ở thân thiện, phù hợp với từng lứa tuổi
  • Giảm sự cô lập với xã hội bằng cách tham gia các hoạt động và sống chung với người khác
  • Cố gắng khiến việc sàng lọc và điều trị chứng mất thị lực trở nên dễ tiếp cận hơn

Liệu việc giải quyết tất cả các yếu tố nguy cơ có cải thiện được hoàn toàn các trường hợp sa sút trí tuệ không?

Giáo sư Gill Livington cho biết trong một cuộc phỏng vấn với The Epoch Times rằng “Một số người vẫn sẽ mắc chứng sa sút trí tuệ. Nhưng chúng tôi hy vọng rằng những lời khuyên trên đây sẽ giúp cho mọi người có tuổi thọ cao hơn, khỏe mạnh hơn và thời gian mắc chứng sa sút trí tuệ ngắn hơn vào cuối đời.

Thang đo 8 điểm giúp phát hiện sớm sa sút trí tuệ

Tiến sĩ Lưu Trung Bình, một bác sĩ chuyên khoa Tim mạch người Đài Loan cho biết, nếu những người cao tuổi trong gia đình thường đãng trí và mất bình tĩnh vì điều này mà không muốn đi khám chữa bệnh thì rất có thể đó là biểu hiện của “chứng mất trí nhớ.”

Sự thiếu hiểu biết của bệnh nhân về tình trạng sức khỏe không tốt và căn bệnh khó chữa khỏi của mình, từ chối nhận trợ giúp và không sẵn sàng điều trị đã trở thành vấn đề khó giải quyết nhất… Đó là bệnh sa sút trí tuệ.

“Vậy cần làm thế nào và bắt đầu điều trị từ đâu khi những người cao tuổi không có ‘ý thức nhận biết bệnh tật,’ hoặc không nhận ra rằng họ đang bị bệnh, và không biết vấn đề là gì?”

Tiến sĩ Lưu giải thích là, khi bạn thấy cha mẹ mình thường xuyên quên nơi để đồ, thường xuyên đánh rơi tiền, quên những việc được yêu cầu lúc trước và thường xuyên nổi cáu với người khác về điều đó, thì đó có thể là một triệu chứng của “sa sút trí tuệ rất sớm.”

Tiến sĩ Lưu gợi ý rằng, vấn đề này có thể được xác nhận bằng “Thang đo sàng lọc chứng sa sút trí tuệ rất sớm.” Nếu thỏa mãn hơn 2 trong số 8 câu hỏi, những người cao tuổi nên được thuyết phục thừa nhận về việc hoạt động tinh thần có vấn để và điều trị y tế càng sớm càng tốt.

Thang điểm này là một nỗ lực nhằm khắc phục sự thờ ơ thường thấy ở hầu hết bệnh nhân mắc chứng “sa sút trí tuệ rất sớm,” những người có thể không nhận thức được những lo lắng của các thành viên trong gia đình, và do đó không sẵn sàng đi khám.

Thông qua việc tự đánh giá này, những người cao tuổi sẽ nhận thức rõ hơn về các vấn đề của chính họ và có thể làm tăng cảm giác khẩn cấp của bệnh nhân.

“Thang đo sàng lọc chứng sa sút trí tuệ rất sớm” bao gồm 8 câu hỏi sau:

  • Khó khăn trong việc đưa ra phán đoán chính xác: chẳng hạn như dễ trở thành nạn nhân của trò lừa đảo, đưa ra quyết định tài chính kém, hoặc mua một món quà không phù hợp với người nhận.
  • Giảm hứng thú với các hoạt động và sở thích.
  • Lặp lại các câu hỏi, câu chuyện và câu nói giống nhau liên tục.
  • Khó khăn trong việc học cách sử dụng các công cụ, thiết bị và tiện ích. Ví dụ: TV, âm thanh nổi, điều khiển từ xa, máy lạnh, máy giặt, máy nước nóng hoặc lò vi sóng.
  • Quên tháng và năm.
  • Khó giải quyết các vấn đề tài chính phức tạp. Ví dụ: cân bằng thanh toán cá nhân hoặc gia đình, hóa đơn và thuế thu nhập.
  • Khó nhớ thời gian hẹn.
  • Có các vấn đề về tư duy và trí nhớ dai dẳng.

Nguyên Khang, theo The Epoch Times

Xem thêm: