Có thể bạn đã biết ăn nhiều đường không tốt cho sức khỏe. Nhưng có nhiều loại thực phẩm có hàm lượng đường cao bất ngờ, bạn không thể kiểm soát được mình đã tiêu thụ bao nhiêu. Vậy nên hãy lắng nghe các dấu hiệu tinh tế trong cơ thể để giảm bớt lượng đường bạn nạp vào mỗi ngày.

banh keo
(Ảnh: Shutterstock)

1. Thèm ăn đồ ngọt

Thèm ăn đồ ngọt không đồng nghĩa với việc bị nghiện, nhưng ăn đường sẽ giải phóng chất hóa học dopamine trong não (trong não, dopamine hoạt động như một chất dẫn truyền thần kinh – một chất hóa học do nơron – tế bào thần kinh giải phóng để gửi tín hiệu đến các tế bào thần kinh khác). Không có vấn đề gì nếu thỉnh thoảng bạn thèm ăn bánh quy ngọt, nhưng nếu bạn luôn muốn ăn vào một giờ nhất định, lúc nào cũng có cảm giác thèm ăn thì bạn đã nạp vào cơ thể quá nhiều đường nên nó mới muốn nhiều hơn nữa.

8 dấu hiệu cho thấy bạn đang ăn quá nhiều đường
(Ảnh: Shutterstock)

2. Mọc nhiều mụn

Đồ ngọt nhanh chóng làm tăng lượng đường trong máu và insulin, từ đó làm tăng tiết androgen, sinh ra dầu và viêm, kết quả là mặt bạn sẽ nổi thêm rất nhiều mụn. Chưa dừng lại ở đó, thừa đường trong cơ thể sẽ khiến bạn nhanh chóng lão hóa. Chế độ ăn nhiều đường tạo ra các hợp chất phá hủy collagen và elastin (đó là các protein giúp da căng và giữ được vẻ ngoài trẻ trung). Uống thường xuyên các đồ uống có đường như soda, cola, các đồ uống ngọt có ga… có thể dẫn đến hiện tượng lão hóa sớm các tế bào miễn dịch, khiến cơ thể dễ bị bệnh mạn tính tương đương với ảnh hưởng của việc hút thuốc lá. Trước khi nếp nhăn xuất hiện cùng làn da chảy xệ, bạn cần chuyển sang thói quen ăn uống lành mạnh hơn.

3. Viêm khớp

Ăn nhiều đường có thể dẫn đến viêm khớp. Vì khi protein hoặc chất béo trong cơ thể tương tác với đường, làm tăng các yếu tố gây nguy cơ mắc bệnh tim và tiểu đường, và tất nhiên, không ngoại trừ chứng sưng viêm. Nước ngọt là đồ uống phổ biến và rất ngon miệng, nhưng bạn nên “chia tay” đi thôi. Hàm lượng đường cao có trong loại đồ uống thông dụng này gây giảm hấp thu canxi trong cơ thể và là “thủ phạm” gây viêm nhiễm rất lớn – các nguyên nhân đều dẫn đến gây hư khớp. Do đó, nước ngọt là đồ tối kỵ đối với những người bị các bệnh về khớp.

8 dấu hiệu cho thấy bạn đang ăn quá nhiều đường
(Ảnh: Shutterstock)

4. Huyết áp cao

Khi lượng đường được ăn nhiều hơn sẽ làm tăng đáng kể huyết áp tâm thu (6,9 mm Hg) và huyết áp tâm trương (5,6 mm Hg). Mức tiêu thụ đường bình quân đầu người hiện nay cao gấp từ 2-8 lần so với khuyến cáo của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), do thói quen ăn uống các chế phẩm ăn nhanh và làm sẵn. Xét đến thanh thiếu niên cụ thể, mức tiêu thụ hiện tại có thể cao gấp từ 6-16 lần. Việc lạm dụng quá mức fructose do ăn uống là một cơ chế có khả năng làm tăng nhịp tim, nồng độ muối trong thận và sức đề kháng của mạch máu… Tất cả những điều này đều có thể tương tác làm tăng huyết áp và tăng nhu cầu về oxy của cơ tim. Tuy nhiên, ăn đường bao gồm cả fructose từ sản phẩm sinh học tự nhiên (trái cây) lại không gây hại mà rất có lợi cho cơ thể.

5. Khó tiêu

Bên trong và bên ngoài cơ thể chúng ta đều phủ đầy vi khuẩn. Chế độ ăn uống hợp lý góp phần lớn vào sự cân bằng giữa vi khuẩn tốt và xấu, đặc biệt là trong đường tiêu hóa của bạn. Trong đồ ngọt có chứa vi khuẩn xấu đủ sức “đàn áp” vi khuẩn tốt. Sự mất cân bằng có thể ảnh hưởng đến chức năng của đường tiêu hóa, khiến bạn cảm thấy nhộn nhạo hoặc gặp khó khăn trong việc chuyển hóa chất dinh dưỡng. Vì thế nếu bạn gặp vấn đề về dạ dày, hãy xem lại chế độ ăn của mình có bị thừa đường hay không.

kho tieu 1
(Ảnh: Pixabay)

6. Phiền muộn

Để hoạt động bình thường, não của bạn cần cung cấp một số chất như insulin và glucose. Tuy nhiên, khi bộ não bị cung cấp quá mức các chất này do ăn nhiều đường, nó sẽ dẫn đến tình trạng bồn chồn và lo lắng. Quá nhiều đường cũng liên quan đến nguy cơ tâm lý bị kích thích, lo lắng và thậm chí trầm cảm.

7. Sâu răng

Thường xuyên sử dụng đồ ngọt sẽ cung cấp môi trường sinh sản tốt cho vi khuẩn trong khoang miệng. Vi khuẩn và đường có thể dễ dàng gây ra sự gia tăng các thành phần có tính axit trong răng. Răng thường bị tấn công bởi các chất có tính axit dẫn đến các bệnh về răng miệng, chẳng hạn như sâu răng. Nếu bạn luôn dặn con trẻ hạn chế ăn kẹo, thì chính bản thân bạn cũng nên nhìn lại chế độ ăn đồ ngọt của mình. Những món đồ ăn vặt phổ biến như bánh quy, nước ngọt, bánh gato, chè, bánh bông lan, nước có ga… không phải kẹo nhưng đều là đồ nhiều đường.

8. Tăng cân

Tang can
(Ảnh: Shutterstock)

Tất nhiên đây là dấu hiệu dễ thấy nhất khi bạn lỡ ăn quá nhiều đường. Theo một nghiên cứu, lượng thức uống nhiều đường có liên quan đến chứng béo phì ở trẻ em. Thực tế, lượng calo trong chất ngọt này ức chế tế bào đốt chất béo và làm tăng lượng insulin, gây rối loạn trao đổi chất cơ thể dẫn đến tăng cân. Ngoài ra, đường cũng có khả năng tăng ghrelin – hormone gây cảm giác đói. Vì vậy, bạn sẽ ăn nhiều hơn, chủ yếu là thực phẩm giàu carbohydrate dẫn đến sự tích tụ chất béo trong bụng. Điều này sẽ dẫn đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và bệnh tim.

Minh Minh

Xem thêm: