Với hương vị tuyệt vời và giàu ý nghĩa, bánh trung thu vốn là món quà đặc biệt không thể thiếu vào rằm tháng Tám. Nên thưởng thức bánh trung thu như thế nào để tránh hấp thụ quá nhiều các chất dinh dưỡng đa lượng trong bánh, nhằm bảo đảm sức khỏe và cân nặng?

bánh trung thu
Bánh trung thu truyền thống thường có hình tròn, hình tròn chính là tượng trưng cho “đoàn viên”, mang ý nghĩa gắn kết các thành viên trong gia đình. (Ảnh: Paulmc19/ Shutterstock)

Món bánh truyền thống này chứa một lượng calo rất lớn, tương đương với một suất ăn, một tô phở hay thậm chí là 5 chiếc đùi gà. Tùy từng loại mà lượng calo sẽ khác nhau, nhưng thường nằm trong khoảng 700 đến 1000 calo.

Ăn quá nhiều bánh trung thu có thể phát sinh một số hệ lụy đối với sức khỏe, thậm chí nếu ăn không đúng cách có thể gây ra bệnh tiểu đường, viêm gan, đặc biệt là béo phì. Ăn uống lành mạnh là ăn một chế độ cân bằng kiểm soát 3 loại chất dinh dưỡng đa lượng: carbs, protein và chất béo. 

Ý nghĩa của bánh trung thu

Trong phong tục của người dân châu Á, Tết Trung thu hay còn gọi là tết đoàn viên, đây chính là lúc các thành viên trong gia đình tụ họp. Bởi vậy bánh trung thu truyền thống thường có hình tròn, hình tròn chính là tượng trưng cho “đoàn viên”, viên mãn, tròn đầy. Trên mặt bánh thường in các chữ mang ý nghĩa tốt lành. Ngày nay, bánh có nhiều hình dạng hơn, gồm cả hình vuông, hình hoa, hình các con vật. 

Tại Việt Nam, ngày rằm tháng Tám được xem là ngày người nông dân mở tiệc ăn mừng cho một vụ mùa bội thu. Do đó mà bánh trung thu được làm với hình vuông hoặc tròn để thay lời cảm ơn trời đất. Ngoài ra, ngày này cũng mang ý nghĩa gắn kết các thành viên trong gia đình. Bánh trung thu ở nước ta thường được chia ra 2 loại chính là bánh nướng và bánh dẻo. 

Bánh trung thu – một quả bom carb 

Để có thể thưởng thức bánh trung thu nhưng không tăng cân và tốt cho sức khỏe, đầu tiên chúng ta cần hiểu rõ những gì có trong bánh và tìm hiểu sâu hơn về các thành phần dinh dưỡng của bánh trung thu truyền thống.

Bánh trung chứa rất nhiều carbs, chất béo và calo, chính vì vậy nó có khả năng khiến chúng ta có nguy cơ tăng cân nếu ăn quá nhiều. Ngoài ra trong bánh chứa một lượng nhỏ protein gây ra mất cân bằng các chất dinh dưỡng đa lượng. 

Bánh trung thu về bản chất là một quả bom carb với nhiều chất béo đến từ dầu và chất béo chuỗi ngắn được sử dụng trong lớp vỏ bánh. Nhiều loại còn có lòng đỏ trứng ở giữa nhằm làm tăng thêm vị béo ngậy cho bánh.

Bánh trung thu được làm từ hỗn hợp bột bánh, dầu thực vật hoặc mỡ trừu (shortening), dung dịch đường mía tinh luyện và nước. Nếu chúng ta hiểu được kết cấu thành phần trong một chiếc bánh trung thu, chúng ta có thể cảm nhận được độ dày của bánh cũng như lượng dầu khổng lồ khoảng 24 gram được sử dụng.

Có 24 gram dầu cho mỗi 100 gram bột bánh. 24 gram dầu có thể không nhiều nhưng chúng ta cần xem xét tỷ lệ giữa bột và dầu. Điều này có nghĩa là chúng ta sẽ hấp thụ rất nhiều calo từ chất béo trong mỗi chiếc bánh, đặc biệt nhân bánh cũng chứa rất nhiều carbs đến từ đường, đây không phải là điều lý tưởng để giữ cho cơ thể thon gọn và khỏe mạnh. 

5 nguyên tắc ăn bánh trung thu mà không lo tăng cân và tốt cho sức khỏe

1. Không ăn quá nhiều

Như đã nói ở trên, bánh trung thu có hàm lượng chất dinh dưỡng rất cao, đặc biệt là tinh bột và đường. Chúng ta không nên ăn nhiều hơn một chiếc bánh mỗi ngày. Hãy kiềm chế cảm giác thèm ăn nếu không muốn phải tập luyện cường độ cao để lấy lại vóc dáng nhé!

2. Ăn đúng bữa

Không ăn khi đói và mệt:

Khi bụng đói, nhu cầu ăn của chúng ta sẽ tăng lên. Lúc này khả năng hấp thụ nhiệt của dạ dày sẽ ở mức rất cao. Do đó, ăn bánh khi đói có thể khiến chúng ta không kiểm soát được cơn thèm ăn.

Bên cạnh đó, bổ sung đồ ngọt khi cơ thể mệt mỏi sẽ dẫn đến thiếu hụt vitamin B. Đây là loại vitamin đóng vai trò chủ chốt trong việc chuyển hóa đường thành năng lượng hữu ích. Ngoài ra, cân nặng cũng sẽ tăng lên do đường chuyển hóa thành chất béo xấu.

‍Không ăn vào bữa tối:

Buổi tối là thời điểm cơ thể ít vận động để tiêu hao năng lượng. Do đó, lượng calo từ bánh lúc này sẽ trở nên dư thừa, tích trữ trong cơ thể dưới dạng mỡ dẫn đến tăng cân.

Tránh ăn ngay sau bữa ăn chính:

Nhiều người có thói quen ăn bánh sau bữa ăn như một món tráng miệng. Tuy nhiên, đây là một sai lầm nghiêm trọng. Ăn cơm đã cung cấp đủ năng lượng cho các hoạt động hàng ngày, nếu ăn nhiều bánh sẽ gây thừa calo.

3. Ăn bánh cùng nước trà xanh

bánh trung thu
Trà xanh giúp thanh lọc cơ thể, hỗ trợ hệ tiêu hóa và giảm cân hiệu quả. (Ảnh: Xinlan/ Shutterstock)

Hương vị của bánh và trà xanh rất hòa quyện với nhau. Khi kết hợp với trà, chúng ta cũng sẽ không cảm thấy ngán bởi vị ngọt của bánh. Nhâm nhi với trà xanh vào buổi sáng sẽ có tác động tích cực đến sức khỏe. Vì trà xanh có tác dụng thanh lọc cơ thể, hỗ trợ hệ tiêu hóa và giảm cân hiệu quả.

4. Nhấm nháp miếng nhỏ và nhai kỹ

Lượng đường trong máu sẽ không được kiểm soát khi ăn quá nhiều đồ ngọt cùng một thời điểm. Việc hấp thụ quá nhanh sẽ khiến cơ thể không phản ứng kịp, dẫn đến tích tụ năng lượng và gây béo phì. Vì vậy, ăn từ từ từng miếng nhỏ và nhai kỹ sẽ là cách ăn bánh khoa học nhất.

5. Kết hợp với việc rèn luyện thân thể

Ăn bánh mà vẫn muốn giữ dáng đồng nghĩa với việc bạn phải chấp nhận tập thể dục thường xuyên. Các bài tập sẽ giúp giải phóng năng lượng hấp thụ từ bánh. Không những vậy, đây còn là thói quen lành mạnh mà mọi người nên duy trì.

Từ xưa đến nay, Tết trung thu luôn là một trong những ngày lễ vô cùng quan trọng. Ngày Trung Thu đến, ánh trăng sáng tinh khiết, dịu nhẹ, đèn lồng treo khắp các ngõ xóm, gia đình người thân, bạn bè đều đoàn tụ lại một chỗ vui vẻ ăn bánh ngắm trăng. Đó đã trở thành một phong tục truyền thống có lịch sử hàng ngàn năm, gắn liền với đời sống tinh thần của con người. 

Xin chúc bạn và Gia đình có một mùa Tết Trung Thu đoàn viên, hạnh phúc tròn đầy!

Trúc Nhi (t/h)