Cắt giảm đường trong 1.000 ngày đầu đời giúp giảm nguy cơ mắc bệnh ở tuổi trưởng thành
- Rachel Ann T. Melegrito
- •
Một nghiên cứu mới về khẩu phần thực phẩm trong Thế chiến thứ hai cho thấy việc hạn chế ăn đường trong 1,000 ngày đầu đời có thể ảnh hưởng đến sức khỏe suốt đời.
Một nghiên cứu mới cho thấy chế độ ăn ít đường trong bào thai và trong vòng hai năm đầu đời có thể làm giảm đáng kể nguy cơ mắc các bệnh mạn tính ở tuổi trưởng thành.
Các nhà nghiên cứu xác định rằng chế độ ăn ít đường trong 1,000 ngày đầu tiên sau khi thụ thai làm giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và tăng huyết áp ở tuổi trưởng thành lần lượt là 35% và 20%, đồng thời trì hoãn khởi phát bệnh lần lượt sau 4 và 2 năm. Các phát hiện cho thấy ăn đường trong hai năm đầu đời trực tiếp hình thành những nguy cơ sức khỏe lâu dài.
Cô Tadeja Gracner, tác giả liên hệ và nhà kinh tế cấp cao tại Trung tâm Nghiên cứu Kinh tế và Xã hội của Đại học Nam California (USC) Dornsife, nói với The Epoch Times: “Tất cả chúng ta đều muốn cải thiện sức khỏe của mình và mang lại cho con cái sự khởi đầu tốt nhất trong cuộc sống, và việc giảm lượng đường bổ sung sớm là một bước đi mạnh mẽ theo hướng đó”.
Chương trình kiểm soát phân phối thực phẩm
Các nhà nghiên cứu từ USC, Đại học McGill và Đại học California–Berkeley đã nghiên cứu xem việc hạn chế đường trong giai đoạn đầu đời ảnh hưởng như thế nào đến nguy cơ mắc bệnh tiểu đường và cao huyết áp sau này. Họ so sánh những trẻ được thụ thai trước và sau chương trình khẩu phần thực phẩm liên quan đến hạn chế lượng đường ăn vào trong Thế chiến thứ hai của Vương quốc Anh từ năm 1942 đến năm 1953. Chương trình kiểm soát việc phân phối các mặt hàng thiết yếu để đảm bảo quyền tiếp cận công bằng cho mọi người trong thời kỳ thiếu thốn trong thời chiến.
Những đứa trẻ được thụ thai ngay trước khi chương trình kết thúc có bà mẹ ăn ít đường và cũng tiêu thụ ít đường trong những đầu đời. Trong khi đó, những đứa trẻ được thụ thai về sau thì ngược lại.
Trong thời kỳ áp dụng chương trình kiểm soát phân phối thực phẩm, mọi người chỉ tiêu thụ khoảng 8 muỗng cà phê (40 gam) đường mỗi ngày, nằm trong hướng dẫn ăn kiêng ngày nay.
Tuy nhiên, ngay sau khi chương trình kết thúc, lượng đường và đồ ngọt được tiêu thụ ngay lập tức tăng lên gần 16 thìa cà phê (80 gam) mỗi ngày. Điều này một phần là do sự gia tăng lượng tiêu thụ trái cây đóng hộp và sấy khô cũng như sự gia tăng doanh số bán đường và đồ ngọt trong giai đoạn sau này.
Dinh dưỡng đầu đời ảnh hưởng đến sức khỏe khi trưởng thành
Nghiên cứu cho thấy trẻ em được áp dụng chế độ ăn kiêng, cả sau khi thụ thai và trong giai đoạn đầu đời, giảm 1/3 nguy cơ phát triển bệnh tiểu đường loại 2 và cao huyết áp so với những trẻ ít hoặc không áp dụng chế độ ăn kiêng.
1.000 ngày đầu tiên kể từ khi thụ thai, bao gồm cả thời kỳ mang thai (270 ngày) và hai năm đầu đời, là giai đoạn quan trọng cho sự phát triển của thai nhi.
Cô Gracner cho biết trong một thư điện tử: “Giai đoạn này đã được nghiên cứu rộng rãi và được xem là một trong những giai đoạn phát triển quan trọng nhất đối với một số kết cục lâu dài”.
Nghiên cứu này đề cập đến “giả thuyết nguồn gốc thai nhi”, cho thấy rằng nguy cơ mắc bệnh trong tương lai chịu ảnh hưởng bởi trải nghiệm khi còn ở trong bụng mẹ. Khi phát hiện các dấu hiệu từ sức khỏe của người mẹ – như dinh dưỡng kém – thai nhi sẽ tự điều chỉnh để tồn tại, chẳng hạn như thay đổi cách sử dụng năng lượng và phản ứng với hormone.
Những sự thích nghi này có thể trở thành cơ chế mặc định mãi cho đến tuổi trưởng thành. Ví dụ, nếu thai nhi thích nghi với tình trạng dinh dưỡng kém bằng cách làm chậm quá trình trao đổi chất, thì tốc độ trao đổi chất chậm hơn này có thể diễn ra kéo dài, từ đó ảnh hưởng đến hiệu suất sử dụng năng lượng của cơ thể trong suốt cuộc đời.
Ngoài ra, năm đầu đời và độ tuổi mới biết đi được xác định là “giai đoạn quan trọng để phát triển sở thích ăn đồ ngọt (hoặc thậm chí là nghiện) có thể làm tăng lượng đường tiêu thụ trong suốt cuộc đời”, các tác giả viết.
Cô Gracner cho biết: “Mặc dù con người thường thích vị ngọt, nhưng việc tiêu thụ nhiều đường trong giai đoạn đầu đời có thể củng cố sở thích này”.
Trong nghiên cứu hiện tại, nhóm của cô tìm thấy bằng chứng hỗ trợ cho mô hình này. Cô nói thêm: “Chúng tôi nhận thấy rằng những người trưởng thành trải qua chương trình giảm lượng đường trong khẩu phần ăn sẽ tiêu thụ ít đường bổ sung hơn ở tuổi trung niên so với những người chưa bao giờ trải qua chương trình này”.
Trong khi chế độ ăn ít đường của người mẹ mang lại một số tác dụng bảo vệ, nguy cơ phát triển và khởi phát chậm các bệnh mạn tính được thể hiện rõ nhất khi trẻ tiếp tục hạn chế đường sau sáu tháng, điển hình là khi trẻ được ăn dặm.
Trong khi dinh dưỡng của bà mẹ trong thời kỳ mang thai đóng góp 1/3 vào việc giảm nguy cơ, thì việc tiếp tục hạn chế đường sau khi sinh (lên đến một năm) đã dẫn đến giảm đáng kể nguy cơ mắc bệnh. Hiệu ứng này thậm chí còn rõ rệt hơn khi tiếp tục hạn chế đường trong hơn một năm, đặc biệt là đối với trẻ gái. Một nghiên cứu trên động vật giải thích điều này có thể là do con cái có nhiều khả năng mắc chứng nghiện đường và kiểm soát glucose kém trong môi trường có nhiều đường, cả hai đều làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường loại 2.
Đối với những trẻ chỉ bị hạn chế tiếp xúc với đường trong tử cung, bệnh tiểu đường loại 2 khởi phát ở tuổi trưởng thành bị trì hoãn khoảng 1.5 năm và chứng cao huyết áp là nửa năm. Tuy nhiên, những trẻ bị hạn chế đường trong cả tử cung và một năm sau khi sinh có thời gian khởi phát bệnh chậm hơn nhiều: khoảng 4 năm đối với bệnh tiểu đường loại 2 và 2 năm đối với bệnh cao huyết áp.
Điều này cho thấy chế độ ăn dặm sớm của trẻ dưới 1 tuổi có thể tác động đáng kể hơn đến kết quả sức khỏe so với dinh dưỡng của bà mẹ trong thai kỳ. Tuy nhiên, giả thuyết này không thể được kiểm tra kỹ lưỡng do không đủ dữ liệu về chế độ ăn uống của bà mẹ và giai đoạn đầu đời trong Biobank Vương quốc Anh, cô Gracner lưu ý.
Ý nghĩa sức khỏe rộng hơn
Mặc dù nghiên cứu chủ yếu tập trung vào tác động lâu dài của việc tiếp xúc với ít đường trong giai đoạn đầu đời đối với chứng cao huyết áp và bệnh tiểu đường loại 2, nhưng những tác động tiềm tàng đến sức khỏe của nó có thể còn hơn cả thế.
Cô Gracner đã đề cập đến nghiên cứu đang tiến hành nhằm điều tra tác động của việc hạn chế đường đối với tình trạng viêm mạn tính, béo phì, chức năng nhận thức và kết quả kinh tế.
Cô nói thêm: “Chúng tôi tìm thấy bằng chứng gợi ý về việc giảm khả năng mắc bệnh viêm mãn tính, béo phì và kết quả kinh tế”.
Khuyến nghị để giảm lượng đường ăn vào
Hướng dẫn về chế độ ăn uống của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến nghị trẻ em dưới 2 tuổi nên tránh đường tự do, người lớn và trẻ em trên 2 tuổi nên hạn chế lượng đường tự do nạp vào dưới 10% tổng năng lượng nạp vào, tương đương khoảng 12 muỗng cà phê. Đường tự do bao gồm tất cả các loại đường bổ sung và đường tự nhiên có trong rau củ quả ép hoặc xay nhuyễn.
Giảm lượng đường tiêu thụ xuống dưới 5%, tương đương khoảng 6 muỗng cà phê mỗi ngày, sẽ mang lại nhiều lợi ích sức khỏe hơn, như giảm nguy cơ thừa cân, béo phì và sâu răng.
Đường bổ sung (được sử dụng trong nghiên cứu) là đường được thêm vào thực phẩm trong quá trình chuẩn bị hoặc chế biến, như xi-rô ngô có hàm lượng fructose cao, glucose, mật đường, v.v. Thực phẩm được bổ sung đường bao gồm:
- Thức uống có đường: soda, nước tăng lực, trà ngọt và thức uống thể thao
- Món tráng miệng và đồ ngọt: bánh quy, bánh ngọt, bánh ngọt, kẹo và kem
- Ngũ cốc ăn sáng: nhiều loại ngũ cốc, ngay cả những loại được quảng cáo là tốt cho sức khỏe
- Sữa chua có hương vị: sữa chua có trái cây hoặc hương liệu
- Gia vị và nước sốt: sốt cà chua, sốt BBQ, nước sốt mì ống và nước sốt salad
- Trái cây đóng hộp và nước ép trái cây
- Sữa: sữa có hương vị socola hoặc vani và sữa thực vật
Cô Gracner nhấn mạnh sự cần thiết của việc giáo dục cha mẹ và người chăm sóc về dinh dưỡng và yêu cầu các công ty chịu trách nhiệm cung cấp các lựa chọn thực phẩm lành mạnh hơn cho trẻ. Hơn nữa, cô lưu ý rằng việc thực thi các quy định liên quan đến tiếp thị và định giá thực phẩm có đường cho trẻ em là điều cần thiết.
Cô Gracner cho biết: “Với thông tin, môi trường tốt hơn và các giải pháp khuyến khích phù hợp, các bậc cha mẹ có thể dễ dàng hạn chế đường cho con cái và chính họ. Tuy nhiên, sau tất cả những gì đã nói ở trên, chúng ta cũng chắc chắn không muốn lấy đi niềm vui của những ngày lễ sắp tới. Một chiếc bánh sinh nhật, một lượng vừa phải kẹo ngọt hoặc bánh quy là những món ăn mà tất cả chúng ta thỉnh thoảng cần phải thưởng thức.”
Từ khóa đường Trưởng thành Giấm