Hiểu rõ về loại vi khuẩn này có thể giúp bạn ngăn ngừa ngộ độc thực phẩm
- Trúc Nhi t/h
- •
Trong những năm gần đây, các vụ ngộ độc thực phẩm do vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus) xảy ra ở mức độ đáng báo động. Theo thống kê của Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm cho thấy, năm 2022, số ca ngộ độc thực phẩm do loại vi khuẩn này chiếm tỷ lệ cao nhất trong tổng số ca mắc trong nước. Vì vậy, việc nắm rõ và phòng tránh loại vi khuẩn Staphylococcus aureus là điều vô cùng quan trọng.
Con đường lây nhiễm và phân bố của vi khuẩn tụ cầu vàng (Staphylococcus aureus)
Tụ cầu (Staphylococcus) là các cầu khuẩn gram dương, có đường kính khoảng 1 micromet, chúng thường nằm tụ với nhau tạo thành từng cụm. Staphylococcus Aureus chủ yếu phân bố trên da, tóc, khoang mũi, cổ họng, màng nhầy, phân, và trên các vết thương bị viêm hoặc có mủ. Thông thường, các tụ cầu này vẫn có mặt ở cơ thể người nhưng không gây bệnh hoặc chỉ gây nhiễm trùng da nhẹ. Nhưng khi các vi khuẩn tụ cầu xâm nhập sâu hơn vào máu, khớp, phổi hay tim thì có thể dẫn đến tình trạng nhiễm trùng nghiêm trọng và gây nguy hiểm cho tính mạng người bệnh.
Hiện nay, có khoảng 32 loài Staphylococcus, trong đó phổ biến nhất là: Staphylococcus aureus (tụ cầu vàng); Staphylococcus epidermis (tụ cầu da) và Staphylococcus saprophyticus (tụ cầu hoại sinh). Trong đó tụ cầu vàng thường gây ra nhiễm khuẩn nhiều nhất. Vi khuẩn Staphylococcus aureus thường gây bệnh cho những người bị suy giảm sức đề kháng. Một điều khiến tụ khuẩn vàng trở thành “kẻ hủy diệt” chính vì khả năng đề kháng với nhiều loại kháng sinh khác nhau, đặc biệt là Penicillin G và Methicillin…Ngoài ra chúng cũng khó bị tiêu diệt ngay cả khi nấu ở nhiệt độ cao.
Các triệu chứng thường gặp khi nhiễm tụ cầu vàng bao gồm nhức đầu, buồn nôn, đau bụng, tiêu chảy và mất nước. Thời gian ủ bệnh khoảng 1 đến 7 giờ và các triệu chứng có thể kéo dài từ vài giờ đến một ngày.
Những cách ngăn ngừa ngộ độc tụ cầu vàng hiệu quả
1. Giữ gìn vệ sinh cá nhân
Luôn chú ý tắm rửa thân thể sạch sẽ hàng ngày, rửa tay và giữ vệ sinh tay đúng cách, giữ vệ sinh họng bằng cách súc nước muối sinh lý. Đối với trẻ nhỏ khi tắm cần tắm kỹ ở những nếp gấp da, kẽ da vì ở đây thường tích tụ nhiều chất bẩn.
2. Không dùng chung đồ cá nhân
Không dùng chung các dụng cụ cá nhân như dao cạo râu, khăn tắm, khăn mặt, áo quần, mắt kính…Vì vi khuẩn có thể lây từ người này sang người khác khi dùng chung các vật dụng.
3. Đảm bảo vệ sinh thực phẩm
Nên duy trì thói quen đảm bảo vệ sinh khi chế biến thực phẩm. Rửa tay kỹ trước khi ăn, sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi xử lý thức ăn, đồng thời chú ý đến môi trường ăn uống và vệ sinh thực phẩm khi chế biến. Dụng cụ sử dụng cần được giữ sạch sẽ để tránh lây nhiễm chéo vào thực phẩm. Hạn chế ăn những thực phẩm chưa được nấu chín như thịt tái, gỏi, nem chua, tiết canh,…và chú ý bảo quản thực phẩm đúng cách.
Đối với những nhân viên chế biến hoặc phục vụ thức ăn thì nên đội mũ và đeo khẩu trang trong quá trình chuẩn bị. Không để tóc ra ngoài mũ, dùng khẩu trang để che miệng và mũi, nếu có vết thương ở tay thì cần băng bó và đeo găng tay đúng cách. Ngoài ra, bạn cần luôn chú ý đến sức khỏe cá nhân của mình. Nếu mắc các bệnh về da tay, phát ban, mưng mủ và các bệnh khác, bạn không nên trực tiếp hoặc gián tiếp tham gia vào công việc chuẩn bị và nấu thức ăn.
4. Chú ý cách bảo quản thực phẩm
Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm nhắc nhở rằng nên ăn thực phẩm chế biến sẵn càng sớm càng tốt và tránh để ở nhiệt độ phòng quá lâu. Nếu chưa thể ăn ngay thì nên bảo quản thực phẩm trong tủ lạnh dưới 5℃. Nếu thực phẩm được bảo quản quá 2 ngày thì cần được bảo quản đông lạnh.
Từ khóa vi khuẩn ngộ độc thực phẩm tụ cầu vàng Staphylococcus aureus