Theo một nghiên cứu mới phân tích dữ liệu quốc gia về tỷ lệ ung thư và ô nhiễm nước, các “hóa chất vĩnh cửu” trong nước uống có thể liên quan đến sự gia tăng tỷ lệ ung thư. Hóa chất PFAS trong nước uống được phát hiện có liên quan đến ung thư ở nhiều hệ cơ quan khác nhau.

shutterstock 2303772261
“Hóa chất vĩnh cửu” PFAS trong nước uống được phát hiện có liên quan đến ung thư ở nhiều hệ cơ quan (Ảnh: Francesco Scatena/ Shutterstock)

Các nhà khoa học tại Trường Y Keck thuộc Đại học Nam California đã đưa ra những mối liên hệ tiềm tàng giữa tỷ lệ ung thư và ô nhiễm các chất per- và polyfluoroalkyl (PFAS) trong nước uống trên toàn nước Mỹ, qua đó hé lộ những mô hình cho thấy những hóa chất bền vững này có thể nguy hiểm hơn so với những gì chúng ta đã hiểu trước đây.

Hóa chất vĩnh cửu và các mô hình ung thư

Nghiên cứu gần đây, được công bố trên Journal of Exposure Science & Environmental Epidemiology (Tập san Khoa học Phơi nhiễm và Dịch tễ học Môi trường) vào ngày 9/1, đã chỉ ra mối liên hệ giữa PFAS trong nước uống và tỷ lệ ung thư gia tăng ở các hệ cơ quan khác nhau tại Mỹ từ năm 2016 đến 2021. 

PFAS là một nhóm các hóa chất nhân tạo có tính bền nhiệt, không tan trong nước và dầu, tồn tại lâu dài trong môi trường. 

Những hóa chất này có thể tác động đến nhiều hệ thống sinh học, bao gồm việc làm gián đoạn hệ miễn dịch và thay đổi chức năng tuyến giáp, từ đó gây ra những nguy cơ tiềm ẩn đối với sức khỏe con người và môi trường.

Các nhà nghiên cứu ước tính rằng PFAS góp phần gây ra hàng nghìn ca ung thư mỗi năm. Điều này làm dấy lên lo ngại về các rủi ro sức khỏe liên quan đến những “hóa chất vĩnh cửu” này. 

Theo nghiên cứu, việc tiếp xúc với PFAS được ước tính góp phần gây ra ít nhất 6.800 ca ung thư mỗi năm tại Mỹ. 

Dữ liệu từ Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) cho thấy hơn 1,77 triệu ca ung thư được chẩn đoán mỗi năm, vì vậy, hiện tại khoảng 0,38% tổng số ca ung thư hàng năm có liên quan đến tiếp xúc với PFAS.

“Những phát hiện này cho phép chúng ta rút ra kết luận ban đầu về mối liên hệ giữa một số loại ung thư hiếm gặp và PFAS”, tác giả chính Shiwen (Sherlock) Li, nghiên cứu sinh sau tiến sĩ tại Khoa Dân số và Khoa học Y tế Công cộng của Trường Y Keck, cho biết trong một tuyên bố báo chí. 

“Điều này cho thấy việc nghiên cứu từng mối liên hệ này một cách chi tiết và chính xác là rất đáng giá”, ông bổ sung.

Ô nhiễm PFAS và tỷ lệ mắc ung thư

Nghiên cứu đã phát hiện mối liên hệ giữa hóa chất vĩnh cửu PFAS trong nước uống và tỷ lệ ung thư gia tăng ở nhiều hệ cơ quan, bao gồm hệ tiêu hóa, nội tiết, miệng hoặc họng và hệ hô hấp. 

“Mối liên hệ mạnh nhất được quan sát thấy giữa PFBS và ung thư miệng/họng”, các tác giả lưu ý. PFBS (axit perfluorobutanesulfonic) là một loại PFAS có mặt trong một số bao bì thực phẩm, bọt chữa cháy và một số quy trình công nghiệp nhất định.

Để hiểu cơ chế ô nhiễm PFAS liên quan đến tỷ lệ ung thư, các nhà nghiên cứu đã so sánh hai bộ dữ liệu toàn diện: một bộ từ Viện Ung thư Quốc gia bao gồm tất cả các ca ung thư đã được báo cáo và một bộ dữ liệu khác về mức độ PFAS trong nước uống trên toàn quốc.

Tiếp xúc với PFAS có liên quan với các loại ung thư hệ tiết niệu, não, hệ miễn dịch và mô mềm ở nam giới. Ngược lại, ở nữ giới, tỷ lệ mắc ung thư liên quan đến tuyến giáp, miệng hoặc họng, và mô mềm.

Nghiên cứu cho thấy mối liên hệ giữa tiếp xúc với PFAS và ung thư ở nam giới, đặc biệt là ung thư tinh hoàn và thận, có thể do PFAS tác động như những chất gây rối loạn nội tiết, có khả năng thay đổi sự cân bằng hormone và ảnh hưởng đến sự phát triển tế bào. 

Ở phụ nữ, PFAS bị nghi ngờ có thể làm rối loạn chức năng hormone của hệ nội tiết và có thể làm tăng nguy cơ mắc các loại ung thư liên quan đến hormone như ung thư vú và buồng trứng.

Cần nghiên cứu thêm

Nghiên cứu sinh thái nhấn mạnh nhu cầu tiếp tục tìm hiểu thêm nhằm giảm thiểu các rủi ro ung thư liên quan đến việc tiếp xúc với PFAS qua nước uống. 

Những phát hiện này phù hợp với các hành động quản lý gần đây của Cơ quan Bảo vệ Môi trường Mỹ (EPA) để kiểm soát mức độ PFAS trong hệ thống nước công cộng, làm nổi bật tầm quan trọng của việc giám sát và can thiệp sức khỏe môi trường.

Ông Li nói: “Khi mọi người nghe nói rằng PFAS liên quan đến ung thư, rất khó để biết nó có liên quan như thế nào. Bằng cách tính toán số lượng ca ung thư có thể quy cho PFAS, chúng ta có thể ước tính có bao nhiêu người có thể bị ảnh hưởng”, từ đó suy ra thiệt hại cá nhân và tổn thất tài chính mà những ca bệnh này gây ra hàng năm.

Cách loại bỏ hóa chất vĩnh cửu khỏi nước uống tại nhà

1. Dùng hệ thống lọc nước thẩm thấu ngược

  • Đây là phương pháp hiệu quả nhất để loại bỏ PFAS.
  • Hệ thống RO sử dụng màng lọc có kích thước siêu nhỏ (~0,0001 micron), giúp loại bỏ đến 90-99% PFAS.
  • Nên chọn hệ thống RO có nhiều cấp lọc và có bơm tăng áp để đảm bảo hiệu suất.

2. Bộ lọc than hoạt tính

  • Than hoạt tính có khả năng hấp thụ PFAS, đặc biệt là các hợp chất chuỗi dài.
  • Cần thay lõi lọc thường xuyên để duy trì hiệu quả.
  • Có thể chọn bình lọc than hoạt tính gắn vòi hoặc hệ thống lọc tổng cho cả nhà.

3. Lọc bằng nhựa trao đổi Ion

  • Nhựa trao đổi ion có thể giữ lại PFAS trong nước.
  • Hiệu quả cao hơn nếu kết hợp với hệ thống lọc than hoạt tính hoặc RO.

4. Mua nước đóng chai (Nếu cần thiết)

  • Nếu khu vực của bạn có nước nhiễm PFAS cao và chưa có hệ thống lọc phù hợp, có thể sử dụng nước đóng chai từ nguồn đã kiểm định.

5. Không dùng máy đun sôi hoặc lọc UV

  • Đun sôi không loại bỏ được PFAS, vì các hóa chất này không bay hơi khi nước sôi.
  • Đèn UV hoặc lọc sinh học không có tác dụng, vì PFAS không bị vi khuẩn hoặc tia cực tím phân hủy.

Thanh Long (t/h)