Sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố các đợt bùng phát bệnh đậu mùa khỉ đang diễn ra ở Congo và những nơi khác ở Châu Phi là tình trạng khẩn cấp toàn cầu, nhiều nơi trên thế giới cũng đã đưa ra cảnh báo và thực hiện các biện pháp để ứng phó với khả năng bùng phát mạnh của loại dịch bệnh này.

r shutterstock 2232451123
Ảnh minh họa (Nguồn: angellodeco / Shutterstock)

Ủy viên Y tế Tp. New York ban bố tình trạng khẩn cấp

Ủy viên Y tế Tp. New York, Tiến sĩ Ashwin Vasan, đã đưa ra tuyên bố về việc WHO tuyên bố bệnh đậu mùa khỉ (Mpox) là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu:

“Lần thứ hai chỉ sau hơn hai năm, WHO đã tuyên bố Mpox (đậu mùa khỉ) là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe toàn cầu. Hành động này là cần thiết, với tư cách là Ủy viên Y tế Tp. New York – Tp. New York từng là tâm chấn của đợt bùng phát bệnh Mpox ở Mỹ – chúng ta đã học được nhiều bài học từ đợt bùng phát năm 2022 và giờ chúng ta đã sẵn sàng.”

“Mặc dù rủi ro đối với người dân New York và người Mỹ vào thời điểm này là không cao, nhưng chúng ta không chỉ phải lên kế hoạch trước mà còn phải hành động ngay bây giờ. Năm 2022, Tp. New York đã triển khai một loạt biện pháp can thiệp mang tính đột phá và được áp dụng trên toàn quốc. Nhưng việc chuẩn bị tốt để ứng phó với dịch bệnh không hề dễ dàng. Dịch bệnh bùng phát không dễ dàng kiểm soát, đôi khi rất khó dự đoán chính xác ai sẽ bị ảnh hưởng. Tuy nhiên, những điều không chắc chắn này không thể trì hoãn việc chuẩn bị, thời điểm hành động đã đến.”

“Chúng ta cũng phải đề xuất rằng các nguồn tài nguyên sẽ được chuyển đến những khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới, bởi vì chúng ta biết rằng việc ngăn chặn dịch bệnh ngay từ nguồn của nó là phản ứng khôn ngoan nhất. Chúng ta đã nhiều lần thể nghiệm rằng tất cả chúng ta đều cùng nhau nỗ lực, chúng ta không thể khoanh tay đứng nhìn, trông chờ rằng nỗi đau khổ của quốc gia khác sẽ không đến với chúng ta. Phòng ngừa có nghĩa là quan tâm đến nhau nhiều như chúng ta quan tâm đến chính mình. Điều này không chỉ phù hợp với đạo đức và luân lý, mà còn có ý nghĩa chiến lược.”

“Tại Tp. New York, chúng tôi tiếp tục nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tiêm chủng và khuyến khích bất kỳ ai có nguy cơ mắc bệnh nhưng chưa được tiêm chủng hãy tiêm chủng ngay bây giờ. Cần phải tiêm hai liều vắc-xin để được bảo vệ tối đa, vì vậy những ai chưa tiêm mũi vắc-xin thứ 2 thì đều nên tiêm mũi thứ 2 ngay. Chúng tôi cũng khuyến khích mọi người tự tìm hiểu và kiểm tra các nguồn thông tin của chúng tôi để tìm hiểu thông tin cần thiết và cách bảo vệ bản thân khỏi bệnh đậu mùa khỉ (Mpox).”

“Sự chuẩn bị và thông tin là liều thuốc giải độc cho nỗi sợ hãi và sự trì trệ, vì vậy mong mọi người yên tâm, chúng tôi đã chuẩn bị và sẽ tiếp tục thông báo cho người dân New York về nguy cơ đậu mùa khỉ (MPox) trong thành phố của chúng ta.”

Cơ quan y tế Pháp ở mức “cảnh báo cao nhất”

Thủ tướng sắp mãn nhiệm của Pháp Attal ngày 16/8 thông báo rằng hệ thống y tế Pháp đang trong tình trạng “cảnh báo cao nhất” trước dịch bệnh đậu mùa khỉ. Trong vòng một ngày, hai quốc gia đã công bố phát hiện những trường hợp lây nhiễm đầu tiên là Thụy Điển và Pakistan.

Vào thứ Sáu, Bộ trưởng Lao động, Y tế và Đoàn kết Xã hội tạm thời của Pháp Catherine Vautrin và Đại diện Bộ trưởng về Y tế và Dự phòng Frédéric VALLETOUX đã đưa ra thông tin cập nhật về tình hình, khi dịch bệnh đậu mùa khỉ bùng phát trở lại tại Cộng hòa Dân chủ Congo đã khiến Tổ chức Y tế Thế giới nâng mức khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu lên mức cao nhất.

Ông Gabriel Attal giải thích trên X: “Sau cuộc họp này, chúng tôi sẽ đặt hệ thống y tế trong tình trạng báo động cao nhất.”

Tại Pháp, cơ quan y tế cộng đồng của Pháp đã báo cáo 107 trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ trong khoảng thời gian từ ngày 1/1 đến ngày 30/6/2024, theo một báo cáo được công bố vào cuối tháng 7. Theo tài liệu, cho đến nay “chỉ có chủng ‘Clade IIb’ được phát hiện trên lãnh thổ Pháp và chưa có trường hợp tử vong nào”.

Báo cáo này nói chi tiết rằng “trong số 101 trường hợp có được thông tin thì có 5 trường hợp phải nhập viện vì đau dữ dội.”

Ông Attal cũng cho biết, theo yêu cầu của Tổng thống Macron, Pháp đã quyết định “tặng vắc-xin cho các quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất”.

Pháp đã tiêm vắc-xin đậu mùa khỉ cho các nhóm có nguy cơ cao kể từ năm 2022. Dữ liệu từ bộ y tế công cộng của Pháp cho thấy số người tiêm chủng mỗi tháng dao động trong khoảng 250 đến 450 kể từ tháng 9/2023. Bộ Y tế Pháp tuyên bố rằng “lý tưởng nhất là vắc-xin nên được tiêm trong vòng 4 ngày và không quá 14 ngày sau khi tiếp với nguy cơ nhiễm”.

Trung Quốc tiến hành sàng lọc virus đậu mùa khỉ đối với người và hàng hóa nhập cảnh

Tổng cục Hải quan Trung Quốc ngày 16/8 ra tuyên bố cho biết, sau khi WHO tuyên bố dịch đậu mùa khỉ lại là tình trạng khẩn cấp về sức khỏe cộng đồng toàn cầu, Trung Quốc sẽ tiến hành giám sát virus đậu mùa khỉ đối với nhân viên và hàng hóa nhập cảnh trong vòng 6 tháng tới.

Theo tuyên bố do tài khoản công khai “Hải quan công bố”, nhân viên hải quan sẽ thực hiện các biện pháp lấy mẫu và kiểm tra theo đúng quy trình.

Tuyên bố cũng cho biết: “Các phương tiện vận chuyển, container, hàng hóa và vật dụng đến từ các quốc gia (khu vực) xảy ra dịch bệnh đậu mùa khỉ và bị ô nhiễm hoặc có thể bị ô nhiễm phải được xử lý vệ sinh theo quy trình quy định”.

Đây là lần thứ tư Hải quan Trung Quốc ban hành chính sách sàng lọc bệnh đậu mùa khỉ. Tuyên bố đầu tiên có hiệu lực vào năm 2022 và hai tuyên bố sau đó được ban hành vào năm ngoái.

Theo South China Morning Post, Trung Quốc báo cáo ca bệnh đậu mùa khỉ nhập khẩu đầu tiên vào tháng 9/2022 và ca bệnh nội địa đầu tiên vào tháng 6 năm ngoái. Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Trung Quốc (CDC) đã theo dõi các trường hợp nhiễm bệnh đậu mùa khỉ trong 4 tháng từ tháng 8 đến tháng 11 năm ngoái, trong đó có tổng cộng 1.013 trường hợp nhiễm bệnh mới và không có trường hợp tử vong nào được ghi nhận.

Cơ quan y tế EU: Châu Âu cần chuẩn bị cho nhiều trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ hơn

Vào ngày 16/8, Trung tâm Phòng chống Dịch bệnh Châu Âu (ECDC) đã kêu gọi các quốc gia thành viên chuẩn bị cho nhiều trường hợp mắc bệnh đậu mùa khỉ hơn.

Reuters đưa tin ECDC đã nâng cảnh báo rủi ro xuất hiện những trường hợp nhiễm đậu mùa khỉ cục bộ trong Liên minh châu Âu (EU) từ mức “thấp” lên “trung bình”.

ECDC cảnh báo trong một tuyên bố rằng khả năng lây nhiễm là “cao” đối với những người đi du lịch từ Châu Âu đến các khu vực bị ảnh hưởng và những người có tiếp xúc gần gũi với các cộng đồng bị ảnh hưởng.

Cơ quan này tin rằng “rất có thể” các nước Châu Âu sẽ phải đối mặt với sự gia tăng các trường hợp thuộc chủng virus “hiện đang phổ biến ở Châu Phi”.

Trí Đạt (t/h)