Nhịn ăn giúp giảm cân và kích hoạt cơ chế tự thực của cơ thể, cho phép sửa chữa tế bào hiệu quả và cải thiện sức khỏe tế bào. Do đó, nhịn ăn được phát hiện có tác dụng ngăn ngừa nhiều bệnh khác nhau, làm chậm quá trình lão hóa và điều trị hiệu quả một số bệnh.

Nhin an gian doan
(Ảnh minh họa: Shutterstock)

Tự thực là gì?

Tự thực là một chức năng quan trọng mà mọi tế bào đều có. Giống như tên gọi, tự thực có nghĩa là tự nuốt và là một quá trình tự làm sạch tế bào thiết yếu.

Mỗi tế bào chứa nhiều bộ phận giúp tế bào hoạt động liên tục. Theo thời gian, những bộ phận này có thể bị lỗi hoặc ngừng hoạt động và trở thành chất thải bên trong các tế bào khỏe mạnh. Ví dụ, khi các protein bị hỏng, bào quan sẽ bị loại bỏ hoặc các chất thải khác sẽ xuất hiện bên trong tế bào khiến hiệu quả hoạt động bình thường của tế bào bị suy giảm.

Tự thực tương đương với hệ thống tái chế tế bào của cơ thể, phân hủy và tái chế các bộ phận tế bào và chất thải. Đồng thời, tự thực tái sử dụng các phần và mảnh có thể cứu vãn thành các bộ phận tế bào mới, có thể được sử dụng để tạo ra năng lượng và sửa chữa các tế bào, giúp cho các tế bào khỏe mạnh và giúp ngăn ngừa bệnh tật.

Một nghiên cứu năm 2013 được công bố trên Ageing Research Reviews (Tập san Đánh giá Nghiên cứu Lão hóa) đã phát hiện ra rằng khi tự thực bình thường, cơ thể có khả năng chống lại bệnh tật một cách hiệu quả và thậm chí còn có thể làm chậm quá trình lão hóa. Khi tự thực chậm lại, quá trình loại bỏ chất thải khỏi tế bào trở nên kém tin cậy hơn, gây ra nhiều vấn đề sức khỏe khác nhau, đỉnh điểm là các bệnh thoái hóa thần kinh, rối loạn chuyển hóa và thậm chí là ung thư.

Nhịn ăn và tự thực

shutterstock 2202380345
Nhịn ăn không những có thể giảm cân, mà còn hạn chế lượng đường nạp vào cơ thể. (Nguồn: polkadot_photo/ Shutterstock)

Nhịn ăn và tự thực có liên quan như thế nào? Khi chúng ta nhịn ăn, các tế bào của chúng ta cảm nhận được sự giảm sút của nguồn cung cấp năng lượng, báo hiệu rằng chúng cần bắt đầu dọn dẹp “kho dự trữ” bên trong, khởi động quá trình tự thực để tái chế và sử dụng các nguồn tài nguyên đã có sẵn trong tế bào.

Các nghiên cứu cho thấy rằng, tự thực là một quá trình dị hóa năng động được điều chỉnh chặt chẽ. Protein adenosine monophosphate (AMPK) được kích hoạt bởi protein kinase, được gọi là “chất điều hòa năng lượng tế bào,” hoạt động giống như một công tắc chuyển sang cơ chế tiết kiệm năng lượng trong bào quan tế bào. AMPK được kích hoạt bất cứ khi nào cảm nhận được tình trạng năng lượng thấp và sau đó tế bào sẽ giảm tổng hợp protein mới và bắt đầu quá trình tự thực.

Nhịn ăn kích hoạt quá trình tự thực và các tế bào sẽ tự động chuyển sang cơ chế tự sửa chữa. Điều này giúp loại bỏ chất thải khỏi cơ thể chúng ta và cải thiện sức khỏe của tế bào.

Nghiên cứu đã phát hiện ra rằng nhịn ăn thường xuyên có thể giúp giảm cân và cải thiện các vấn đề về sức khỏe liên quan đến tuổi tác, bao gồm tim mạch, ung thư và kết quả thần kinh nhận thức. Một nghiên cứu khác phát hiện ra rằng hồ sơ chuyển hóa liên quan đến nguy cơ ung thư phổi và ung thư đại tràng đã giảm sau khi nhịn ăn trong tháng Ramadan.

Một số trường hợp thực tế tại phòng khám của tác giả:

1. Một người đàn ông lớn tuổi mắc bệnh Alzheimer:

Sau khi thử nhiều phương pháp điều trị khác nhau, gia đình người đàn ông này đã quyết định cho ông thử chương trình nhịn ăn gián đoạn trong 14 đến 16 giờ/ngày, chỉ ăn trong khoảng thời gian từ 8 đến 10 giờ. Sau 4 tháng, chức năng nhận thức của ông đã cải thiện đáng kể. Chụp não cho thấy sự tích tụ protein liên quan đến bệnh Alzheimer đã giảm. Sự cải thiện này có thể liên quan chặt chẽ đến quá trình tự thực được kích hoạt trong quá trình nhịn ăn, giúp loại bỏ các protein có hại khỏi não.

2. Một bệnh nhân ung thư vú:

Bệnh nhân này đã nhịn ăn trong 48 giờ trước khi hóa trị. Các tác dụng phụ của hóa trị đã giảm đáng kể trong khi tạo ra hiệu quả tốt hơn nhiều từ quá trình điều trị bằng hóa trị. Điều này là do trong quá trình nhịn ăn, quá trình tự thực giúp loại bỏ các cấu trúc tế bào bị tổn thương và thúc đẩy quá trình tái tạo hệ thống miễn dịch, do đó nâng cao hiệu quả của quá trình điều trị. Tuy nhiên, có một số bệnh nhân ung thư bị chứng chán ăn hoặc không thể ăn gì cả. Trong những trường hợp này, việc nhịn ăn là không phù hợp.

3. Một phụ nữ trung niên mắc bệnh lupus ban đỏ (bệnh tự miễn mạn tính):

Bệnh nhân này thấy rằng các triệu chứng đã được cải thiện đáng kể sau khi nhịn ăn gián đoạn và sự phụ thuộc của bà vào thuốc nội tiết tố đã giảm đáng kể. Điều này là do quá trình tự thực đã làm sạch được các chất thải trong cơ thể một cách hiệu quả và làm giảm phản ứng viêm.

Những trường hợp này chứng minh rằng việc nhịn ăn có thể ảnh hưởng sâu sắc đến sức khỏe của các tế bào và thậm chí giúp điều trị bệnh.

Tuy nhiên, việc nhịn ăn không dành cho tất cả mọi người. Những người mắc bệnh mạn tính hoặc có nhu cầu sức khỏe đặc biệt nên tham khảo ý kiến ​​bác sĩ hoặc chuyên gia dinh dưỡng chuyên về lĩnh vực này trước khi bắt đầu bất kỳ chương trình nhịn ăn nào.

2 công thức nhịn ăn gián đoạn nổi tiếng

Người lớn khỏe mạnh muốn thử nhịn ăn có thể bắt đầu bằng cách nhịn ăn ngắn hạn hoặc nhịn ăn gián đoạn.

Nhịn ăn 16:8: Đây là 1 trong những phương pháp nhịn ăn gián đoạn phổ biến nhất. Nhịn ăn trong 16 giờ/ngày và ăn trong 8 giờ còn lại. Ví dụ, hạn chế bản thân chỉ ăn trong khoảng thời gian từ 10 giờ sáng đến 6 giờ chiều.

Nhịn ăn 5:20: Ăn bình thường trong 5 ngày/tuần và giới hạn lượng calo nạp vào hàng ngày ở mức 500 đến 600 calo trong 2 ngày còn lại. Phương pháp này cũng hiệu quả trong việc khởi động quá trình tự thực đồng thời giúp bạn dễ dàng thực hiện hơn.

Nhịn ăn không phải là nhịn đói mà là quản lý cách thức ăn uống của bạn một cách thông minh hơn để cơ thể bạn có thời gian tự phục hồi. Trong thời gian nhịn ăn, cần uống đủ nước và duy trì sự cân bằng dinh dưỡng bằng cách chọn đúng loại thực phẩm trong bữa ăn để đảm bảo hấp thụ đủ chất dinh dưỡng.

Theo Tiến sĩ Y khoa Dương Cảnh Đoan, The Epoch Times
Nguyên Khang biên dịch

Xem thêm: