Trong thời gian mang thai, mẹ bầu có nên vận động hay không? Liệu có nguy cơ bị “động thai” hay không? 

Trong thai kỳ, cùng với sự phát triển của thai nhi, thói quen ăn uống và thay đổi nội tiết tố khiến cân nặng của thai phụ ngày một tăng lên, các mẹ bầu muốn vận động nhưng lại lo lắng sẽ bị “động thai”, vậy cần phải hiểu sao cho đúng về vấn đề này?

Bác sĩ của Trung tâm Y học Thể thao Bệnh viện Quốc tế Lianxin (Đài Loan) chỉ ra rằng miễn là không mắc những căn bệnh yêu cầu không được vận động mạnh, không tham gia những hoạt động mạnh và nguy hiểm thì phụ nữ nên duy trì thói quen vận động khi mang thai, phụ nữ mang thai không thường xuyên vận động cũng có thể dần dần phát triển thói quen vận động. Điều này không chỉ tốt cho sức khỏe thể chất và tinh thần của thai phụ mà còn tránh các biến chứng khi mang thai.

mang thai, mẹ bầu
Phụ nữ mang thai tập thể dục vừa phải có rất nhiều lợi ích, thậm chí còn giảm các biến chứng thai kỳ. (Ảnh: Epochtimes)

Phụ nữ mang thai thường xuyên vận động có thể cải thiện sức khỏe thể chất và giảm các biến chứng thai kỳ

Cô Trần mang thai được 28 tuần, cô thường bị đau lưng, chân hay có cảm giác tê và nhức. Cô thường không có thói quen tập thể dục, cô cũng cố gắng thực hiện một số bài tập theo lời khuyên của bác sĩ trong lần đầu mang thai. Cô nói rằng ban đầu cô cũng lo lắng về việc liệu tập thể dục khi mang thai có làm động thai hay không và cô cũng sợ ánh mắt của người khác khi vào phòng tập thể dục với bụng bầu lớn, vì vậy cô đã chọn đi bộ trong khu nhà và công viên. Mặc dù chỉ là đi bộ đơn giản, nhưng sau khi bắt đầu bài tập, cô thấy rằng thể lực đã được cải thiện. Vì vậy, cô không chỉ khích lệ các đồng nghiệp tập thể dục khi mang thai, mà sau khi thảo luận với bác sĩ, cô đã lên kế hoạch tăng thời gian tập thể dục, tập yoga và đi bộ nhanh hơn.

Bác sĩ Lưu chỉ ra rằng vận động khi mang thai có rất nhiều lợi ích. Nếu các mẹ bầu có thể tích lũy hơn 150 phút tập thể dục cường độ vừa phải mỗi tuần sẽ rất có lợi và thậm chí giảm các biến chứng thai kỳ. Tập thể dục cũng có thể giúp phụ nữ mang thai kiểm soát cân nặng, cải thiện sức khỏe tinh thần và hình ảnh cơ thể, cũng như giảm đau lưng và đau vùng chậu, giảm nguy cơ mắc bệnh tiểu đường, tiền sản giật, tăng huyết áp, sinh non, chuyển dạ kéo dài, bệnh ở trẻ sơ sinh và sinh mổ khẩn cấp.

mang thai, phụ nữ mang thai, mẹ bầu, thai giáo
(Ảnh: Shutterstock)

Những môn thể thao nào phù hợp cho mẹ bầu?

Các bài tập phù hợp với hầu hết phụ nữ mang thai bao gồm: đi bộ nhanh, bơi lội, thể dục nhịp điệu dưới nước, chạy bộ chậm, chạy bộ và các bài tập aerobic khác, cũng như yoga và pilates giúp tăng cường cơ bắp và cơ sàn chậu.

Việc tập tạ chậm rãi và từ từ tăng trọng lượng tạ có thể giúp mẹ bầu thích nghi với cân nặng vào cuối thai kỳ, đây vẫn là một bài tập an toàn, nhưng nên chú ý tránh nín thở dùng sức và tăng cân quá độ để không làm giảm nhịp tim thai, ảnh hưởng đến sức khỏe của thai nhi.

Bác sĩ Lưu gợi ý rằng phụ nữ mang thai nên tập thể dục mỗi ngày, hoặc ít nhất 3 ngày một tuần, tích lũy hơn 150 phút tập thể dục cường độ vừa phải mỗi tuần, kết hợp với tập thể dục nhịp điệu và tập thể dục sức đề kháng, và cũng có thể kết hợp với yoga hoặc kéo duỗi. Mỗi ngày thực hiện các bài tập cơ sàn chậu, chẳng hạn như tập thể dục Kegel, cũng có thể ngăn ngừa chứng tiểu không tự chủ. Do thay đổi nội tiết tố, dây chằng của phụ nữ mang thai sẽ trở nên khá lỏng lẻo, cường độ tập thể dục nên được thay đổi từng bước, hơn nữa nên chậm rãi tăng dần tốc độ để tránh chấn thương trong khi tập thể dục và đau vùng xương chậu dưới.

mang thai, phụ nữ mang thai, mẹ bầu
(Ảnh: Shutterstock)

Tuy nhiên, bác sĩ Lưu cảnh báo rằng các mẹ bầu vẫn nên tránh các hoạt động sau:

  • Các môn thể thao như bóng rổ, bóng ném và kickboxing;
  • Các môn thể thao dễ ngã như bóng chuyền, cưỡi ngựa, thể dục dụng cụ, xe đạp địa hình, trượt tuyết, thể thao mạo hiểm;
  • Các bài tập dễ gây áp lực quá lớn đến thai nhi như lặn…
  • Kích thích quá mức, các môn thể thao nguy hiểm như nhảy dù.

Nếu như từng nhiều lần bị sảy thai, tăng huyết áp do mang thai, tiền sử sảy thai tự nhiên, bệnh tim mạch và hô hấp từ nhẹ đến trung bình, mang thai đôi trong 28 tuần trở lên,…. các mẹ bầu nên tham khảo ý kiến bác sĩ trước khi tập thể dục và tốt nhất là để các chuyên gia thiết kế cường độ tập thể dục, cũng như tập thể dục dưới sự giám sát của bác sĩ.

Minh Minh

Xem thêm: