Báo cáo: ĐCSTQ “săn lùng” người Đài Loan, hơn 600 người bị dẫn độ về TQ
- Từ Thúy Linh
- •
Ngày 30/11, tổ chức nhân quyền quốc tế “Safeguard Defenders” đã công bố một báo cáo điều tra. Trong đó chỉ ra rằng từ năm 2016 đến năm 2019, hơn 600 công dân Đài Loan ở nước ngoài bị dẫn độ hoặc cưỡng bức trục xuất áp giải về Trung Quốc Đại Lục.
Báo cáo nêu rõ việc Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “săn lùng” người Đài Loan trên khắp thế giới nên được coi là hành động vi phạm quyền của người Đài Loan, gồm được xét xử công bằng và không bị tra tấn. Hôm qua (ngày 1/12), Bộ Ngoại giao Đài Loan tuyên bố rằng Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) không có quyền xét xử đối với công dân Đài Loan.
Safeguard Defenders: Hơn 600 người đã bị “dẫn độ về Trung Quốc”
Ngày 30/11, Safeguard Defenders công bố báo cáo “Trung Quốc (ĐCSTQ) săn lùng người Đài Loan ở nước ngoài: Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sử dụng việc dẫn độ và áp giải để phá hoại chủ quyền của Đài Loan” trên trang web chính thức của mình. Safeguard Defenders cho rằng hình thức đàn áp quốc tế này đối với người dân Đài Loan, tương đương với một cuộc tấn công vào chủ quyền của nước này.
ĐCSTQ sử dụng các hiệp ước dẫn độ, thỏa thuận thực thi pháp luật chung và tổ chức đa phương khác, nhằm phục vụ các mục tiêu chính trị của mình và là một mắt xích trong hoạt động toàn cầu quy mô lớn.
Safeguard Defenders cho biết, từ năm 2016 đến năm 2019, báo cáo điều tra đã ghi nhận hơn 600 trường hợp dẫn độ hoặc buộc trục xuất công dân Đài Loan ở nước ngoài từ các nước châu Á, châu Phi và châu Âu. Những người này không phải bị đưa trở lại Đài Loan, mà dưới sức ép ngày càng tăng từ Bắc Kinh, các chính phủ nước ngoài thường ngăn những người Đài Loan này nhận sự hỗ trợ từ lãnh sự quán Đài Loan và dẫn độ họ về Trung Quốc.
Theo thống kê, trong những năm qua, tổng cộng có 610 người bị buộc trục xuất áp giải về Trung Quốc. Trong đó có 219 người Đài Loan bị trục xuất đưa về Trung Quốc từ Tây Ba Nha, 117 người từ Campuchia, 79 người từ Philippines, 78 người từ Armenia, 53 người từ Malaysia, 45 người từ Kenya, 18 người từ Indonesia, và 1 người từ Việt Nam.
Safeguard Defenders đề cập rằng chính phủ của nước trục xuất thường từ chối sự hỗ trợ hoặc những liên hệ do Văn phòng Đại diện Đài Loan cung cấp. Sau đó, những người Đài Loan này bị áp giải đến Trung Quốc Đại Lục. Ngay cả sau khi đến Trung Quốc, các quan chức Chính phủ Đài Loan hoặc người nhà của họ vẫn không thể liên lạc được với họ.
Safeguard Defenders nhận định rằng việc trục xuất cưỡng bức này khiến công dân Đài Loan có nguy cơ bị vi phạm nhân quyền. Bắc Kinh đã sử dụng điều này để làm suy yếu chủ quyền của Đài Loan. Đồng thời phủ định các nghĩa vụ của mình theo “Thỏa thuận chung về chống tội phạm và tương trợ tư pháp trên eo biển Đài Loan.”
Safeguard Defenders chỉ trích rằng việc ĐCSTQ từ chối tuân theo tinh thần của thỏa thuận chung này là một ví dụ khác về sự ác ý của Bắc Kinh trong việc thực hiện các nghĩa vụ quốc tế của mình. Đối với các vấn đề liên quan đến Đài Loan, các bên có lợi ích liên quan trong các cơ quan chính phủ quốc tế cần tiếp xúc ngoại giao với Trung Quốc, nên gây áp lực buộc ĐCSTQ phải tuân thủ các tiêu chuẩn này.
Safeguard Defenders cho rằng một lĩnh vực khác mà cộng đồng quốc tế cần hành động, là cho phép Đài Loan cử đại diện tham gia các diễn đàn quốc tế. Mặc dù Interpol đã bị các chính phủ độc tài vũ khí hóa để săn lùng kẻ thù chính trị, nhưng đã đến lúc nên để Đài Loan gia nhập Interpol.
Dù trong các lĩnh vực hợp tác khác như khoa học, khí hậu, hòa bình, hay việc thực thi pháp luật, Đài Loan đều phải có chỗ đứng trong các tổ chức quốc tế và các hội nghị quốc tế quan trọng.
Bộ Ngoại giao Đài Loan: ĐCSTQ không có quyền tài phán
Ngày 1/12, Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết, đối với người Đài Loan phạm tội tại nước ngoài, Bộ Ngoại giao và Văn phòng Đại diện sẽ giải quyết dựa trên 3 nguyên tắc.
Phía Đài Loan sẽ bày tỏ với chính phủ nước sở tại (quốc gia có thẩm quyền) rằng những người Đài Loan liên quan đến vụ việc nên được đưa về Đài Loan. Vì Chính phủ Trung Quốc không có thẩm quyền đối với công dân Đài Loan.
3 nguyên tắc này bao gồm:
“1. Điều tra số người bị giam giữ, danh tính của họ, sự việc liên quan đến vụ án và các thông tin khác, đồng thời đến thăm họ;
2. Tôn trọng quyền tài phán của quốc gia sở tại và quốc gia có thẩm quyền, bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người dân Đài Loan, và hoàn thành các thủ tục tư pháp ở quốc gia sở tại và quốc gia có thẩm quyền;
3. Kịp thời đưa những người Đài Loan bị chính phủ nước sở tại (nước có thẩm quyền) nêu tên có liên quan đến vụ án về Đài Loan, không được áp giải đến Trung Quốc.”
“Vì Đài Loan và Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa không lệ thuộc vào nhau, nên Chính phủ Trung Quốc không có quyền tài phán đối với công dân Đài Loan. Chính phủ Đài Loan luôn giữ vững lập trường và tích cực đàm phán với các cơ quan hữu quan của nước sở tại, nhằm nỗ lực đưa những người Đài Loan liên quan đến vụ án trở về Đài Loan, tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc điều tra tiếp theo của các công tố viên tư pháp của Đài Loan.”
Theo Từ Thúy Linh / Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa Đài Loan Dòng sự kiện Dự luật Dẫn độ Safeguard Defenders