Cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vòng hai hôm Chủ Nhật (7/7) cho thấy không đảng nào, cũng như liên minh nào giành được đa số ghế. Điều này có thể tạo ra sự bất ổn chính trị tại Pháp trong thời gian tới.

bau cu quoc hoi phap
Một cử tri bỏ lá phiếu vào thùng phiếu tại điểm bầu cử số 30 trong khu số 9 của quận 13, thủ đô Paris, Pháp vào ngày 30 tháng 6 năm 2024. (Nguồn ảnh: MAEVA DESTOMBES/Hans Lucas/AFP via Getty Images)

Chuyện gì đã xảy ra tại cuộc bầu cử Quốc hội Pháp vòng hai?

Mặt trận Bình dân mới (NFP), một liên minh của các đảng cánh tả, đang trên đà chiến thắng nhiều ghế nhất tại Quốc hội, theo các kết quả dự đoán của các cuộc thăm dò sau bỏ phiếu, nhưng khối liên minh này không giành được đủ 289 ghế cần thiết để đảm bảo thế đa số.

Kết quả bầu cử cho thấy thất bại đáng tiếc của Đảng Tập hợp Quốc gia cánh hữu (RN) vốn đã dẫn đầu ở vòng một và được dự đoán sẽ thắng tiếp trong vòng hai. RN đổ lỗi thất bại này cho biện pháp “rút lui chiến thuật” mà liên minh trung hữu của Tổng thống Emmanuel Macron và NFP hợp tác thực hiện để ngăn cản chiến thắng của RN. Khoảng 200 ứng viên của hai liên minh trung hữu và cánh tả đã rút lui khỏi cuộc bầu cử vòng hai ngày 7/7 để không bị chia sẻ phiếu và ngăn cản chiến thắng của các ứng viên RN.

Kết quả thăm dò sau bỏ phiếu cho thấy, liên minh trung hữu của ông Macron về thứ hai và RN chỉ về thứ ba.

Với kết quả như vậy, không có khối liên minh nào giành được đa số để thành lập chính phủ và các bên sẽ cần phải liên minh khác khối để thoát ra khỏi tình trạng bế tắc chính trị này.

Liên minh thiên tả sẽ được thành lập?

Kịch bản này là rất không rõ ràng. Pháp không quen với kiểu thành lập liên minh hậu bầu cử vốn là phổ biến tại các nền dân chủ nghị viện phía bắc châu Âu như Đức hoặc Hà Lan.

Nền Cộng hòa thứ Năm của Pháp do anh hùng chiến tranh Charles de Gaulle thiết lập vào năm 1958 trao các nghị viện đa số lớn và ổn định cho các tổng thống và điều đó đã đang tạo ra một kiểu văn hóa chính trị đối đầu chứ không có thói quen đồng thuận và nhượng bộ.

Chính trị gia cánh tả ôn hòa Raphael Glucksmann, nghị sĩ tại Nghị viện châu Âu, nói rằng giai tầng chính trị Pháp sẽ phải “hành động như những người trưởng thành”.

Ông Jean-Luc Melenchon, lãnh đạo của Đảng Không khuất phục (LFI) thuộc NPF, đã loại trừ việc thành lập một liên minh rộng giữa các đảng có nhiều điểm khác biệt. Ông nói rằng Tổng thống Macron phải có trách nhiệm kêu gọi liên minh cánh tả thành lập chính phủ.

Trong khối trung hữu, lãnh đạo Đảng Phục hưng của ông Macron, ông Stephane Sejourne nói rằng ông sẵn sàng làm việc với các đảng dòng chính nhưng loại trừ bất kỳ đàm phán nào với LFI của ông Melenchon. Cựu Thủ tướng Pháp Edouard Philippe cũng loại trừ bất kỳ đàm phán hợp tác nào với LFI.

Ông Macron cho biết ông sẽ đợi cho đến khi quốc hội mới hình thành để tìm kiếm một số “cấu trúc”, rồi mới đưa ra quyết định sẽ làm gì tiếp theo.

Điều gì xảy ra nếu các bên không thể thỏa hiệp?

Đó là kịch bản chưa xảy ra tại Pháp. Hiến pháp nước này quy định Tổng thống Macron không thể kêu gọi tổ chức một cuộc bầu cử mới trong vòng 12 tháng nữa.

Thủ tướng Gabriel Attal nói rằng ông sẽ nộp đơn xin từ chức cho Tổng thống Macron vào sáng thứ Hai (8/7) nhưng cũng cho biết thêm rằng ông sẵn sàng làm thủ tướng tạm quyền.

Hiến pháp quy định Tổng thống Macron có quyền quyết định ai sẽ được yêu cầu thành lập chính phủ. Nhưng bất kỳ người nào được tổng thống chọn cũng phải nhận được sự đồng ý của đa số thành viên Quốc hội. Cơ quan lập pháp mới sẽ được triệu tập vào ngày 18/7 và họp trong vòng 15 ngày. Điều này có nghĩa rằng ông Macron cần phải nêu tên một ứng viên nào đó có khả năng được đa số các nghị sĩ chấp nhận.

Ông Macron có thể sẽ hy vọng chia tách Đảng Xã hội và Đảng Xanh ra khỏi liên minh cánh tả, và cô lập Đảng Không khuất phục, từ đó thành lập liên minh trung tả với sự lãnh đạo của Đảng Phục hưng.

Tuy nhiên, chưa có bất kỳ dấu hiệu nào cho thấy Mặt trận Bình dân Mới cánh tả sẽ bị chia rẽ sớm trong giai đoạn này.

Một khả năng khác là có thể thành lập chính phủ của các chuyên gia kỹ trị chịu trách nhiệm điều hành các công việc thường nhật nhưng không giám sát các thay đổi cấu trúc.

Hiện không rõ liên minh cánh tả có ủng hộ phương án nêu trên hay không và tất nhiên cách thức này cũng cần phải nhận được sự ủng hộ của đa số thành viên Quốc hội.