Chuyên gia lý giải vì sao nên tập trung truy cứu ĐCSTQ che giấu dịch COVID-19
- Lý Tĩnh Nhữ
- •
Liệu có nên tập trung vào việc truy cứu trách nhiệm nguồn gốc của viêm phổi Vũ Hán (COVID-19)? Hay nên chú ý vấn đề dịch bệnh bùng phát vì Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã che giấu tình hình khi dịch khởi phát? Vấn đề này được Tiến sĩ Lâm Hiểu Húc (Lin Xiaoxu), một nhà nghiên cứu virus học từng làm việc tại Trung tâm y tế quân sự quốc gia Walter Reed (Walter Reed National Military Medical Center) của Mỹ, chia sẻ trong một cuộc phỏng vấn với Vision Times.
Nguồn gốc của đại dịch COVID-19
Theo một thông tin gần đây trên trang tiếng Trung của Đài VOA (Mỹ), Đảng Cộng hòa và Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ gần đây đã công bố một báo cáo bổ sung của báo cáo cuối về nguồn gốc của đại dịch COVID-19. Báo cáo đề cập rằng virus đã được Viện Nghiên cứu Virus Vũ Hán “sơ xuất” để lan ra vào khoảng trước ngày 12/9/2019.
Chuyên gia Lâm Hiểu Húc đã cho biết: “Báo cáo này của Đảng Cộng hòa có bằng chứng ở nhiều mặt cho thấy có khả năng bùng phát trước ngày 12/9/2019. Thứ nhất là cái gọi là cơ sở dữ liệu gen hay kho thông tin của virus bất ngờ bị gỡ bỏ khỏi mạng internet vào lúc nửa đêm ngày 12/9, sau đó cơ quan chức năng ĐCSTQ đã giải thích rằng họ bị tấn công mạng. Nhưng nếu vậy thì sau khi bảo vệ được cũng nên mở cơ sở dữ liệu, vì đó là kho dữ liệu gen về nghiên cứu virus để chia sẻ chung phục vụ nghiên cứu của các nhà khoa học Trung Quốc các nhà khoa học trên thế giới. Vì vậy nên cho phục hồi sau khi đã loại bỏ được mối đe dọa từ tin tặc. Thế nhưng đã qua thời gian một năm rưỡi mà ĐCSTQ vẫn chưa cho khôi phục, do đó bản thân chuyện này cũng là căn cứ cho nghi vấn của cộng đồng quốc tế.
Một điểm khác mà tôi nghĩ rõ ràng hơn, đó là trong Đại hội Thể thao Quân sự Vũ Hán đã có vận động viên của nhiều nước bị nhiễm virus. Trong đó có người xuất hiện triệu chứng ngay khi ở Vũ Hán, nhưng có những người chỉ bị triệu chứng sau khi trở về nước, và triệu chứng của họ không phải là nhiễm trùng đường hô hấp thông thường, vì nhiều người có các triệu chứng khác như tiêu chảy và các triệu chứng tổng thể tương tự như COVID-19.
Thứ ba, từ việc phân tích một số hình ảnh vệ tinh cho thấy, kể từ tháng 9/2019, Vũ Hán đã chứng kiến sự gia tăng số lượng người khám chữa bệnh, và chủ yếu là ở địa điểm của Viện Virus Vũ Hán cũ tại quận Vũ Xương. Tình trạng gia tăng này trùng hợp với một đợt bùng phát dịch nhỏ ở địa phương. Vì vậy, những bằng chứng gián tiếp từ nhiều phương diện khác nhau này gợi cơ sở nghi vấn, có thể đã có một đợt bùng phát dịch COVID-19 quy mô nhỏ ở Vũ Hán vào tháng 9/2019 hoặc sớm hơn một chút.
Trong quá trình hợp tác với nhóm điều tra của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Chính phủ Trung Quốc đã không cung cấp dữ liệu ban đầu về các bệnh nhân mắc các triệu chứng COVID-19 từ mùa thu đến mùa đông năm 2019. Vì vậy, báo cáo tin rằng đã có một đợt bùng phát COVID-19 quy mô nhỏ ở Vũ Hán vào tháng 9/2019.”
Virus là tự nhiên hay là kết quả của nghiên cứu chỉnh sửa gen?
Có thông tin cho rằng báo cáo này của Đảng Cộng hòa đã đề cập đến vấn đề COVID-19 này có thể là tự nhiên hoặc là kết quả của hoạt động nghiên cứu chỉnh sửa gen.
Nhà virus học Lâm Hiểu Húc cho biết: “Nói cho khoa học thì đó không phải là một kết luận. Bởi vì bản thân báo cáo này không phải là một báo cáo chuyên môn, không phải là hoạt động thẩm định khoa học do giới chuyên môn thực hiện, nên tất nhiên là không thể đưa ra những đánh giá khoa học dựa trên các đặc điểm của virus, chuỗi gen hoặc các khía cạnh khác nhau của căn bệnh mà nó gây ra. Do đó không thể trực tiếp đưa ra kết luận là dấu vết của virus đã được xử lý của con người, hay virus tái tổ hợp, hay virus đã được sửa đổi nhân tạo.
Nói cách khác là cả hai khả năng đều còn bỏ ngỏ, một là virus thực sự được xử lý trong phòng thí nghiệm, hai là virus được phòng thí nghiệm thu thập về và đã vô tình bị rò rỉ ra ngoài. Nhưng nhìn chung, Viện Virus học Vũ Hán có thể là nơi bùng phát ban đầu. Có thể nói trong vài tháng Chính phủ Trung Quốc đã che giấu toàn bộ sự việc.”
Điểm nhấn lớn nhất trong báo cáo này của Đảng Cộng hòa là gì?
Cuối tháng Năm năm nay, chính quyền Tổng thống Biden đã ra lệnh cho bộ phận tình báo tiến hành cuộc rà soát kéo dài 90 ngày về nguồn gốc COVID-19. Điều này có gì khác với báo cáo do Đảng Cộng hòa cung cấp?
Chuyên gia Lâm Hiểu Húc nhấn mạnh: “Tôi nghĩ báo cáo này của Đảng Cộng hòa có sức nặng đáng kể, bởi vì nó không hoàn toàn tập trung vào vấn đề nguồn gốc của virus mà tập trung nhiều hơn vào vấn đề che đậy của ĐCSTQ. Báo cáo đề cập khả năng bùng phát COVID-19 từ tháng 9/2019, có nghĩa là ĐCSTQ đã thực sự che đậy vấn đề trong 3 tháng hoặc thậm chí lâu hơn, rốt cuộc vì sao thời gian đó họ không thông báo cho cộng đồng quốc tế? Tôi nghĩ điều này là điểm nhạy cảm khiến ĐCSTQ lo ngại nhất.
Bởi vì trên thế giới, nhiều nơi vào những thời điểm nhất định thỉnh thoảng cũng xảy ra bùng phát dịch bệnh nào đó ở quy mô nhỏ, nhưng không dễ gây lây lan thành khu vực rộng lớn, càng không dễ gây bùng phát trên toàn cầu. Từ đầu nếu chính quyền địa phương của Vũ Hán cũng như giới chức ĐCSTQ công khai tình hình vụ bùng phát nhỏ ở Vũ Hán, [và khả năng] đã có vấn đề rò rỉ trong phòng thí nghiệm thì tình hình đã được kiểm soát, giống như dịch SARS năm 2004, khi đó các phòng thí nghiệm khác ở Bắc Kinh và An Huy tại Trung Quốc đã có [thừa nhận] vấn đề bị rò rỉ và có những đợt bùng phát quy mô nhỏ, [khi đó] không có gây thành thảm họa lớn. Đối với ĐCSTQ [trong vụ việc COVID-19 này], tôi nghĩ tội trạng nghiêm trọng nhất của họ là che giấu và cho phép nhiều người Vũ Hán bị nhiễm virus tự do đi lại đến các nước khác trên thế giới. Họ đã không cho thế giới thấy về khả năng những người đó đã bị nhiễm COVID-19, và cảnh báo đó là bệnh hô hấp có thể lây lan giữa người với người. Về vấn đề này, tôi nghĩ cộng đồng quốc tế nên xem xét nghiêm túc để truy cứu trách nhiệm của ĐCSTQ.”
Cơ sở dữ liệu virus có mà chính quyền Biden thu được liệu có phải dữ liệu gốc không?
Chuyên gia Lâm Hiểu Húc cho rằng báo cáo mà chính quyền Tổng thống Biden yêu cầu cơ quan tình báo thực hiện sẽ tập trung khá nhiều vào vấn đề nguồn gốc của COVID-19 mà WHO đã thực hiện, và một phần đáng kể sẽ là tìm hiểu nguồn gốc COVID-19 từ góc độ khoa học. Nhưng ông cảnh báo: “Tôi nghĩ việc này sẽ mất rất nhiều công sức mà chưa hẳn có được dữ liệu thực. Hiện nay mặc dù có thông tin rằng nhóm điều tra của Mỹ đã lấy được cơ sở dữ liệu virus, nhưng có gần 20.000 bản sao thông tin về virus. Nhưng tôi nghĩ khả năng thông tin này không thực sự là thông tin bí mật của ĐCSTQ, vì có thông tin cho rằng dữ liệu này là một bản sao lưu trên đám mây để cho cơ quan tình báo Mỹ thu thập được. Nếu nó thực sự là nghiên cứu của phía quân đội ĐCSTQ với mức bảo mật cao thì không thể được lưu giữ theo cách đó, trừ khi [dữ liệu Mỹ có được] là do người nội bộ ĐCSTQ đào tẩu cung cấp.
Vì vậy, tôi nghĩ nếu đó là dữ liệu thực sự được bảo mật nghiêm ngặt của quân đội, có lẽ ĐCSTQ đã xóa sạch nó từ lâu. Do đó tôi vẫn cảm thấy rằng chính quyền Biden hiện tại nên tập trung nhiều hơn vào sự che đậy và lừa dối của ĐCSTQ đối với dịch bệnh, họ không thông báo cho cộng đồng quốc tế biết về vấn đề dịch bệnh COVID-19 lây lan giữa người với người, khiến dịch lan khắp nơi. Tôi nghĩ rằng đây là điểm mà cộng đồng quốc tế nên tập trung truy cứu trách nhiệm, chứ không chỉ là vấn đề truy xuất nguồn gốc virus”.
Tại sao chuyện che đậy dịch bệnh là tội lớn hơn nhiều so với việc làm rò rỉ virus?
Chuyên gia Lâm Hiểu Húc nhận định rằng kể từ khi đại dịch bùng phát năm ngoái, người dân ở rất nhiều quốc gia trên thế giới đã bị nhiễm bệnh và tử vong, đồng thời trật tự kinh tế và cuộc sống của nhiều quốc gia cũng bị phá hoại, do đó trách nhiệm của hàng loạt vấn đề này chính là do ĐCSTQ: “Cộng đồng quốc tế có xu thế lớn đề nghị truy cứu trách nhiệm của ĐCSTQ, có thể vài nghìn tỷ hoặc hàng chục nghìn tỷ [USD]. Tôi nghĩ đây là điều các nước nên làm để truy cứu trách nhiệm ĐCSTQ. Tội ác trong vấn đề này không chỉ đơn giản là một sơ sót trong công việc mà đó là dối trá che đậy tình hình. ĐCSTQ cũng rất sợ truy cứu về điều này nên đã luôn phủ nhận.
Hiện nay, ĐCSTQ đang huy động bộ máy tuyên truyền tấn công Mỹ, cáo buộc phòng thí nghiệm Fort Detrick của Mỹ cũng có thể là nguồn phát tán virus… Thực ra, tôi nghĩ họ dùng thủ đoạn vu khống này để gây nhiễu loạn tình hình, điều này cho thấy đây không phải là vấn đề ĐCSTQ lo ngại nhất. Bởi vì ĐCSTQ biết rằng các phòng thí nghiệm ở nhiều nước cũng thực hiện một số nghiên cứu tương tự. Bạn cũng khó có được bằng chứng rằng Trung Quốc đã trực tiếp thực hiện các nghiên cứu này hoặc xử lý một loại virus rất nguy hiểm. Họ có thể gây nhiễu loạn thông tin, như trước đây từng vu khống cho Ý và Pháp, bây giờ lại tập trung vào Mỹ. Do về mặt này ĐCSTQ có nhiều cách để đáp lại nên cho thấy rằng vấn đề này không phải là điều họ ngại nhất.
Điều mà ĐCSTQ lo ngại nhất, chẳng hạn như ‘Chín bài bình luận về ĐCSTQ’ được tờ Epoch Times công bố từ hơn 10 năm trước, những lập luận rất sắc bén đó đã trực tiếp đánh vào chỗ đau của ĐCSTQ. Do đó, dường như cả bộ máy tuyên truyền của ĐCSTQ không dám đề cập, vì một khi đề cập là đã tự mang những tội ác của họ ra ánh sáng.
Tương tự [ở đại dịch COVID-19], lo ngại nhất của ĐCSTQ là vấn đề che giấu đại dịch khi khởi phát. Vì tội che giấu tình hình lớn hơn nhiều chuyện để virus rò rỉ. Nếu cộng đồng quốc tế chú trọng khía cạnh này sẽ rất khó để ĐCSTQ biện bạch. Vì vậy, tôi nghĩ rằng các phương tiện truyền thông vẫn đang tập trung quá nhiều vào việc truy tìm nguồn gốc, trong khi điều quan trọng hơn nên tập trung vào chuyện ĐCSTQ đã lừa dối và che giấu sự bùng phát COVID-19 ở Vũ Hán, và hệ quả sau đó gây bùng phát toàn cầu”.
Đại dịch này đã làm thế giới thay đổi như thế nào?
Chuyên gia Lâm Hiểu Húc nhận định dịch bệnh COVID-19 này khiến thế giới thay đổi khá sâu sắc. “Vấn đề không chỉ là người ta chú ý đến việc có bao nhiêu người bị nhiễm bệnh và bao nhiêu người đã chết, không chỉ là về mặt sức khỏe cộng đồng, và cũng không chỉ về vấn đề số người thiệt mạng. Chính sách phòng chống dịch mà nhiều nước triển khai ngày càng có nhiều quyền lực can thiệp vào cuộc sống hàng ngày của người dân, kiểm soát thông tin mọi người trên nhiều mặt, thậm chí cả thông tin về cách điều trị bệnh…, khiến người dân quen với quyền riêng tư cảm thấy lo ngại. Trong quá trình cơ quan chức năng các nước ngăn chặn dịch bệnh lây lan, vô tình nhiều quyền riêng tư cá nhân của con người đã phải hy sinh.
Ngoài ra, do các biện pháp ứng phó khác nhau được các nước khác nhau áp dụng cũng làm xáo trộn hoặc thay đổi trật tự xã hội. Trong khoảng hơn một năm qua, rất nhiều đợt phong tỏa hoặc gần như phong tỏa ở nhiều nước đã dẫn đến suy thoái kinh tế, trì trệ, tỷ lệ thất nghiệp gia tăng… làm thay đổi lớn cho kinh tế và đời sống hàng ngày của mọi người, thậm chí thói quen sinh hoạt của mọi người cũng có những thay đổi sâu sắc. Do đó, tôi cho rằng dịch bệnh này có ảnh hưởng khá lâu dài đến xã hội loài người”.
Đại dịch khiến mọi người trên thế giới hiểu rõ điều gì?
Sau cùng chuyên gia nhấn mạnh: “Tôi nghĩ một tác động to lớn khác mà đại dịch này cho thấy là ngày càng có nhiều người nhận ra bản chất của chế độ ĐCSTQ. Trước đây nhiều người còn mơ hồ đối với cái gọi là cải cách và mở cửa của ĐCSTQ để có được thành tựu, nghĩa là không nhận thức rõ ràng rằng ĐCSTQ sẽ không thay đổi vì cái gọi là thành tựu kinh tế của họ.
Trước đây, nhiều người nghĩ rằng có lẽ thành tựu kinh tế mới của Trung Quốc sẽ đưa tầng lớp trung lưu lên một vai trò lớn hơn, làm cho toàn bộ xã hội minh bạch hơn, qua đó kỳ vọng vào sự chuyển đổi dân chủ của Trung Quốc.
Nhưng trận dịch này đã khiến mọi người thấy rõ hơn bản chất của ĐCSTQ. Vì vậy mà nhiều nước đã thực sự bắt đầu suy nghĩ lại và điều chỉnh quan hệ của họ với ĐCSTQ trên phương diện ngoại giao và thương mại. Trong quá trình chiến đấu với đại dịch này, chúng tôi cũng đã thấy Chính phủ Mỹ trước đây nhận ra ĐCSTQ thực sự là mối đe dọa chung và lớn nhất đối với mọi người trên thế giới, qua đó bắt đầu từ bỏ chính sách trước đây hợp tác với ĐCSTQ. Giờ đây, nhiều nước sẵn sàng hợp lực để ngăn chặn ĐCSTQ. Tôi nghĩ đây cũng là một thay đổi khá cơ bản. Nếu cả thế giới đều hiểu rõ đâu là kẻ thù lớn nhất và là mối đe dọa lớn nhất đối với người dân trên thế giới, và nếu có thể tập hợp được nhiều hơn các bên có chung giá trị chính nghĩa thì tất nhiên sẽ có tác dụng tích cực trong việc thay đổi hiện trạng”.
Lý Tĩnh Nhữ, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện COVID-19 Nguồn gốc COVID-19 nguồn gốc virus corona Che giấu dịch bệnh Viện Virus học Vũ Hán Lâm Hiểu Húc