Cuộc chiến vắc-xin giữa Mỹ và Trung Quốc, ai sẽ chiếm ưu thế?
- Tiêu Nhiên
- •
Năm 2021, virus viêm phổi Vũ Hán (COVID-19) tiếp tục tàn phá và cuộc chiến giành quyền bá chủ giữa Mỹ và Trung Quốc có một chiến trường mới – cuộc chiến vắc-xin. Những ngày gần đây, Mỹ và Trung Quốc “đấu tranh trực diện” trong cuộc chiến vắc-xin, rốt cuộc ai là người chiếm thế thượng phong?
Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết trong một video truyền hình trực tiếp tại Diễn đàn các đảo Thái Bình Dương ngày 6/8 rằng bắt đầu từ tháng này, Mỹ sẽ tài trợ 500 triệu liều vắc-xin COVID-19 của Pfizer cho Cơ chế Chia sẻ vắc-xin Toàn cầu (COVAX) do WHO đứng đầu, các nước đảo Thái Bình Dương sẽ được hưởng lợi trong tình huống “không có bất cứ điều kiện chính trị nào”.
Ông Biden nói, “Mỹ tặng vắc-xin mà không có bất kỳ yêu cầu và điều kiện nào, bởi vì điều này là để cứu mạng sống.”
Một ngày trước đó, ông Tập Cận Bình đã có bài phát biểu bằng văn bản tại cuộc họp đầu tiên của “Diễn đàn hợp tác quốc tế về vắc-xin virus corona”, tuyên bố rằng “Trung Quốc sẽ nỗ lực cung cấp 2 tỷ liều vắc-xin cho thế giới trong năm nay” và quyết định tài trợ 100 triệu đô la Mỹ cho COVAX để giúp các nước đang phát triển đối phó với dịch bệnh. Cuối bài phát biểu của mình, ông Tập nhấn mạnh rằng ông hy vọng sẽ “thúc đẩy việc xây dựng một cộng đồng nhân loại cùng chung vận mệnh”.
Ngày 16/7, khi tham dự hội nghị truyền hình không chính thức các nhà lãnh đạo Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á – Thái Bình Dương (APEC), ông Tập Cận Bình nói rằng Trung Quốc đã khắc phục những thách thức trong việc tiêm chủng đại trà và đã cung cấp cho các nước đang phát triển hơn 500 triệu liều vắc-xin COVID-19, trong 3 năm tới sẽ tiếp tục viện trợ quốc tế thêm 3 tỷ đô la Mỹ để hỗ trợ các nước đang phát triển chống lại dịch bệnh và khôi phục phát triển kinh tế.
Truyền thông phương Tây trích dẫn tư liệu của Liên minh toàn cầu về vắc-xin và tiêm chủng (GAVI) cho biết, mặc dù Trung Quốc đã tham gia COVAX nhưng họ không tài trợ vắc-xin hoặc tiền; GAVI đã ký hợp đồng mua sắm với hai công ty vắc-xin của Trung Quốc, điều này cho thấy rằng vắc-xin của Trung Quốc không phải là miễn phí. Trong khi đó ông Biden trích dẫn dữ liệu của Liên Hiệp Quốc để chỉ ra rằng số lượng viện trợ của Hoa Kỳ cao hơn tổng số viện trợ của 24 quốc gia khác cũng viện trợ vắc-xin ở nước ngoài, bao gồm cả Trung Quốc và Nga. Ông nhấn mạnh rằng vắc-xin do Mỹ gửi đến là miễn phí, không có điều kiện kèm theo hay ép buộc.
Ngoài ra, vào cuối tháng Sáu, một nhà máy sản xuất vắc-xin COVID-19 đạt tiêu chuẩn bảo vệ an toàn sinh học cấp độ 3 (P3) đã lặng lẽ ra đời tại quận Đại Hưng, thành phố Bắc Kinh. Nhà máy này có năng lực sản xuất hàng năm là 1 tỷ liều vắc-xin. Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Sinopharm Lưu Kính Trinh (Liu Jingzhen) gọi đây là “’nhà máy chế tạo vũ khí’ vắc-xin virus corona mới lớn nhất thế giới”. Tháng Năm vừa qua, Tổ chức Y tế Thế giới WHO đã liệt kê loại vắc-xin của Viện Sản phẩm sinh học Sinopharm Bắc Kinh vào “danh sách sử dụng khẩn cấp”.
Ngày 5/8, Công ty Sinovac Trung Quốc cho biết, trong thời gian tới sẽ đệ trình nghiên cứu lâm sàng và xin phép sử dụng khẩn cấp vắc-xin chống virus Delta cho Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Quốc gia.
Các nước Đông Nam Á liên tiếp dựa vào Mỹ
Nửa cuối năm, các nước Đông Nam Á dần dần dựa vào Mỹ trong cuộc chiến ngoại giao vắc-xin.
Tờ Wall Street Journal từng đưa tin rằng nguyên nhân chính là do thời kỳ cao điểm tiêm chủng trong nước Mỹ đã qua đi, nên Mỹ có thể cung cấp nhiều vắc-xin hơn cho nước ngoài, đảo ngược tình thế các nước này phụ thuộc vào vắc-xin Trung Quốc hồi đầu năm. Cùng với sự tấn công dữ dội của làn sóng đại dịch Ấn Độ Delta mới, các quốc gia Đông Nam Á này đang cần vắc-xin khẩn cấp.
Indonesia và Malaysia gần đây cho biết, dự kiến nửa cuối năm nay họ sẽ nhận được hàng chục triệu liều vắc-xin Pfizer-BNT. Pfizer cho biết họ sẽ cung cấp 50 triệu liều vắc-xin cho Indonesia trong năm nay, và Malaysia đã đặt hàng 46 triệu liều vắc-xin Pfizer. Philippines đã bắt đầu nhận được vắc-xin Moderna và Pfizer, đồng thời có kế hoạch nhập khẩu thêm 40 triệu liều Pfizer trong vài tháng tới, và lô vắc-xin thứ hai của Moderna sẽ lên đến 250.000 liều.
Tuy nhiên, trong nửa đầu năm, Indonesia và Philippines chủ yếu dựa vào công ty Sinovac của Trung Quốc Đại Lục để cung cấp vắc-xin, còn Malaysia sử dụng vắc-xin của Sinovac và Pfizer. Tờ WSJ cho biết, các quốc gia này gần đây đã đặt nghi vấn về hiệu quả của vắc-xin Sinovac và chuyển sang sử dụng vắc-xin phương Tây.
- Chile sẽ tiêm liều bổ sung sau khi chứng kiến hiệu quả sụt giảm của vắc-xin Sinovac
- Nghi ngờ hiệu quả vắc-xin Sinovac, Thái Lan lựa chọn liều tăng cường AstraZeneca
- Singapore: Người tiêm vắc-xin Sinovac không được tính là đã tiêm chủng
Hiện tại, vắc-xin mà các nước phương Tây cung cấp cho Đông Nam Á chủ yếu do Mỹ viện trợ, ngoại trừ Đài Loan đã nhận được 2,5 triệu liều vắc-xin Moderna. Hồi tháng Bảy, Mỹ đã tài trợ 3 triệu liều Moderna cho Indonesia, các nước Malaysia, Pakistan và Nepal cũng đã nhận được các khoản viện trợ tương tự. Hồi tháng Sáu, Mỹ từng tuyên bố rằng họ sẽ mua 500 triệu liều vắc-xin Pfizer trước giữa năm tới để tặng cho các nước nghèo, trong đó 200 triệu liều sẽ được cung cấp trong năm nay.
Cuộc chiến vắc-xin và địa chính trị sau thời kỳ dịch bệnh
Nhà bình luận thời sự Lương Kinh (Liang Jing) nói với Đài Á Châu Tự Do rằng cuộc chiến vắc-xin đang trở thành một phần quan trọng của cuộc chiến hỗn hợp trong trạng thái chiến tranh mới giữa Mỹ và Trung Quốc, Hoa Kỳ chiếm thế thượng phong trong cuộc chiến vắc-xin này. Đây là yếu tố rất tích cực đối với diễn biến của tình hình địa chính trị sau thời kỳ dịch bệnh.
Ông cho rằng đại dịch này có xu hướng dai dẳng, điều đó cũng có nghĩa là việc Mỹ kiểm soát công nghệ vắc-xin sẽ trở thành con át chủ bài trong cuộc đối đầu giữa Mỹ và Trung Quốc. Mặc dù không thể đoán trước con át chủ bài này có thể khởi được tác dụng lớn thế nào trong địa chính trị toàn cầu, nhưng nguy cơ đại dịch càng lớn, nó sẽ càng bất lợi đối với Trung Quốc. Đây là điều mà ông Tập Cận Bình không ngờ tới khi quyết tâm “lấy dịch bệnh để mưu cầu bá quyền” vào mùa hè năm ngoái.
Ông tin chắc rằng chính quyền Bắc Kinh đã không chuẩn bị cho dịch bệnh kéo dài. “Sự điều chỉnh của Trung Quốc sẽ khó khăn hơn so với Mỹ. Bởi vì nguy cơ dịch bệnh kéo dài sẽ tác động rất lớn đến mô hình việc làm phụ thuộc nhiều vào sự dịch chuyển dân số lao động nông thôn của Trung Quốc”. Đồng thời, Trung Quốc sẽ không thừa nhận thất bại trên thị trường vắc-xin toàn cầu, sẽ đầu tư nhiều nguồn lực hơn, “bởi vì nếu cuộc chiến vắc-xin bị thua Mỹ hoàn toàn, Trung Quốc sẽ rơi vào tình thế địa chính trị rất bất lợi trong thời kỳ hậu dịch bệnh”.
Tiêu Nhiên, Vision Times
Xem thêm:
Từ khóa Cuộc chiến vắc-xin Dòng sự kiện virus corona COVID-19 Vắc xin COVID-19 mối quan hệ Mỹ - Trung