Gần đây Tiến sĩ Hans-Georg Maaßen, cựu Cục trưởng Cục Bảo vệ Hiến pháp Liên bang Đức (cơ quan cao nhất chịu trách nhiệm về an ninh quốc gia của Chính phủ Đức) đã trả lời phỏng vấn của tờ Epoch Times tiếng Đức, nói về những rủi ro bảo mật của việc Huawei tham gia xây dựng mạng 5G ở các nước và hoạt động của đặc vụ Trung Quốc tại Đức.

huawei
Tiến sĩ Hans-Georg Maaßen, cựu Cục trưởng Cục Bảo vệ Hiến pháp Liên bang Đức thuộc Cơ quan An ninh Quốc gia Đức đã nhận trả lời phỏng vấn độc quyền với Thời báo Epoch Times tại Đức (Ảnh: Epoch Times)

Tiến sĩ Maaßen hiện 56 tuổi, là thành viên của CDU (Liên minh Dân chủ Kitô giáo) một trong những đảng cầm quyền Đức hiện nay. Ông từng là Cục trưởng Cục Bảo vệ Hiến pháp Liên bang Đức từ tháng 8/2012 – 11/2018. Sau đây là nội dung cuộc phỏng vấn.

Huawei và 5G có nghĩa là rủi ro bảo mật

Phóng viên (PV): Ngài đánh giá thế nào về việc Tập đoàn truyền thông di động Trung Quốc Huawei tham gia xây dựng mạng 5G? Năm 2011 cựu Cục trưởng Cục Tình báo Liên bang Đức (BND) Gerhard Schindler đã đưa ra cảnh báo, năm nay cũng một lần nữa cho biết rõ ràng: Huawei và 5G, có nghĩa là rủi ro bảo mật. Ý kiến ​​của ngài về vấn đề này là thế nào?

Tiến sĩ Maaßen: Đúng vậy, cựu Cục trưởng Cục Tình báo Liên bang Schindler đã nói điều này. Không chỉ ông, theo như tôi biết, rất nhiều đồng nghiệp cũ, nhiều người trong cơ quan tình báo hiện nay cũng có quan điểm tương tự. Họ rất lo lắng việc Huawei kiểm soát mạng 5G, hoặc sẽ tham gia thao túng. Tôi cũng có lo lắng này, và có đủ lý do.

Khác với các công ty như Siemens và Motorola, công ty Huawei không chỉ làm kinh tế hay là một doanh nghiệp thông thường, mà còn là một bộ phận của Chính phủ Trung Quốc. Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) thực hiện các chính sách ngoại thương thông qua các công ty như Huawei. Hoặc nói thẳng thắn hơn là thực hiện tham vọng bá quyền. Họ cố gắng làm cho công ty mạnh hơn và lớn hơn, nhìn từ quan điểm của chính sách đối ngoại và an ninh của ĐCSTQ thì điều này rất hệ trọng.

Huawei cố gắng tham gia vào thị trường và có chỗ đứng ở các nước khác, thủ đoạn mà họ sử dụng theo tôi thấy là khá bất công. Điều này không chỉ liên quan đến thị phần và lợi nhuận mà các công ty Đức của chúng tôi coi trọng, mà còn liên quan đến những ảnh hưởng sâu rộng của chính phủ ĐCSTQ tại các nước khác, thậm chí khiến các nước khác bị phụ thuộc vào họ.

Có quan điểm cho rằng không có bằng chứng nào cho thấy Huawei đang nghe lén ở đâu đó, hoặc sử dụng công nghệ bộ định tuyến của riêng họ để chuyển tiếp tin nhắn điện thoại hoặc email. Theo tôi đây không phải vấn đề mấu chốt.

Điều quan trọng là chỉ cần Chính phủ Trung Quốc muốn làm điều này thì Huawei có thể giúp họ thực hiện, điều này khiến chúng tôi thấy niềm tin mong manh, khó chấp nhận phụ thuộc, vô cùng bị động, đó là những gì 5G mang lại!

Trong tương lai, 5G có ý nghĩa gì với chúng ta, đó là toàn bộ thế giới thực được kết nối với mạng Internet và đường kết nối là 5G. Vì vậy, tôi chỉ có thể nói, quan điểm của tôi là chúng ta không thể cho phép Huawei chiếm lĩnh thị trường.

Khác biệt: Toàn trị đứng trên pháp luật, dân chủ nằm dưới pháp luật

PV: Một số người sẽ biện luận rằng, cách làm của Mỹ có gì khác? Họ cũng muốn chúng ta bị phụ thuộc, và họ cũng đang nghe lén chúng ta. Tại sao lại xem Huawei và chính phủ Trung Quốc nguy hiểm hơn? Nguy hiểm cụ thể là gì?

Tiến sĩ Maaßen: Theo tôi, điều này cho thấy một số người vẫn không hiểu những vấn đề cơ bản của ĐCSTQ. Trung Quốc không phải là một nước dân chủ kiểu phương Tây, mà là một nhà nước toàn trị cộng sản do ĐCSTQ cai trị. Điều này khác biệt lớn đến mức không thể thông cảm so với Đức, Pháp, Anh Quốc hoặc Mỹ.

Nói một cách chuẩn xác, mọi người có thể tùy ý trong chọn lựa có ủng hộ ông Trump hay không, nhưng bất kể ai là người nắm quyền thì nước Mỹ vẫn là đối tác của chúng tôi, vì đều là nước tự do dân chủ nên người được trao quyền luôn bị pháp luật ràng buộc. Do đó, doanh nghiệp Mỹ hoặc Anh vào thị trường Đức không thể so sánh với doanh nghiệp Trung Quốc vào thị trường Đức.

PV: Bê bối nghe lén luôn là quan tâm của truyền thông chính thống. Đôi khi mọi người cảm thấy rằng không có cơ quan bí mật nào đi nghe lén và theo dõi các chính trị gia hàng đầu. Ngài là một chuyên gia trong lĩnh vực này, theo ngài sự thật là gì?

Tiến sĩ Maaßen: Tôi nghĩ, nghe lén các chính trị gia hàng đầu nước ngoài là nhiệm vụ của hầu hết các cơ quan tình báo nước ngoài hoặc các bộ phận dịch vụ kỹ thuật. Nói cách khác, các nhiệm vụ này được các Chính phủ trao quyền, để thu được thông tin về các nguyên thủ quốc gia, giới lãnh đạo chính phủ hoặc đại diện doanh nghiệp lớn ở các nước khác, từ đó để đưa ra đối sách.

Tất nhiên, trước ngực tất cả những người thực hiện nhiệm vụ đều có bảng tên, vì vậy bạn không thể biết rõ thân phận và nhiệm vụ thực sự của họ. Hiển nhiên không phải chỉ có người Mỹ làm những việc này. Nhưng có điểm khác biệt quan trọng là người Mỹ hành động theo luật pháp, họ là đối tác của chúng tôi. Tôi nhấn mạnh hành động theo luật pháp, có nghĩa là luật pháp mà người Mỹ đi theo là luật pháp mà mọi người bản địa (nước dân chủ) đều có thể đồng thuận.

Ở Nga và Trung Quốc hoàn toàn khác, đây là những nước chuyên chế, họ không thu thập thông tin tình báo theo luật. Bộ phận tình báo của họ không chỉ đơn thuần là tình báo, mà là một tổ chức bí mật, đôi khi dùng thủ đoạn vô pháp.

Đặc vụ ĐCSTQ tấn công “năm loại người” ở nước ngoài

PV: Báo cáo thường niên của Cục Bảo vệ Hiến pháp Liên bang đề cập đến “năm loại người” mà ĐCSTQ quan tâm: nhà hoạt động dân chủ, người Tây Tạng, người Duy Ngô Nhĩ, người thiểu số Hồi giáo, Kitô hữu gia đình hoặc Kitô hữu trung thành với Tòa thánh La-mã (theo đạo Thiên chúa nhưng không chấp nhận hợp tác với ĐCSTQ) cùng người tập Pháp Luân Công. Vấn đề Pháp Luân Công đã được đề cập ba lần trong Báo cáo Bảo vệ Hiến pháp năm 2018. Đặc vụ ĐCSTQ hoạt động như thế nào ở Đức?

Tiến sĩ Maaßen: Những người này vẫn là trọng tâm trong nhiệm vụ tình báo của ĐCSTQ, điều đó có nghĩa là bộ phận tình báo của ĐCSTQ đang đối phó và tấn công các nhóm này. Đối phó hàm ý thu thập thông tin tình báo, còn tấn công hàm ý là xâm nhập, cố gắng kiểm soát các tổ chức này thông qua các nguồn lực của họ, hoặc khi cần có thể dùng thủ đoạn vô pháp để đối phó với các tổ chức hoặc cá nhân mục tiêu.

Ở Đức, những năm gần đây chúng ta đã nhiều lần phát hiện kiểu tấn công chống lại phe đối lập này, nghĩa là có thể xác định được kiểu tấn công vào “năm loại người” này. Thậm chí điều này đã dẫn đến các quyết định tư pháp chống lại các điệp viên ĐCSTQ hoạt động ở Đức.

Tần suất và mức độ xảy ra điều này phụ thuộc vào tình hình của Trung Quốc và áp lực của đặc vụ cài cắm, ít nhất đây là ý kiến ​​của tôi. Đôi khi có thể nổi lên một ngọn sóng nào đó tại châu Âu nhắm vào các nhóm người này, và đôi khi lại bình lặng.

PV: Ngài có thể đánh giá tình hình hiện tại không?

Tiến sĩ Maaßen: Tôi tin rằng các đặc vụ của ĐCSTQ ở châu Âu vẫn đang nỗ lực không ngừng để đối phó với “năm loại người” này.

Tuyết Mai

Xem thêm: