Ngày 25/10, cựu Giám đốc Cục Tình báo Liên bang Đức Gerhard Schindler đã trả lời phỏng vấn của tờ The Times, trong cuộc phỏng vấn ông đã đưa ra cảnh báo rằng Trung Quốc (Đảng Cộng sản Trung Quốc, ĐCSTQ) đã tiệm cận “nắm giữ toàn thế giới”. Ông kêu gọi châu Âu nhất định phải nhanh chân xử lý sức ảnh hưởng của Bắc Kinh tại châu Âu. 

5G
(Ảnh minh hoạ từ Shutterstock)

Tờ Daily Express đưa tin, ông Gerhard Schindler, cựu Giám đốc Cục Tình báo Liên bang Đức (BND) trong thời gian từ năm 2011-2016, cho biết, chính quyền Bắc Kinh làm việc “vừa thông minh lại yên tĩnh”, đồng thời tính liền mạch của sách lược khiến ai cũng phải kinh ngạc. Trong tình huống này, châu Âu dường như không chú ý đến hành động mang tính chi phối của Bắc Kinh, điều này vô cùng đáng lo ngại.

Ông Gerhard Schindler cho rằng, trong lập trường đối với Trung Quốc, chúng ta đã bị quan hệ thương mại làm chủ, điều này cần phải xem xét lại. Chúng ta có một bộ phận rất phụ thuộc vào Trung Quốc, ví dụ như ngành công nghiệp ô tô, hiện nay cần phải cố gắng để giảm thiểu loại phụ thuộc xuất khẩu này. Ông cũng nhắc đến công ty Huawei là đại diện chủ yếu cho sức ảnh hưởng vươn dài của Trung Quốc, nếu công ty này xây dựng mạng 5G tại châu Âu, thì chúng ta về cơ bản sẽ không hiểu được rốt cuộc họ đang làm những gì. Một khi Trung – Âu xảy ra khủng hoảng, Bắc Kinh có thể đe dọa đóng cửa mạng thông tin của châu Âu, mượn đó để ảnh hưởng đến quyết định của châu Âu.

Ông Gerhard Schindler cũng thúc giục chính quyền Đức, nhất định phải kiểm soát đối với “chiến lược phụ thuộc” của Bắc Kinh. Trong đó bao gồm cấm Huawei tham gia xây dựng mạng 5G của Đức.

Trước đó, Quỹ Bảo vệ dân chủ (Foundation for Defense of Democracies) tại Mỹ đã công bố một báo cáo, nội dung nói về sách lược của Trung Quốc đối với châu Âu, và chỉ ra rằng nước Đức là mục tiêu lớn nhất. Bà Emily de La Bruyere – nhà nghiên cứu cấp cao của quỹ này đồng thời cũng là đồng tác giả của báo cáo, bà nói với Fox News rằng, nếu Trung Quốc nắm lấy nước Đức, vậy thì có thể nắm được cả châu Âu, từ đó chiếm được cả thế giới.

Châu Âu không tín nhiệm Huawei

Ngày 20/10, Thụy Điển quyết định cấm Huawei và ZTE của Trung Quốc tham gia vào xây dựng mạng 5G của nước này, tiếp tục trở thành một quốc gia châu Âu nữa xuất phát từ cân nhắc đến an ninh quốc gia để hạn chế các nhà cung ứng thiết bị của Trung Quốc.

Anh Quốc hồi đầu năm nay vốn đã đưa ra quyết định cho phép Huawei tham gia vào xây dựng mạng 5G ở mức độ giới hạn. Tuy nhiên, chính quyền Thủ tướng Boris Johnson hồi tháng 7 đã thay đổi quyết định, ra lệnh trước năm 2027 sẽ loại bỏ hoàn toàn thiết bị của Huawei khỏi mạng 5G của Anh Quốc.

Gần đây, Tập đoàn Viễn thông Hoàng gia Hà Lan (KPN) đã lựa chọn Ericsson để xây dựng thành phần cốt lõi của mạng di động 5G của mình. Còn nhà khai thác viễn thông Orange Belgium và Proximus cũng lựa chọn Nokia để giúp đỡ xây dựng mạng 5G tại Bỉ.

Từ khi Mỹ đưa ra sáng kiến “mạng sạch” đến nay, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và các quan chức cấp cao khác của Mỹ đã liên tục có các chuyến thăm nước ngoài để thuyết phục các nước khác có thể tham gia vào sáng kiến này. Mục đích là để loại bỏ toàn diện những thiết bị và sản phẩm công nghệ “không đáng tin” của Trung Quốc. Ngày 14/10, ông Pompeo đã phát biểu tại cuộc họp báo do Bộ Ngoại giao Mỹ tổ chức, ông cho biết hiện nay đã có hơn 40 quốc gia và 50 công ty viễn thông tham gia vào “mạng sạch”, trong đó bao gồm hơn 25 quốc gia thuộc Liên minh châu Âu (EU) và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO).

Vương Quân

Xem thêm: