Trong một cuộc gặp với ông Ahmed al-Sharaa, lãnh đạo chính quyền mới của Syria, Đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Syria Geir Pedersen đã kêu gọi tổ chức một cuộc chuyển đổi chính trị toàn diện tại Syria, dựa trên nghị quyết đã được thông qua của Hội Đồng Bảo An cách đây chín năm, theo văn phòng của đặc phái viên vào hôm thứ Hai (16/12).

Geir Pedersen
Ông Geir Pedersen, Đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Syria (thứ hai từ phải sang) đang nói chuyện với một chiến binh đối lập tại nhà tù Saydnaya vào ngày 16 tháng 12 năm 2024 tại Damascus, Syria. (Ảnh: Ali Haj Suleiman/Getty Images)

Bộ Tư Lệnh Tổng cầm quyền tại Syria, trong một tuyên bố riêng về cuộc gặp vào hôm Chủ Nhật (15/12) với ông Geir Pedersen, cho biết cả hai bên đã chính thức thảo luận về việc xem xét lại Nghị quyết 2254 của Hội Đồng Bảo An, với lý do nghị quyết này cần được cập nhật để “phù hợp hơn với thực tế mới [tại Syria]”.

Lần gặp mặt này đánh dấu một trong những sự kiện quốc tế quan trọng nhất đối với sự nghiệp chính trị của ông Sharaa, lãnh đạo của nhóm chiến binh Hồi giáo Hayat Tahrir al-Sham (HTS) từng là một chi nhánh của tổ chức khủng bố al-Qaeda, nhưng đã tuyên bố tách khỏi mạng lưới thánh chiến này vào năm 2016. Nhóm HTS là lực lượng nổi dậy Syria mạnh nhất đã nắm quyền kiểm soát thủ đô Damascus sau khi chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad sụp đổ hơn một tuần trước.

Hình ảnh tại buổi gặp mặt cho thấy ông Sharaa mặc sơ mi cùng áo khoác không thắt cà vạt khi gặp ông Pedersen, đặc phái viên của Liên Hiệp Quốc về Syria từ năm 2018.

Nhóm HTS hiện vẫn bị các cường quốc phương Tây cũng như trong khu vực Trung Đông, bao gồm cả Thổ Nhĩ Kỳ – quốc gia từng là một trong những nhà bảo trợ chính cho các lực lượng nổi dậy Syria – phân loại là một tổ chức khủng bố.

Chính quyền mới ở thủ đô Damascus vẫn chưa chính thức công bố chi tiết về các kế hoạch tiếp theo, trong bối cảnh đất nước Syria chỉ vừa mới bước sang một trang sử mới sau hơn năm thập kỷ dưới chế độ gia đình trị Assad cùng gần 14 năm nội chiến tàn khốc.

Tân Thủ tướng Mohammed al-Bashir, chính trị gia từng lãnh đạo một chính phủ liên kết với nhóm HTS tại tỉnh Idlib, cho biết ông sẽ giữ cương vị này cho đến tháng Ba.

Ông Pedersen đã chính thức thông báo cho ông Sharaa về kết quả của một cuộc họp quốc tế tổ chức tại Jordan vào hôm thứ Bảy (14/12), theo một tuyên bố từ văn phòng đặc phái viên.

Đặc phái viên đặc biệt đã trình bày [với ôgn Sharaa] kết quả của Cuộc Họp Quốc Tế Aqaba… nhấn mạnh sự cần thiết của một quá trình chuyển giao [quyền lực] chính trị do Syria tự lãnh đạo và sở hữu, có tính toàn diện và đáng tin cậy, dựa trên các nguyên tắc của Nghị quyết 2254 của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc (2015). Đặc phái viên đặc biệt nhấn mạnh ý định của Liên Hiệp Quốc [mong muốn] cung cấp mọi hỗ trợ cần thiết cho nhân dân Syria”, tuyên bố từ văn phòng của ông Pedersen cho hay. 

Nghị quyết 2254 của Liên Hiệp Quốc một lần nữa đã trở thành nỗ lực ngoại giao trọng tâm về Syria của các bên kể từ khi ông Assad bị lật đổ và buộc phải lưu vong sang Nga. 

Nghị quyết 2254 được chính thức thông qua vào năm 2015, trong bối cảnh cuộc xung đột bắt nguồn từ các cuộc biểu tình đòi dân chủ chống lại sự cai trị của chính quyền Assad lên đến đỉnh điểm vào năm 2011. Nghị quyết được thông qua ngay sau khi Nga can thiệp quân sự để duy trì quyền lực của Tổng thống Assad.

Nghị quyết này ủng hộ một tiến trình chính trị do Syria lãnh đạo, được Liên Hiệp Quốc hỗ trợ, nhằm thiết lập một “chính quyền đáng tin cậy, toàn diện và phi giáo phái” trong vòng sáu tháng, đồng thời đặt ra một lộ trình cùng tiến trình xây dựng một hiến pháp mới.

Nghị quyết cũng nhấn mạnh Syria tổ chức các cuộc bầu cử tự do và công bằng dưới hiến pháp mới, dự kiến diễn ra trong vòng 18 tháng.

Ông Sharaa nhấn mạnh “tầm quan trọng của sự hợp tác nhanh chóng và hiệu quả để giải quyết các vấn đề của người dân Syria, đồng thời cần tập trung thống nhất lãnh thổ, tái thiết đất nước và đạt được sự phát triển kinh tế”, theo tuyên bố của phía Syria.

Ông Sharaa cũng lưu ý sự “thận trọng và chính xác trong các giai đoạn chuyển tiếp và việc tái cơ cấu các thể chế, nhằm xây dựng một hệ thống mạnh mẽ và hiệu quả”. Tuyên bố cũng nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tạo ra một môi trường an toàn để những người tị nạn có thể trở về, cũng như những hỗ trợ chính trị và kinh tế để thực hiện điều này.

Lãnh đạo Sharaa khẳng định rằng các bước đi này cần được thực hiện với sự cẩn trọng tối đa và độ chính xác cao, không vội vã, dưới sự giám sát của các đội ngũ chuyên môn, nhằm đạt được kết quả tốt nhất”, tuyên bố của phía Syria cho biết.

Trưởng ban chính sách đối ngoại của Liên minh châu Âu (EU), bà Kaja Kallas, vào hôm thứ Hai (16/12) cho biết bà đã chỉ đạo nhà ngoại giao hàng đầu của liên minh châu Âu phụ trách về Syria đến thủ đô Damascus để thiết lập một kênh liên lạc với chính quyền mới.

Điện Kremlin cũng tuyên bố vào hôm thứ Hai (16/12) rằng Moskva vẫn chưa đưa ra bất kỳ quyết định cuối cùng nào về số phận các căn cứ quân sự của Nga tại Syria, đồng thời chính thức xác nhận rằng Nga đang liên lạc trực tiếp với những người đang nắm quyền tại quốc gia này.

Bốn quan chức Syria tiết lộ với tờ Reuters vào cuối tuần rằng Nga đang tiến hành rút quân khỏi các khu vực tiền tuyến tại miền Bắc Syria cũng như một số trạm kiểm soát ở dãy núi Alawite, nhưng không rút khỏi hai căn cứ chính của Nga tại Syria sau khi chính quyền Assad sụp đổ.