Dior gia nhập nhóm “xin lỗi Trung Quốc” cùng Versace, Coach, Calvin Klein…
- Xuân Thành
- •
Nhãn thời trang cao cấp Dior của Pháp hôm thứ Năm (17/10) đã trở thành thương hiệu quốc tế mới nhất phải chấp nhận “quỳ gối” trước sức mạnh kim tiền của chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ). Dior đã phải lên tiếng xin lỗi và tuyên bố ủng hộ toàn vẹn lãnh thổ Trung Quốc sau khi nhãn hàng này bị chỉ trích vì sử dụng bản đồ Trung Quốc không bao gồm Đài Loan trong một buổi thuyết trình tuyển dụng tại Trung Quốc.
Đài Loan là vấn đề lãnh thổ nhạy cảm nhất đối với Trung Quốc. Chế độ Bắc Kinh luôn xem hòn đảo dân chủ, tự trị này là tỉnh ngoài khơi xa và là một phần của cái gọi là nguyên tắc “một Trung Quốc”.
Reuters dẫn từ một bài đăng trên mạng xã hội Weibo cho biết vụ việc Dior lên tiếng xin lỗi Trung Quốc xảy ra khi trong một bài thuyết trình về chuỗi cửa hàng này trong đợt tuyển dụng tại Đại học Chiết Giang, thành phố Hàng Châu hôm thứ Tư (16/10), người thuyết trình của Dior đã sử dụng bản đồ Trung Quốc mà không bao gồm đảo Đài Loan.
Dior, nhãn hàng thuộc tập đoàn thời trang cao cấp LVMH, đã đăng lên tài khoản Weibo của mình nói rằng họ đã bắt đầu “điều tra nghiêm túc” về sự cố hôm 16/10.
“Trước tiên, Dior xin gửi lời xin lỗi sâu sắc của chúng tôi về tuyên bố không chính xác và sai lệnh do nhân viên của Dior đưa ra tại một buổi thuyết trình tại trường học,” công ty này viết trên Weibo, nhưng không cung cấp thông tin chi tiết về sự kiện.
“Dior luôn tôn trọng và duy trì nguyên tắc một Trung Quốc, bảo vệ nghiêm ngặt chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Trung Quốc, và trân trọng tình cảm của người dân Trung Quốc,” tuyên bố của Dior nhấn mạnh và nói thêm rằng công ty này sẽ có biện pháp phòng ngừa để ngăn chặn những sự cố tương tự xảy ra.
“Tuyên bố Dior” xin lỗi Trung Quốc là nội dung được xem nhiều nhất trên Weibo hôm 17/10 với khoảng 100 triệu lượt. Đây cũng là một trong 10 nội dung được tìm kiếm nhiều nhất trên Weibo.
Dior là công ty quốc tế mới nhất bị dính líu vào các vấn đề chính trị liên quan tới chế độ ĐCSTQ. Bắc Kinh đang ngày càng quyết đoán hơn trong tuyên bố chủ quyền lãnh thổ và phản ứng quyết liệt với các công ty nước ngoài làm ăn kinh doanh tại Trung Quốc khi họ đưa ra các thông tin làm giới cầm quyền Trung Quốc không hài lòng.
Trong vài tháng gần đây, các hãng thời trang nổi tiếng toàn cầu như Versace, Coach, Calvin Klein, Givenchy, ASICS, và Swarovski đều gặp rắc rối tại Trung Quốc khi họ liệt kê Hồng Kông, Ma Cao và Đài Loan là những quốc gia hoặc vùng lãnh thổ độc lập – không là một phần của Trung Quốc – trên trang web chính thức của họ hoặc in trên sản phẩm thời trang của họ. Điểm chung là sau đó, các công ty này đều phải lên tiếng nhận sai và xin lỗi nhà cầm quyền Bắc Kinh.
Hồi tháng Tám, hãng thời trang cao cấp Versace của Ý đã phải lên tiếng xin lỗi sau khi một hình ảnh trên một trong những chiếc áo thun của hãng này xuất hiện nội dung ám chỉ Hồng Kông và Mau Cao là các lãnh thổ độc lập.
Sau khi chịu sự chỉ trích mạnh mẽ từ cộng đồng mạng xã hội tại Trung Quốc, Versace đã nói họ đã mắc sai lầm và dừng bán mặt hàng có nội dung không đúng đó.
“Công ty xin lỗi về thiết kế sản phẩm của mình và đã thu hồi áo thun được sản xuất vào tháng Bảy. Thương hiệu chấp nhận trách nhiệm và đang tìm các biện pháp để cải thiện cách mà chúng tôi hoạt động hàng ngày để trở nên có ý thức và nhận thức hơn,” Versace viết trên Twitter hôm 11/8.
Trong một tuyên bố khác bằng tiếng Trung trên Weibo, Versace nói: “Chúng tôi xin lỗi về tranh cãi này. Chúng tôi yêu Trung Quốc và tôn trọng chủ quyền của quốc gia lãnh thổ Trung Quốc.”
Sự cố trên cũng đã dẫn tới Đại sứ thương hiệu của Versace tại Trung Quốc Yang Mi – một diễn viên nổi tiếng, tuyên bố cắt đứt hợp tác với hãng thời trang Ý.
“Toàn vẹn lãnh thổ và chủ quyền của Trung Quốc là thiêng liêng và bất khả xâm phạm mọi lúc,” cô Yang Mi tuyên bố.
Chỉ một ngày sau sự vụ của Versace, các hãng thời trang cao cấp khác là Coach của Mỹ và Givenchy của Pháp cũng phải xin lỗi chính quyền và người tiêu dùng Trung Quốc vì liên quan tới những chiếc áo thun bị cho là có nội dung không phản ánh đúng chính sách “một Trung Quốc”.
Theo CNN, cả hai thiết kế áo thun của Coach và Givenchy đều bỏ qua việc xác định Hồng Kông là một phần của Trung Quốc, trong khi dường như ngụ ý rằng Đài Loan là một quốc gia độc lập.
Đại sứ thương hiệu Coach tại Trung Quốc Liu Wen – một người mẫu, tuyên bố trên Weibo rằng cô đã chấm dứt hợp đồng với Coach vì áo thun của công ty này xếp Đài Loan là một quốc gia.
“Tôi xin lỗi mọi người cho những tổn thất mà tôi gây ra vì sự thiếu cẩn trọng trong việc lựa chọn thương hiệu của tôi!” cô Liu Wen nói trên Weibo và nhận được hàng trăm nghìn lượt thích từ cư dân mạng Trung Quốc.
Coach đã phát đi tuyên bố trên các kênh Twitter và Instagram chính thức của hãng này nói rằng: “Chúng tôi nhận thức đầy đủ về tính nghiêm trọng của lỗi này và hối tiếc sâu sắc về điều đó… Coach cam kết cho sự phát triển lâu dài tại Trung Quốc và chúng tôi tôn trọng cảm xúc của người dân Trung Quốc.”
Tiếp bước Coach, thương hiệu Pháp Givenchy cũng đã đăng lên Weibo tuyên bố rằng họ “phải sửa sai và thực hiện các biện pháp phòng ngừa ngay lập tức để ngăn chặn bất kỳ sơ suất và sai lầm nào do con người gây ra”.
“Thương hiệu Givenchy luôn tôn trọng chủ quyền của Trung Quốc và cực kỳ tuân thủ nguyên tắc một Trung Quốc,” tuyên bố của Givenchy nói thêm.
Chưa đầy 24 giờ sau lời xin lỗi của Versace, cư dân mạng Trung Quôc tiếp tục tố ASICS, Samsung, Calvin Klein, Swarovski và Fresh vi phạm nguyên tắc “một Trung Quốc”.
Tất cả các công ty kể trên đều đã phát hành tuyên bố xin lỗi trên Weibo trong hai ngày 12 và 13/8, tái khẳng định sự tôn trọng của họ đối với chủ quyền của Trung Quốc.
Những lời xin lỗi này đã nhận được nhiều sự chú ý trên mạng – chỉ riêng từ khóa nóng “#SwarovskiApologizes” đã nhận được hơn 730 triệu lượt xem trên Weibo.
Với rất nhiều tuyên bố xin lỗi trên khắp các phương tiện truyền thông xã hội, một số cư dân mạng Trung Quốc đã so sánh hài hước rằng đây là “ngày xin lỗi quốc tế“.
Gần đây hơn, giải bóng rổ nhà nghề Mỹ NBA cũng đã phải xin lỗi chế độ Trung Quốc vì phát ngôn ủng hộ biểu tình Hồng Kông của ông chủ một câu lạc bộ thuộc NBA.
Trước NBA, có rất nhiều công ty Mỹ khác cũng đã phải cúi đầu trước áp lực của Bắc Kinh để đặt được chân vào thị trường tiêu dùng tỷ dân này. Hồi tháng Sáu, Nike đã thu hồi một bộ sưu tập giày thể thao ở Trung Quốc sau khi hãng thiết kế Undercover đăng một bức ảnh ủng hộ người biểu tình Hồng Kông trên Instagram.
Hãng trang sức đá quý Tiffany đã phải xin lỗi vì đăng lên Twitter một hình ảnh quảng cáo mà người Trung Quốc xem là ủng hộ người biểu tình Hồng Kông: Cô gái che mắt phải. Hành động che mắt phải đã trở thành biểu tượng của người Hồng Kông chống lại bạo lực cảnh sát sau khi một người biểu tình ở thành phố này bị cảnh sát bắn hỏng mắt.
Năm ngoái, hãng bán lẻ Gap của Mỹ đã xin lỗi vì bán áo phông trên đó có bản đồ Trung Quốc mà chế độ Bắc Kinh cho là “bản đồ không chính xác”.
Theo BBC, chiếc áo phông mà Gap bán in hình bản đồ Trung Quốc chỉ có phần lãnh thổ Đại Lục, không có các lãnh thổ khác mà chế độ Bắc Kinh cũng yêu sách chủ quyền như Đài Loan và “đường lưỡi bò” trên Biển Đông.
Cũng trong năm 2018, hãng thời trang Dolce & Gabbana của Ý đã gặp phải làn sóng tẩy chạy mạnh mẽ tại Trung Quốc khi hãng này phát hành video quảng cáo cho một chương trình thời trang của hãng tại Trung Quốc và bị nhiều người Trung Quốc gắn nhãn là phân biệt chủng tộc.
Nhà thiết kế Stefano Gabbana của Dolce & Gabbana phải đưa ra tuyên bố xin lỗi: “Chúng tôi phải xin lỗi vì những sai lầm đã gây ra. Chúng tôi sẽ không bao giờ quên đi những trải nghiệm và bài học từ sự việc lần này, sẽ không bao giờ xảy ra nữa. Chúng tôi sẽ cố gắng để hiểu và tôn trọng văn hóa Trung Quốc.”
Hãng xe nổi tiếng Mercedes của Đức, năm 2018, cũng bị cư dân mạng Trung Quốc chỉ trích vì công ty này dẫn lời của Đức Đạt Lai Lạt Ma trên một bài đăng ở tài khoản Instagram. Mercedes sau đó cũng buộc phải đưa ra lời xin lỗi.
Trong cùng năm 2018, nhiều công ty quốc tế khác, trong đó có Marriott và Delta Airlines đã phải phát tuyên bố xin lỗi sau khi họ đăng thông tin trên trang web chính thức của công ty này nội dung bị coi là xung đột với các yêu sách chủ quyền của Trung Quốc.
Chế độ Bắc Kinh trước đó đã yêu cầu hàng loạt các hãng hàng không nước ngoài phải tôn trọng tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc và phải thay đổi cách mà họ đề cập tới Đài Loan, Hồng Kông và Ma Cao, không được liệt kê các khu vực này độc lập khỏi Trung Quốc.
Vào năm 2016, một phim quảng cáo của công ty giày dép Mỹ K-Swiss cũng đã gây ra sự phẫn nộ trên truyền thông xã hội Trung Quốc vì đoạn phim này được cho là mô tả một nhân vật Trung Quốc theo cách mà nhiều người gọi là “xỉ nhục” Trung Quốc.
Làn sóng “xin lỗi” Trung Quốc phổ biến tới mức một nhà hoạt động dân chủ Đài Loan có tên Wang Yikai năm 2016 đã tổ chức một cuộc thi “Xin lỗi Trung Quốc” đầy tính châm biếm.
Một nhóm Hồng Kông đã chiến thắng cuộc thi này với bài nhạc chế từ bài “Sorry Sorry” của nhóm nhạc Hàn Quốc – Super Junior. Nhóm Hồng Kông hát lời chế có đoạn: “Xin lỗi vì không yêu Trung Quốc đủ, xin lỗi vì không sở hữu điện thoại thông minh sản xuất tại Trung Quốc”.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện Dior xin lỗi Trung Quốc ĐCSTQ Kiểm duyệt