Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ cho biết việc tiêm liều vắc-xin bổ sung hàng năm là điều không thể đoán trước được, và rằng liều thứ 3 có thể tăng cường đầy đủ khả năng bảo vệ lâu dài của vắc-xin Pfizer hoặc Moderna.

vắc-xin
Bà Rochelle Walensky, giám đốc CDC Mỹ. (Ảnh: Wikimedia/CC0 1.0)

Khi được hỏi về sự cần thiết của việc sử dụng liều bổ sung hàng năm, Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc CDC Mỹ, nói rằng: “Tôi không muốn nói là không bao giờ có chuyện này, nhưng chúng tôi không đoán trước được bạn sẽ cần tiêm liều bổ sung hàng năm hay không”.

“Có vẻ như sau khi tiêm liều thứ 3 này, bạn sẽ nhận được phản ứng thực sự mạnh mẽ, và vì vậy chúng tôi sẽ tiếp tục tuân theo khoa học cả về khía cạnh vắc-xin và virus”, bà nói trong một cuộc phỏng vấn với CBS News vào hôm 19/8 vừa qua.

Ngày 18/8, bà Walensky và các giám đốc cơ quan y tế liên bang khác cho biết trong một cuộc họp báo chung rằng họ sẽ khuyến nghị việc tiêm liều bổ sung 8 tháng sau khi tiêm liều vắc-xin COVID-19 (theo công nghệ mRNA) thứ 2, bắt đầu từ ngày 20/9 tới đây. CDC và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ hiện vẫn chưa cho phép việc tiêm các liều bổ sung.

Trong cuộc phỏng vấn với CBS, bà Walensky nói rằng “một số nghiên cứu” cho thấy vắc-xin do Pfizer và Moderna sản xuất đã sụt giảm hiệu quả theo thời gian đối với biến thể Delta.

“Chúng tôi cũng đã hợp tác và thảo luận với các đồng nghiệp quốc tế của mình và họ bắt đầu thấy được tình trạng nhiễm bệnh ngày càng trầm trọng hơn ở những người mắc bệnh dù đã tiêm chủng”, cô nói.

Bà Walensky đã đề cập đến 3 nghiên cứu khác nhau được công bố vào ngày 18/8 trên trang web của CDC, trong đó có một nghiên cứu do Nhóm Phản ứng với COVID-19 của CDC và Nhóm Tư vấn Lantana có trụ sở tại Vermont thực hiện. Kết quả nghiên cứu cho thấy hiệu quả của vắc-xin sử dụng công nghệ mRNA giảm mạnh xuống còn khoảng 53% vào tháng 7, giảm khoảng 22% so với tháng 5.

Bên trong nội bộ nước Mỹ, một số chuyên gia đã đặt câu hỏi về dữ liệu của CDC.

“Thông điệp mà tôi nhận được khi đọc cả 3 [nghiên cứu] là khả năng chống lại tình trạng nhiễm bệnh của vắc-xin trước biến thể Delta trong các viện dưỡng lão bị sụt giảm, nhưng không có dữ liệu cho thấy sự sụt giảm khả năng bảo vệ trước bệnh nặng hoặc nhập viện”, Tiến sĩ Walid Gellad, giáo sư y khoa tại Trường Y Đại học Pittsburgh cho hay.

Các đề xuất gần đây của Mỹ liên quan đến việc cung cấp các liều vắc-xin bổ sung hiện đang bị một số chuyên gia y tế gắn cờ (flag) là hành vi phi đạo đức và vội vàng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), các quốc gia giàu có như Mỹ nên ưu tiên tặng vắc-xin cho các nước nghèo hơn.

Bên cạnh đó, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã cáo buộc CDC và FDA thúc đẩy việc tiêm liều bổ sung để tăng lợi nhuận cho các công ty dược phẩm.

Trong khi đó, Dân biểu Thomas Massie (đảng Cộng hòa, tiểu bang Kentucky) cho hay rằng FDA và CDC đang lừa dối công chúng.

“Mới tháng trước, CDC và FDA nói rằng không cần tiêm liều bổ sung. Vào thời điểm đó, họ lo lắng rằng sự thật về hiệu quả của vắc-xin trong dài hạn sẽ gây ra ‘tình trạng do dự tiêm vắc-xin’. Họ đã bỏ qua dữ liệu công bố rộng rãi từ các nhà sản xuất dược phẩm rằng hiệu quả của vắc-xin đã sụt giảm đáng kể”.

Đầu năm 2021, Giám đốc điều hành của Pfizer, Albert Bourla, cho biết có khả năng mọi người sẽ phải tiêm liều bổ sung 12 tháng/lần, tương tự như tiêm phòng cúm hàng năm. Phát biểu của ông đã vấp phải sự phản đối từ các quan chức Nhà Trắng tại thời điểm đó.

Trong một cuộc phỏng vấn với ABC News được phát sóng vào hôm 19/8, Tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết rằng cả ông và Đệ nhất phu nhân Jill Biden sẽ tiêm liều bổ sung.

Theo The Epoch Times,

Phan Anh

Xem thêm: