Giám đốc CDC Mỹ: Có bằng chứng cho thấy hiệu quả vắc-xin COVID-19 sụt giảm theo thời gian
- Phan Anh
- •
Tiến sĩ Rochelle Walensky, Giám đốc Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh (CDC) Mỹ, cho biết dữ liệu có nguồn gốc từ Israel cho thấy hiệu quả của vắc-xin COVID-19 đã sụt giảm ở những người đã tiêm liều trước đó.
Hôm 18/8 vừa qua, sau khi trích dẫn 3 nghiên cứu được công bố bởi Báo cáo hàng tuần về Bệnh tật và Tử vong của CDC, bà Walensky cho biết rằng hiệu quả của vắc-xin giảm dần theo thời gian trong việc ngăn ngừa tình trạng lây nhiễm. Mặc dù khả năng bảo vệ khỏi tử vong và nhập viện đang “được duy trì tốt”, nhưng hiệu quả của vắc-xin COVID-19 trong việc ngăn ngừa bệnh nặng hoặc tử vong đang trở nên “suy yếu”.
“Mặc dù vắc-xin đang làm tốt việc ngăn ngừa tình trạng nhập viện, chúng tôi đang nhìn thấy bằng chứng liên quan chỉ ra hiệu quả sụt giảm của vắc-xin trong việc chống lại biến thể Delta”, bà Walensky phát biểu tại một cuộc họp báo, trong đó giải thích lý do vì sao mà các quan chức liên bang hiện đang khuyến nghị tiêm liều vắc-xin bổ sung cho người Mỹ 8 tháng sau khi tiêm các loại của hãng Pfizer hoặc Moderna.
Đây là 2 loại vắc-xin được sử dụng rộng rãi nhất ở Mỹ, đạt hiệu quả tương ứng là 95% và 94,1% khi được cấp phép sử dụng khẩn cấp vào tháng 12/2020. Tuy nhiên, hiệu quả chống lại virus corona của cả 2 loại vắc-xin này đã giảm xuống còn 53,1%, theo một trong 3 nghiên cứu nêu trên.
Các nhà nghiên cứu thuộc Nhóm Ứng phó COVID-19 của CDC và Nhóm tư vấn Lantana có trụ sở tại Vermont đã phát hiện ra rằng 2 liều vắc-xin dựa trên công nghệ mRNA đạt hiệu quả khoảng 75% trong việc ngăn ngừa COVID-19 ở các cư dân tại viện dưỡng lão từ tháng 3 đến tháng 5. Tuy nhiên, trong tháng 6 và tháng 7, con số này đã giảm xuống 22%.
“Vì cư dân trong viện dưỡng lão có thể vẫn có một số nguy cơ nhiễm virus corona (virus Trung Cộng) dù đã tiêm chủng, vậy nên, các chiến lược phòng ngừa COVID-19, bao gồm kiểm soát việc lây lan, xét nghiệm và tiêm chủng cho các nhân viên, cư dân và khách tới viện dưỡng lão, là điều rất quan trọng”, theo các nhà nghiên cứu, những người phân tích dữ liệu hàng tuần từ Trung tâm Medicaid và Medicare.
Một nghiên cứu khác đã phân tích hiệu quả của vắc-xin được điều chỉnh theo độ tuổi ở Thành phố New York trong khoảng thời gian từ ngày 3/5 đến ngày 25/7. Các nhà nghiên cứu cùng với Bộ Y tế Tiểu bang New York và Trường Đại học Y tế Công cộng Albany đã phát hiện ra rằng hiệu quả chống lây nhiễm cho người lớn giảm từ 91,7% xuống 79,8%. Họ cũng nói rằng thông số này có được từ 4 cơ sở dữ liệu, bao gồm Cơ quan Đăng ký Tiêm chủng Toàn thành phố, trong đó cho thấy hiệu quả của vắc-xin chống lại tình trạng nhập viện là “tương đối ổn định”, dao động từ 91,9% đến 95,3%.
Các nhà nghiên cứu cho biết: “Những yếu tố thúc đẩy sự thay đổi rõ ràng trong hiệu quả vắc-xin, bao gồm sự thay đổi theo độ tuổi, là điều không chắc chắn”.
Các yếu tố có thể xảy ra bao gồm biến thể Delta khiến cho tải lượng virus cao hơn, cùng với các thử nghiệm lâm sàng được sử dụng để cấp phép khẩn cấp được tiến hành trước khi các biến thể xuất hiện.
Nghiên cứu thứ 3 đánh giá 1.129 bệnh nhân đã tiêm chủng đầy đủ tại 21 bệnh viện trên 18 tiểu bang.
Các nhà nghiên cứu, bao gồm các nhà khoa học đến từ Đại học Iowa, Đại học Michigan và Đại học Washington, cho biết hiệu quả của vắc-xin Pfizer và Moderna đối với việc nhập viện giảm xuống 84% trong khoảng thời gian từ 13 đến 24 tuần sau khi tiêm chủng từ 86% trong khoảng thời gian từ 2 đến 12 tuần sau khi tiêm vắc-xin.
Bà Walensky cho rằng nếu không tiêm các liều bổ sung, thì những người đã tiêm vắc-xin COVID-19 sẽ bị “nhiễm bệnh nặng hơn theo thời gian”.
Sau phát hiện của CDC, bà Walensky nói rằng “chúng tôi đang lên kế hoạch để người Mỹ được tiêm các liều bổ sung bắt đầu từ tháng tới”, đồng thời cho biết thêm rằng sáng kiến của CDC được thực hiện nhằm “đón đầu loại virus này”.
Do đó, các liều bổ sung của hãng Pfizer và Moderna có thể sẽ được phân phối bắt đầu từ khoảng 20/9, theo Điều phối viên ứng phó COVID-19 của Nhà Trắng Jeff Zient và Tiến sĩ, Tổng Y sĩ Vivek Murthy, nói với các phóng viên trong cuộc họp báo. Tuy nhiên, kế hoạch của họ phụ thuộc vào việc CDC và Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm (FDA) Mỹ có cho phép việc tiêm liều bổ sung hay không.
Tuần trước, Ban cố vấn của CDC đã khuyến nghị tiêm các liều bổ sung cho những người bị suy giảm miễn dịch, một ngày sau khi các cơ quan quản lý dược phẩm cấp giấy phép sử dụng khẩn cấp đối với liều thứ 3 cho người dân.
Một số nhà khoa học bên ngoài đã bày tỏ lo ngại trước động thái này, khi cho rằng điều đó có thể ngăn cản nỗ lực đưa vắc-xin đến các quốc gia đang phát triển.
“Tôi thực sự thất vọng. Quyết định này là không chính đáng khi nhìn vào dữ liệu. Chúng ta sẽ sử dụng hết hàng triệu liều để giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh ở mức độ nhẹ với những người được bảo vệ hoàn toàn trước nguy cơ nhỏ phải nhập viện, trong khi hầu hết thế giới đang chờ đợi để tiêm liều đầu tiên”, Tiến sĩ Muge Cevik, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm tại Trường Y Đại học St Andrews, cho biết.
“Thông điệp mà tôi nhận được sau khi đọc cả 3 [nghiên cứu] là khả năng chống lại tình trạng nhiễm bệnh của vắc-xin trước biến thể delta trong các viện dưỡng lão bị sụt giảm, nhưng không có dữ liệu nào cho thấy sự sụt giảm khả năng bảo vệ trước bệnh nặng hoặc nhập viện”, Tiến sĩ Walid Gellad, giáo sư y khoa tại Trường Y Đại học Pittsburgh, cho hay.
Nhiều tuần trước, CDC và FDA đã nói rằng người dân “không cần tiêm liều bổ sung vào thời điểm này”, trái ngược với khuyến nghị của Pfizer.
Tuần trước, giám đốc CDC đã nói với tờ Wall Street Journal rằng bà đang “thực sự gặp khó khăn” trong việc truyền đạt những phát hiện và khuyến nghị của CDC tới công chúng tại Mỹ.
Các quan chức của Pfizer và Moderna đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận về tuyên bố của bà Walensky.
Theo The Epoch Times,
Phan Anh
Xem thêm:
Từ khóa CDC Mỹ Tiêm vắc-xin COVID-19