Hàn Quốc lo lắng trước nạn trứng độc và băng vệ sinh nhiễm độc
- Minh Ngọc
- •
Gần đây, sự kiện trứng nhiễm độc và băng vệ sinh chứa chất độc hại nối tiếp nhau xuất hiện khiến người dân Hàn Quốc lo ngại mà cảm thán rằng: Biết ăn trứng gì bây giờ? Biết dùng băng vệ sinh nào đây?
“Trứng sạch” bị phát hiện có chứa dư lượng thuốc trừ sâu
Ngày 14/7, lần đầu tiên trứng nhiễm fipronil được phát hiện tại trang trại Namyangju, tỉnh Gyeonggi, phía Đông thủ đô Seoul. Trang trại này mỗi ngày sản xuất 25.000 quả trứng. Ngay sau đó giới chức Hàn Quốc đã phong tỏa các trang trại trong khu vực có trứng nhiễm độc, tăng cường quản lý và kiểm tra chất lượng trứng.
Đến ngày 22/8, Bộ Nông nghiệp, Thực phẩm và Nông thôn Hàn Quốc thông báo hoàn tất kiểm tra 1.155 trang trại nuôi gà và các cơ sở liên quan. Theo đó, có 52 trang trại phát hiện có trứng bị nhiễm độc, trong đó có 34 điểm bị phát hiện sử dụng vượt mức cho phép bifenthrin, một loại thuốc trừ sâu dùng cho cây trồng nông nghiệp, trong khi số còn lại thì có sử dụng fipronil. Fipronil dùng trị rận, bọ chét và ve trong thú vật và có thể phá hủy thận và gan nếu vào cơ thể con người. EU đã cấm sử dụng chất này trong động vật liên quan đến cung cấp thức ăn cho người.
Đến ngày 13/9, một cơ sở sản xuất trứng sạch ở tỉnh Gyeonggi tiếp tục bị phát hiện có trứng chứa hàm lượng thuốc trừ sâu vượt quá tiêu chuẩn cho phép. Chính phủ Hàn Quốc hiện đã ban hành lệnh thu hồi và tiêu hủy toàn bộ số trứng này.
Trứng nhiễm độc không ngừng xuất hiện khiến người dân Hàn Quốc không dám mua trứng, doanh số bán trứng cũng giảm đi đáng kể. Nhiều hệ thống siêu thị đã loại bỏ trứng cũng như nhiều loại thực phẩm chế biến từ trứng khỏi kệ hàng. Người dân thì hết sức lo lắng xem nên mua loại trứng nào để ăn.
Chính phủ Hàn Quốc kiểm tra phát hiện “băng vệ sinh nhiễm độc” – Người dân tìm sản phẩm thay thế
Không chỉ trứng nhiễm độc, mới đây, nhãn hiệu băng vệ sinh Lillian nổi tiếng của Hàn Quốc bị phát hiện nhiễm độc. Tiếp sau đó, một nhóm nghiên cứu tại Đại học Quốc gia Kangwon đã tiết lộ thêm 9 thương hiệu băng vệ sinh khác cũng có chứa chất độc. Kết quả này đã dẫn đến một cuộc tranh cãi gay gắt.
Nhóm nghiên cứu Đại học Kangwwon bị nghi ngờ là cố tình khiến nhiều hãng sản xuất băng vệ sinh bị hoài nghi nhiễm độc, nhằm mở đường quảng bá cho một nhãn hiệu mà họ muốn kiểm soát thị trường. Mới đây nhất, chính phủ Hàn Quốc cũng tuyên bố nghiên cứu của Đại học Kangwwon là không đáng tin cậy, và họ sẽ tiến hành điều tra lại tất cả các nhà sản xuất băng vệ sinh, dự kiến công bố kết quả vào khoảng cuối tháng 9 này.
Vậy trong thời gian này nên sử dụng loại băng vệ sinh nào? Gần đây theo công ty điều tra PMI khảo sát 2.410 phụ nữ trong độ tuổi 20-50, kết quả cho thấy, 90,8% người rất lo lắng hoặc khá lo lắng về sự an toàn của băng vệ sinh. Trong số này, hơn một nửa (57,2%) đang cố gắng tìm mua băng vệ sinh nhãn hiệu khác hoặc giả phương pháp thay thế khác cho những loại băng vệ sinh Hàn Quốc đang trong vòng nghi vấn.
Trong số những sản phẩm được sử dụng để thay thế, 51,8% chọn dùng băng vệ sinh Hàn Quốc, 30,5% lựa chọn nhãn hiệu băng vệ sinh nước ngoài và 20,7% chọn cốc nguyệt san (lincup). Những người lớn tuổi hơn có xu hướng dùng băng vệ sinh thay thế, trong khi những người trẻ lại có xu hướng sử dụng cốc nguyệt san.
Hiện tại, theo tòa án Hàn Quốc, tính đến ngày 11/9, “Đã có 4.611 phụ nữ Hàn Quốc đệ đơn tố cáo nhãn hiệu giấy Lillian và nhà sản xuất sản phẩm này. Còn vài trăm người khác cũng chuẩn bị gửi đơn kiện, đưa tổng số đơn kiện lên đến con số 5.000.”
Minh Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa Hàn Quốc Băng vệ sinh nhiệm độc Trứng độc