Xếp hạng Tự do Con người Toàn cầu của Hồng Kông đã giảm mạnh xuống vị trí thứ 46, theo một nghiên cứu gần đây của Viện Fraser.

hong kong 1 quoc gia 2 che do
Ảnh minh hoạ: Pixabay (Public Domain)

Báo cáo Chỉ số Tự do Con người năm 2023, được thực hiện với sự cộng tác của Viện Cato có trụ sở tại Hoa Kỳ, nhấn mạnh sự tụt dốc của Hồng Kông so với vị thế trước đây. Đặc khu kinh tế từng là là khu vực tài phán tự do thứ ba trên toàn thế giới vào năm 2010, vị trí được xác định bởi các tổ chức tư vấn. Nghiên cứu cho rằng sự sụt giảm trên là do những hạn chế ngày càng tăng do chính quyền Trung Quốc áp đặt lên Hồng Kông.

Ảnh hưởng của chính quyền cộng sản Trung Quốc được nhấn mạnh trong báo cáo. Báo cáo cũng lưu ý rằng Trung Quốc đang xếp hạng thứ 149 trong số 165 khu vực pháp lý được đánh giá trên toàn cầu trong năm nay.

“Tự do đã bị suy giảm nhanh chóng ở Hồng Kông, nhưng việc rơi vào tình trạng áp bức bi thảm mang đến những bài học quan trọng về giá trị của tự do”, đồng tác giả của báo cáo ông Fred McMahon, thành viên thường trực của Viện Fraser, cho biết trong một thông cáo báo chí ngày 19 tháng 12.

  • Mời quý vị xem video: “Một quốc gia hai chế độ”: Cuộc lật lọng kéo dài hơn 20 năm

Kiểm soát chặt chẽ

Hồng Kông, thuộc địa cũ của Anh được chỉ định là một trong những đặc khu hành chính của Trung Quốc kể từ khi được trả lại chủ quyền cho Trung Quốc vào năm 1997. Ban đầu Hồng Kông được hưởng quyền tự trị tương đối, có hệ thống hành chính và pháp lý riêng biệt so với phần còn lại của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, Bắc Kinh đã thắt chặt kiểm soát, đặc biệt được đánh dấu bằng việc đưa ra Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông vào tháng 6/2020.

Luật này được ban hành trong bối cảnh một phong trào ủng hộ dân chủ lớn bắt đầu vào năm 2019. Luật quy định các tội danh cụ thể như ly khai, lật đổ quyền lực nhà nước và thông đồng với các thế lực nước ngoài. Nhiều người nhìn nhận đây là phương tiện hạn chế quyền tự do ngôn luận và hạn chế thúc đẩy dân chủ ở Hồng Kông. Kể từ khi ban hành, chính quyền đã đóng cửa các cơ quan truyền thông trung thực và bắt giữ hàng trăm nhân vật ủng hộ dân chủ.

Chỉ số Viện Fraser đo lường quyền tự do con người dựa trên hàng chục số liệu, bao gồm pháp quyền, an toàn, an ninh cũng như quyền tự do đi lại, ngôn luận, hội họp và tôn giáo. Các số liệu này được đánh giá cùng với tự do kinh tế, thể hiện ở việc khả năng các cá nhân đưa ra quyết định kinh tế của riêng mình.

Tổ chức nghiên cứu có trụ sở tại Toronto đã báo cáo rằng từ năm 2019 đến năm 2021 (năm gần nhất của dữ liệu có sẵn) 89,8% dân số thế giới đã trải qua sự suy giảm quyền tự do. Báo cáo cho biết, tại Hồng Kông, sự sụt giảm thể hiện rõ rệt nhất trong các lĩnh vực pháp quyền, tự do ngôn luận, tự do lập hội và hội họp, báo cáo nêu rõ.

“Sự đàn áp ở Hồng Kông tiếp tục gia tăng khi việc bỏ tù các nhà báo và những người ủng hộ tự do ngày càng gia tăng, lệnh bắt giữ được ban hành đối với các nhà hoạt động lưu vong để dập tắt những người bất đồng chính kiến ở nước ngoài”, đồng tác giả báo cáo ông Ian Vásquez, phó chủ tịch Viện Cato phụ trách nghiên cứu quốc tế, cho biết trong thông cáo báo chí.

Vào ngày 14 tháng 12, cảnh sát Hồng Kông đã ban hành lệnh bắt giữ 5 nhà hoạt động, trong đó có một công dân Hoa Kỳ và một cư dân Hoa Kỳ,  cảnh sát cáo buộc họ vi phạm Luật An ninh Quốc gia của thành phố. Cả năm người hiện đang cư trú bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, bao gồm cả ở Hoa Kỳ và Vương quốc Anh. Cảnh sát Hồng Kông đang treo thưởng trị giá 1 triệu đô la Hồng Kông (khoảng 171.000 đô la Canada) cho thông tin về mỗi người.

Trước đó vào tháng Bảy, cảnh sát Hồng Kông đã ban hành lệnh truy nã và tiền thưởng cho thông tin về 8 nhà hoạt động ủng hộ dân chủ đang sống lưu vong, trong đó có ông Dennis Kwok, một cựu chính trị gia Hồng Kông sinh ra ở Canada.

Các nghị sĩ Canada, bao gồm Ông Michael Chong – thành viên phe bảo thủ đối lập Canada đã lên án chính quyền Hồng Kông vì mở rộng hành vi đe dọa các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ đã trốn ra nước ngoài. Điều này bao gồm việc ban hành lệnh bắt giữ và treo tiền thưởng cho thông tin của họ.

“Những người bảo thủ lên án nỗ lực của chính phủ Hồng Kông vì đe dọa những cá nhân sống trong các nền dân chủ đang đấu tranh cho nhân quyền và dân chủ, gồm cả những người đến từ Canada”, ông Chong viết trong một bài đăng ngày 16/12 trên mạng xã hội X.

Các nghị sĩ thống nhất thông qua kiến nghị vào ngày 12 tháng 12 kêu gọi trả tự do cho ông Lê Trí Anh (Jimmy Lai), một nhà vận động ủng hộ dân chủ và là người sáng lập tờ báo Apply Daily. Ông Lê, 76 tuổi, bị đưa ra xét xử ở Hồng Kông vào ngày 18/12, phiên tòa dự kiến kéo dài 80 ngày. Ông bị buộc tội “thông đồng” với các thế lực nước ngoài và tham gia vào âm mưu xuất bản các ấn phẩm “nổi loạn” theo luật an ninh quốc gia và luật nổi loạn thời thuộc địa Anh. Tờ báo Apple Daily đã không còn tồn tại vào tháng 6 năm 2021 theo Luật An ninh Quốc gia Hồng Kông.

Bảng xếp hạng toàn cầu

Trong bảng xếp hạng tự do năm nay, các vị trí dẫn đầu thuộc về Thụy Sĩ, New Zealand, Đan Mạch, Ireland, đồng vị trí thứ 5 là Estonia và Thụy Điển. Năm quốc gia có xếp hạng kém tự do nhất, theo thứ tự giảm dần là Iran, Myanmar, Sudan, Yemen và Syria.

Canada nằm ở vị trí thứ 13 trong bảng xếp hạng tự do toàn cầu. Báo cáo cũng nhấn mạnh thứ hạng đáng chú ý trên toàn thế giới của các quốc gia khác: Đài Loan ở vị trí thứ 12, Nhật Bản ở vị trí thứ 16, Vương quốc Anh và Hoa Kỳ đứng ở vị trí thứ 17, Đức ở vị trí thứ 21, Hàn Quốc ở vị trí thứ 28, Pháp ở vị trí thứ 39, Ukraine ở vị trí thứ 83, Mexico ở vị trí thứ 95 và Ấn Độ ở vị trí thứ 109.

Báo cáo lưu ý rằng người dân ở các khu vực pháp lý tự do hơn có xu hướng có cuộc sống thịnh vượng hơn người ở các khu vực pháp lý ít tự do hơn. Ví dụ: thu nhập bình quân đầu người của nhóm khu vực pháp lý hàng đầu trong bảng xếp hạng là 47.421 USD, so với 14.157 USD của nhóm ít tự do nhất vào năm 2021.

Ông Fred McMahon cho biết: “Sự tư do làm tăng sự thịnh vượng và hạnh phúc của con người, đồng thời thúc đẩy sự phát triển của một số khu vực pháp lý, đáng chú ý nhất phải kể đến là Hồng Kông”.

Các đồng tác giả khác của báo cáo là ông Ryan Murphy, phó giáo sư nghiên cứu tại Viện Tự do Kinh tế Bridwell tại Đại học Southern Methodist, và bà Guillermina Sutter Schneider, nhà khoa học dữ liệu, đồng thời là giám đốc nghiên cứu và dự án tại Viện Cato.

Anh Nguyễn, theo ET