Theo các quan chức Israel, khoảng 90% số ca nhiễm COVID-19 mới ở Israel là do biến chủng Ấn Độ của virus corona gây ra. Ngoài ra, khoảng một nửa số người lớn bị nhiễm bệnh trong đợt bùng phát gần đây đã được tiêm chủng đầy đủ.

Embed from Getty Images

(Ảnh minh họa: Getty Images)

Tờ Wall Street Journal đưa tin hôm thứ Sáu (25/6), khi công bố phát hiện về các ca nhiễm COVID-19 mới, ông Ran Balicer, lãnh đạo của hội đồng chuyên gia cố vấn cho chính phủ Israel cho rằng, nước này cuối cùng có thể phải tiến hành một đợt phong tỏa mới sau khi vừa mới mở cửa lại vào đầu năm nay. Những người được tiêm chủng đầy đủ ở Israel đã được tiêm vắc-xin COVID-19 của Pfizer. Đây là loại vắc-xin được sử dụng phổ biến ở Israel.

Khi đề cập đến biến chủng B.1.617.2 của COVID-19 (biến chủng Ấn Độ hay biến chủng Delta), ông Balicer nhấn mạnh: “Sự xuất hiện của biến chủng Delta đã thay đổi mức độ lây nhiễm.” Biến chủng Ấn Độ hiện đã được phát hiện ở hơn 70 quốc gia trên thế giới. 

Các quan chức Israel thông báo, các ca nhiễm virus mới đã tăng hơn 200 ca vào thứ Năm (24/6) so với mức khoảng 10 ca mỗi ngày trong hầu hết tháng 6.

Reuters đưa tin hôm thứ Sáu (25/6), chính quyền Israel đã yêu cầu người dân phải đeo khẩu trang trở lại tại các địa điểm trong nhà.

Bộ Y tế Israel đã áp đặt lệnh đeo khẩu trang tại tất cả địa điểm trong nhà, ngoại trừ nhà ở, đồng thời bộ này cũng khuyến nghị người dân đeo khẩu trang tại các tụ tập lớn ngoài trời, đặc biệt đề cập đến các sự kiện của người đồng tính sẽ diễn ra trên khắp Israel vào cuối tuần này.

Các quan chức cho hay, khoảng 55% trong số 9,3 triệu dân Israel đã được tiêm hai liều vắc-xin Pfizer. Khả năng thích hợp để được tiêm vắc-xin đã được mở rộng cho những người từ 12 đến 15 tuổi vào tháng 5.

Cũng Wall Street Journal, Thủ tướng mới của Israel Naftali Bennett nhấn mạnh: “Mục tiêu của chúng tôi vào lúc này, trước hết là bảo vệ người dân Israel khỏi biến chủng Delta đang hoành hành khắp thế giới.”

Trong bối cảnh các báo cáo về các ca nhiễm bệnh “đột phá” (người bị nhiễm COVID-19 dù đã được tiêm chủng đầy đủ) trong những tuần gần đây được đưa ra, thì việc Israel tái áp đặt yêu cầu đeo khẩu trang và có khả năng sẽ tiến hành một đợt phong tỏa mới chắc chắn sẽ khiến nhiều người đặt nghi vấn về hiệu quả của các loại vắc-xin COVID-19.

Ví dụ, theo các quan chức y tế của tiểu bang Massachusetts thuộc vùng Đông Bắc Hoa Kỳ, gần 4.000 người được tiêm chủng đầy đủ đã có xét nghiệm dương tính với virus corona.

Tờ Boston Herald dẫn lời ông Davidson Hamer, chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Đại học Boston: “Chúng tôi đang biết rằng nhiều ca nhiễm bệnh đột phá không có triệu chứng hoặc họ có triệu chứng nhẹ trong một thời gian ngắn. Tải lượng virus không cao lắm.”

Ông Hamer nhận định: “Các trường hợp nhiễm bệnh đột phá [nhiễm sau khi đã tiêm vắc-xin đầy đủ] đã được dự kiến, và chúng ta cần phải hiểu rõ hơn ai sẽ gặp rủi ro và liệu những người bị nhiễm bệnh đột phá có thể truyền virus sang người khác hay không. Trong một số trường hợp, họ sẽ phát tán một lượng virus thấp như vậy và [do đó] sẽ không truyền sang người khác.”

Hôm 30/4, Trung tâm Kiểm soát và Ngăn ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) thông báo, khoảng 10.626 ca nhiễm bệnh đột phá đã được báo cáo tại 46 tiểu bang và vùng lãnh thổ của nước này.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khẳng định trên trang web của mình, các loại vắc-xin COVID-19 sẽ có hiệu quả chống lại biến chủng Ấn Độ cũng như các biến chủng COVID-19 khác.

Tuy nhiên, cơ quan y tế này của Liên Hợp Quốc lại cảnh báo “những thay đổi hoặc đột biến trong virus sẽ không làm vắc-xin hoàn toàn mất tác dụng”. WHO còn cho biết thêm rằng nếu “vắc-xin chứng tỏ kém hiệu quả hơn đối với một hoặc nhiều biến chủng, thì thành phần của vắc xin có thể sẽ được thay đổi để bảo vệ chống lại các biến chủng này”.

Nhật Minh (T/h)

Xem thêm: