JD Vance: Đan Mạch để Greenland bị “xâm nhập rất hung hăng từ Nga, Trung Quốc và các nước khác”
- Thiên Vân
- •
Vào hôm thứ Sáu (28/3), Phó Tổng thống Hoa Kỳ JD Vance, đệ nhị phu nhân Usha Vance, cố vấn an ninh quốc gia Mike Waltz cùng Bộ trưởng Năng lượng Chris Wright đã tới thăm căn cứ quân sự Pituffik của Hoa Kỳ ở miền bắc Greenland. Trong chuyến công du này, ông Vance đã gặp mặt các thành viên của lực lượng quân đội Hoa Kỳ, cảm ơn họ vì sự phục vụ của họ tại căn cứ quân sự xa xôi nằm cách Vòng Bắc Cực 750 dặm (1.200 km) về phía bắc. Nhiệt độ bên ngoài tại Pituffik là âm 3 độ Fahrenheit (-19 độ C).
Ngoài ra, ông Vance cũng lên tiếng cáo buộc Đan Mạch không bảo đảm an toàn cho Greenland.
Phát biểu với binh sĩ Hoa Kỳ từ Căn cứ Quân sự Pituffik của Hoa Kỳ ở tây bắc Greenland, Phó Tổng thống Vance nói: “Đan Mạch đã không làm tốt công việc giữ cho Greenland được an toàn”.
“Khi Tổng thống [Trump] nói rằng chúng ta phải có Greenland, ông ấy đang nói hòn đảo này không an toàn. Rất nhiều người quan tâm đến nó. Rất nhiều người đang có ý định [chiếm giữ nó]“, ông Vance nói.
Ông Vance nói rằng Nga và Trung Quốc đã hoạt động không bị kiểm soát trong khu vực này và “xâm lấn” vào Greenland mà không được Đan Mạch bảo vệ đúng mức. Ông Vance cho rằng Hoa Kỳ có khả năng bảo vệ vùng lãnh thổ bán tự trị này tốt hơn.
“Đan Mạch đã không theo kịp và dành nguồn lực cần thiết để giữ gìn căn cứ này, để bảo vệ quân đội của chúng ta, và theo quan điểm của tôi, để giữ cho người dân Greenland an toàn khỏi nhiều cuộc xâm nhập rất hung hăng từ Nga, từ Trung Quốc và các quốc gia khác“, ông Vance phát biểu, trong khi không đưa ra chi tiết về các cuộc xâm nhập bị cáo buộc.
“Đã có sự mở rộng [gia tăng ảnh hưởng về mặt] an ninh trong lợi ích an ninh của Nga và Trung Quốc. Họ đang làm những gì họ tin là vì lợi ích của họ. Hoa Kỳ cũng phải làm những gì tôi biết là vì lợi ích của chúng ta – đó là bảo đảm rằng Greenland được an toàn“, ông Vance nói.
“Nếu Greenland không có quyền tự quyết, nếu tương lai của người dân Greenland bị kiểm soát bởi Đảng Cộng sản Trung Quốc, điều đó sẽ không làm cho cuộc sống của họ tốt hơn, và quan trọng nhất, nó sẽ làm cho an ninh của Hoa Kỳ và thế giới… suy yếu đi rất nhiều“, ông Vance nói thêm.
Ông Vance tuyên bố Hoa Kỳ chưa có kế hoạch mở rộng ngay lập tức sự hiện diện quân sự tại đây, nhưng sẽ đầu tư vào các nguồn lực chẳng hạn như bổ sung thêm tàu hải quân và tàu phá băng quân sự sẽ có sự hiện diện lớn hơn trong khu vực này.
“Chúng tôi không nghĩ rằng việc sử dụng lực lượng quân sự [để đạt được mục tiêu liên quan đến Greenland] là cần thiết”, ông Vance phát biểu.
Ông Vance nhận định rằng Greenland cuối cùng sẽ chọn con đường độc lập rời khỏi Đan Mạch. Mặc dù Hoa Kỳ và Đan Mạch là đồng minh trong khối liên minh quân sự NATO, Hoa Kỳ cam kết sẽ “tôn trọng chủ quyền và an ninh của [Greenland]”.
“Điều chúng tôi nghĩ sẽ xảy ra là người dân Greenland sẽ lựa chọn, thông qua quyền tự quyết, để trở nên độc lập với Đan Mạch. Và sau đó chúng tôi sẽ có những cuộc đàm thoại với người dân Greenland kể từ đó“, ông Vance giải thích với cách tiếp cận ôn hòa hơn so với các tuyên bố trước đây của ông Trump.
“Thông điệp của chúng tôi rất đơn giản: Vâng, người dân Greenland sẽ có quyền tự quyết. Chúng tôi hy vọng rằng họ chọn hợp tác với Hợp chủng quốc Hoa Kỳ. Chúng tôi là quốc gia duy nhất trên trái đất sẽ tôn trọng chủ quyền của họ và tôn trọng an ninh của họ, bởi vì an ninh của họ chính là an ninh của chúng tôi“, ông Vance phát biểu.
“Và bởi vì chúng tôi nghĩ rằng người dân Greenland là những người có lý trí và tốt bụng. Chúng tôi nghĩ rằng chúng tôi sẽ có thể đạt được một thỏa thuận, theo phong cách Donald Trump, nhằm đảm bảo an ninh cho lãnh thổ này, nhưng cũng đồng thời cho Hoa Kỳ. Tôi nghĩ rằng cuối cùng họ sẽ hợp tác với Hoa Kỳ. Chúng tôi có thể làm cho họ an toàn hơn nhiều. Chúng tôi có thể bảo vệ nhiều hơn. Và tôi nghĩ họ cũng sẽ khá hơn về mặt kinh tế”, ông Vance nhận định.
Ông Vance nhấn mạnh rằng Hoa Kỳ mong muốn Greenland sở hữu vũ khí của Hoa Kỳ chứ không phải vũ khí của Trung Quốc.
Lập trường của Hoa Kỳ đối với Greenland
Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump ngay từ nhiệm kỳ thứ nhất đã khẳng định rằng Hoa Kỳ cần sở hữu Greenland vì lý do chiến lược và kinh tế. Ông Trump nhấn mạnh rằng Greenland có vai trò thiết yếu đối với an ninh quốc tế, viện dẫn các hoạt động quân sự ngày càng gia tăng của Nga và Trung Quốc tại Bắc Cực.
Khi chuyến thăm của ông Vance đang diễn ra, ông Trump nói với các phóng viên tại Nhà Trắng rằng Hoa Kỳ cần Greenland để bảo đảm “hòa bình của toàn thế giới. Chúng ta cần Greenland, rất quan trọng, vì an ninh quốc tế. Chúng ta phải có Greenland. Đó không phải là vấn đề, ‘Bạn có nghĩ chúng ta có thể làm được mà không có nó không?’ Chúng ta không thể“.
Ông Trump nói rằng các tuyến đường thủy của Greenland có “tàu Trung Quốc và Nga khắp mọi nơi” và Hoa Kỳ sẽ không dựa vào Đan Mạch hoặc bất kỳ ai khác để xử lý tình hình này.
Một quan chức Nhà Trắng đã nói rằng Greenland có nguồn cung cấp khoáng sản đất hiếm dồi dào sẽ thúc đẩy thế hệ tiếp theo của nền kinh tế Hoa Kỳ.
Phản ứng từ phía chính phủ Đan Mạch
Lãnh đạo Đan Mạch, trong đó có Thủ tướng Mette Frederiksen, đã lên tiếng bác bỏ nhận định của ông Vance đồng thời cho rằng những cáo buộc của ông Vance là không công bằng.
“Trong nhiều năm, chúng tôi đã sát cánh cùng với người Mỹ trong những hoàn cảnh rất khó khăn. Do đó, mô tả của phó tổng thống [Vance] về Đan Mạch không công bằng“, Thủ tướng Đan Mạch Mette Frederiksen đã phát biểu trong một tuyên bố với hãng tin Đan Mạch Ritzau.
Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen thừa nhận rằng Đan Mạch chưa đầu tư đầy đủ vào an ninh của Greenland nhưng cũng chỉ trích Hoa Kỳ đã cắt giảm mạnh sự hiện diện quân sự tại đây kể từ sau Chiến tranh Lạnh.
Ngoại trưởng Đan Mạch Lars Lokke Rasmussen nói rằng ông Vance “có lý khi nói rằng chúng tôi đã không làm đủ, nhưng tôi [cảm thấy] hơi bị khiêu khích vì người Mỹ cũng đã không làm đủ“.
Ông Rasmussen nói rằng hiện tại Hoa Kỳ có một căn cứ với 200 binh sĩ, trong khi trong thời Chiến tranh Lạnh, người Mỹ đã có 17 cơ sở quân sự ở Greenland với 10.000 binh sĩ.
Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Đan Mạch cũng bày tỏ cam kết tôn trọng chủ quyền đối với Greenland.
Phản ứng từ phía chính phủ Greenland
Chính phủ liên hiệp mới của Greenland tái khẳng định duy trì quan hệ với Đan Mạch.
Tân Thủ tướng Jens-Frederik Nielsen chỉ trích chuyến viếng thăm của Hoa Kỳ, gọi đây là “sự thiếu tôn trọng [chủ quyền]” của Greenland.
Ông Nielsen vào hôm thứ Sáu (28/3) kêu gọi sự đoàn kết chính trị. Đảng Dân chủ, đảng phái có xu hướng ủng hộ doanh nghiệp của ông, vốn ủng hộ sự độc lập khỏi Đan Mạch một cách dần dần, đã nổi lên trở thành đảng lớn nhất trong cuộc bầu cử ngày 11 tháng 3.
“Vào thời điểm khi chúng ta như một dân tộc đang gánh chịu áp lực, chúng ta phải đoàn kết“, ông Nielsen nói trong một cuộc họp báo.
Các cuộc thăm dò cho thấy đa số người dân Greenland phản đối việc trở thành một phần của Hoa Kỳ.
Những người biểu tình chống Hoa Kỳ, một số đội mũ với khẩu hiệu “Làm cho nước Mỹ biến đi (Make America Go Away)” và cầm biểu ngữ “Người Mỹ biến về nước (Yankees Go Home)“, đã tổ chức một số cuộc biểu tình lớn nhất từng được thấy ở Greenland.
Vào hôm thứ Năm (27/3), cư dân ở Nuuk đã cắm cờ Greenland trên tuyết và một biểu ngữ bằng bìa cứng viết tiếng Anh có nội dung, “Đất nước của chúng tôi. Tương lai của chúng tôi“.
Tuy nhiên, một số người dân Greenland đã bày tỏ mong muốn hợp tác an ninh cùng bảo đảm phòng thủ với Hoa Kỳ để đổi lại quyền tiếp cận các ngư trường đánh bắt, nhưng vẫn có những cử tri khác lo ngại ý đồ về đất hiếm và cơ hội năng lượng của Washington.
Greenland vốn có lập trường bảo vệ môi trường, từng từ chối đề nghị của Liên minh châu Âu về việc khai thác các tài nguyên quý hiếm này.
Yếu tố kinh tế và vị trí chiến lược của Greenland
Hòn đảo Greenland, vốn đã bị Đan Mạch kiểm soát kể từ năm 1721.
Greenland hiện không có quân đội riêng và sẽ không còn được NATO bảo vệ nếu độc lập khỏi Đan Mạch, vì hòn đảo sẽ cần phải chính thức nộp đơn xin gia nhập NATO với tư cách là một quốc gia độc lập.
Theo các điều khoản của một thỏa thuận năm 1951, Hoa Kỳ có quyền viếng thăm căn cứ của mình bất cứ khi nào họ muốn, miễn là họ thông báo cho Greenland và Copenhagen. Căn cứ Pituffik nằm dọc theo tuyến đường ngắn nhất từ châu Âu đến Bắc Mỹ và rất quan trọng đối với hệ thống cảnh báo tên lửa đạn đạo của Hoa Kỳ.
Hòn đảo Greenland, có thủ đô gần New York hơn là gần thủ đô Copenhagen của Đan Mạch, tự hào với sự giàu có về khoáng sản, dầu và khí tự nhiên, nhưng sự phát triển đã chậm lại và Hoa Kỳ đã đầu tư rất hạn chế vào ngành khai thác mỏ ở đây. Các công ty khai thác mỏ hoạt động ở Greenland chủ yếu là của Úc, Canada hoặc Anh.
Thiên Vân (T/h)
Từ khóa Đan Mạch Greenland JD Vance
