LHQ: Triều Tiên có thể đã phát triển đầu đạn hạt nhân gắn lên tên lửa
- Hoàng Thu
- •
Theo nguồn tin từ một báo cáo mật của Liên Hợp Quốc cho hay, Bắc Triều Tiên đang tiếp tục phát triển các chương trình vũ khí hạt nhân và một số quốc gia không tiết lộ danh tính nhận định rằng: “có thể họ đã phát triển các thiết bị hạt nhân thu nhỏ để gắn lên đầu đạn của tên lửa đạn đạo.”
Theo hãng tin ABC News, báo cáo của các chuyên gia độc lập chuyên giám sát lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc cho biết nhóm các quốc gia trên tin rằng 6 vụ thử hạt nhân trong quá khứ của Triều Tiên có thể đã giúp nước này phát triển các thiết bị hạt nhân thu nhỏ.
Kể từ tháng 9/2017 đến nay, Bình Nhưỡng vẫn chưa tiến hành thêm một vụ thử hạt nhân nào.
Báo cáo sơ bộ này đã được đệ trình lên Ủy ban trừng phạt Bắc Triều Tiên của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc gồm 15 thành viên vào hôm thứ Hai.
Báo cáo cho biết: “Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đang tiếp tục chương trình hạt nhân của mình, bao gồm sản xuất uranium độ giàu cao và xây dựng một lò phản ứng nước nhẹ thực nghiệm. Một Quốc gia Thành viên nhận định rằng Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên đang tiếp tục sản xuất vũ khí hạt nhân.”
Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên là tên gọi chính thức của Bắc Hàn. Đại diện phái đoàn của Bắc Triều Tiên tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York đã không đưa ra phản hồi ngay với yêu cầu giải thích các nội dung được đề cập trong báo cáo.
Tuần trước, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un tự tin khẳng định rằng sẽ không còn chiến tranh nữa vì năng lực hạt nhân của đất nước này có thể đảm bảo an toàn và họ có thể nắm chắc tương lai mặc cho các mối đe dọa quân sự và các áp lực từ bên ngoài không hề suy giảm.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc cho biết đại diện một quốc gia không lộ danh tính đã nhận định rằng: “Triều Tiên có thể đang nhắm đến việc phát triển hơn nữa các loại thiết bị hạt nhân thu nhỏ để đồng bộ với những cải tiến công nghệ như các gói hỗ trợ thâm nhập, hay tiềm năng hơn là các hệ thống đa đầu đạn.”
Triều Tiên đã phải hứng chịu các lệnh trừng phạt của Liên Hợp Quốc từ năm 2006 vì các chương trình tên lửa đạn đạo và hạt nhân của mình. Hội đồng Bảo an vẫn tăng cường lệnh trừng phạt đều đặn trong nỗ lực cắt giảm nguồn tài trợ cho các chương trình đó.
Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và Tổng thống Mỹ Donald Trump đã gặp nhau 3 lần kể từ năm 2018, phía Mỹ kêu gọi Bình Nhưỡng từ bỏ vũ khí hạt nhân và phía Triều Tiên yêu cầu chấm dứt các lệnh trừng phạt. Tuy nhiên các cuộc đàm phán đã không đạt được tiến triển.
Tháng 5 năm 2018, Triều Tiên đã tuân thủ một cam kết cho nổ các đường hầm tại bãi thử nghiệm hạt nhân chính của nước này, Punggye-ri. Bình Nhưỡng nói đây là bằng chứng cho thỏa thuận chấm dứt thử nghiệm hạt nhân của mình. Nhưng họ đã không cho phép các chuyên gia nước ngoài chứng kiến quá trình bãi thử nghiệm bị phá hủy.
Báo cáo của Liên Hợp Quốc tiết lộ, chỉ có lối vào đường hầm được biết là đã bị phá hủy còn không có dấu hiệu nào cho thấy toàn bộ đường hầm đã nổ tung. Một quốc gia đã nhận định rằng Triều Tiên có thể đã xây dựng và cài đặt lại các cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ các vụ thử hạt nhân trong vòng 3 tháng.
Liên Hợp Quốc cũng cho biết Triều Tiên đang vi phạm các lệnh trừng phạt, trong đó có lệnh cấm xuất khẩu than. Mặc dù đã ngừng hoạt động từ giữa cuối tháng 1 đến đầu tháng 3 năm 2020 do đại dịch virus corona, Triều Tiên lại bắt đầu xuất khẩu than bất hợp pháp qua đường hàng hải.
Năm ngoái, các chuyên gia của Liên Hợp Quốc còn cho hay Triều Tiên đã kiếm được khoảng 2 tỷ đô la Mỹ thông qua các cuộc tấn công mạng rộng khắp và tinh vi để ăn cắp từ các giao dịch tiền điện tử và các ngân hàng.
Hoàng Thu (theo ABC)
Xem thêm:
Từ khóa Bắc Triều Tiên Dòng sự kiện Kim Jong Un Hạt nhân