Mỹ ban hành lệnh đóng băng rộng rãi đối với viện trợ nước ngoài để rà soát
- Phạm Duy
- •
Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ vào thứ Sáu (24/1) đã ban hành lệnh “dừng hoạt động” đối với tất cả các khoản viện trợ nước ngoài hiện có, và tạm ngừng viện trợ mới sau khi Tổng thống Donald Trump ra lệnh tạm dừng để xét xem liệu việc phân bổ viện trợ có phù hợp với chính sách đối ngoại của ông hay không.
Bức điện do văn phòng viện trợ nước ngoài thuộc Bộ ngoại giao soạn thảo và được Ngoại trưởng Marco Rubio chấp thuận, cho biết khoản tài trợ quân sự cho Israel và Ai Cập là được miễn trừ áp dụng. Không có miễn trừ nào khác được đề cập trong bức điện.
Động thái này có nguy cơ cắt giảm hàng tỷ đô la hỗ trợ khẩn cấp. Hoa Kỳ là nhà tài trợ viện trợ lớn nhất trên thế giới. Trong năm tài chính 2023, Hoa Kỳ đã giải ngân 72 tỷ đô la viện trợ nước ngoài.
Chỉ vài giờ sau khi nhậm chức vào thứ Hai (20/1), Tổng thống Trump đã ra lệnh tạm dừng viện trợ phát triển nước ngoài trong 90 ngày trong khi chờ xem xét hiệu quả và tính nhất quán với chính sách đối ngoại, nhưng phạm vi của lệnh này vẫn chưa được biết ngay lúc đó.
Bức điện của Bộ Ngoại giao tuyên bố có hiệu lực ngay lập tức, các quan chức cấp cao “sẽ đảm bảo rằng, ở mức độ tối đa được pháp luật cho phép, không có nghĩa vụ mới nào được đưa ra đối với viện trợ nước ngoài” cho đến khi Ngoại trưởng Rubio đưa ra quyết định sau khi rà soát.
Bức điện nói rằng đối với các khoản viện trợ nước ngoài hiện có, lệnh ngừng công việc sẽ được ban hành ngay lập tức cho đến khi đã được ông Rubio xem xét.
Các miễn trừ
Theo bức điện, Ngoại trưởng Rubio đã ban hành miễn trừ cho viện trợ lương thực khẩn cấp. Điều này diễn ra trong bối cảnh viện trợ nhân đạo vào Dải Gaza tăng mạnh sau khi lệnh ngừng bắn giữa Israel và các chiến binh Palestine Hamas, bắt đầu có hiệu lực vào Chủ Nhật (19/1) và một số cuộc khủng hoảng nạn đói khác trên khắp thế giới, bao gồm cả ở Sudan.
Bức điện của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng cho biết các miễn trừ cho đến nay đã được ông Rubio chấp thuận, liên quan đến “nguồn tài trợ quân sự nước ngoài cho Israel và Ai Cập và các chi phí hành chính, bao gồm cả tiền lương, cần thiết để quản lý nguồn tài chính quân sự nước ngoài“.
Israel nhận được khoảng 3,3 tỷ đô la tài trợ quân sự nước ngoài hàng năm, trong khi Ai Cập nhận được khoảng 1,3 tỷ đô la
Theo yêu cầu mà chính quyền của cựu Tổng thống Joe Biden gửi lên Quốc hội, các quốc gia khác được xác định để nhận tài trợ như vậy trong năm 2025 bao gồm Ukraine, Gruzia, Estonia, Latvia, Litva, Đài Loan, Indonesia, Philippines, Thái Lan, Việt Nam, Djibouti, Colombia, Panama, Ecuador, Israel, Ai Cập và Jordan.
Yêu cầu đó cũng nêu rõ tài trợ quân sự nước ngoài “cũng sẽ tìm cách củng cố khả năng của Lực lượng vũ trang Liban trong việc giảm thiểu bất ổn và chống lại ảnh hưởng xấu của Iran“.
Quân đội Liban hiện đang cố gắng triển khai vào phía nam đất nước khi quân đội Israel rút quân theo một thỏa thuận ngừng bắn, trong đó yêu cầu vũ khí và các chiến binh Hezbollah do Iran hậu thuẫn, cũng phải được di dời khỏi khu vực.
Từ khóa Donald Trump Bộ ngoại giao Mỹ chính quyền Trump Dòng sự kiện Viện trợ nước ngoài