Tờ WSJ hôm 16/5 cho hay, Mỹ đã cấm thêm nhập khẩu sản phẩm từ 26 công ty Trung Quốc vì lo ngại về lao động cưỡng bức. Trong bối cảnh chống cạnh tranh không lành mạnh đối với các công ty dệt may Trung Quốc, động thái này làm danh sách các công ty Trung Quốc bị Mỹ cấm nhập khẩu sản phẩm gia tăng đáng kể.

shutterstock 562081186
(Ảnh minh họa: humphery / Shutterstock)

Mỹ sẽ chặn hàng nhập khẩu từ hàng chục công ty dệt may Trung Quốc vì những công ty này liên quan vấn đề lao động cưỡng bức, động thái này được đưa ra sau khi doanh giới Mỹ phàn nàn về vấn đề cạnh tranh không lành mạnh từ Trung Quốc.

Liên quan vấn đề được gọi là “Đạo luật ngăn chặn lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ” (Uyghur Forced Labor Prevention Act, UFLPA), chính quyền Tổng thống Biden vào thứ Năm đã công bố bổ sung 26 công ty Trung Quốc vào danh sách thực thể. Danh sách này xác định các công ty mà Mỹ cáo buộc có liên quan đến lao động cưỡng bức bóc lột ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc – nơi sinh sống của các dân tộc thiểu số như người Duy Ngô Nhĩ.

Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas cho biết: “Chúng tôi sẽ không cho phép vào Mỹ một phần hoặc toàn bộ hàng hóa được sản xuất thông qua lao động cưỡng bức”.

Việc bổ sung này mở rộng đáng kể quy mô danh sách của UFLPA, nâng tổng số công ty bị cấm lên 65. Tất cả các công ty được nêu tên hôm thứ Năm đều thuộc ngành dệt may của Trung Quốc, một ngành mà sự thống trị của nó đã dẫn đến những vấn đề về sự cạnh tranh không lành mạnh đối với các nhà sản xuất trong nước ở Mỹ.

Các công ty liên quan đóng vai trò là trung gian, tìm nguồn cung ứng bông từ Tân Cương và sau đó bán chủ yếu cho các công ty Trung Quốc, nơi sử dụng bông để kéo sợi hoặc làm vải. Theo ông Mayorkas, động thái hôm thứ Năm nhằm làm cho các doanh nghiệp có trách nhiệm nhận thức được những hành vi lạm dụng tiềm ẩn trong các chuỗi cung ứng này.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh Mỹ đang trừng phạt mạnh hơn đối với việc nhập khẩu hàng hóa liên quan lao động cưỡng bức, đặc biệt là từ Tân Cương – khu vực nổi tiếng về nguồn cung cấp bông, linh kiện pin mặt trời và các hàng hóa khác, tuy nhiên cũng liên quan đến vi phạm nhân quyền nghiêm trọng.

Nhà cầm quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc đã nhiều lần phủ nhận các cáo buộc.

Theo UFLPA, tất cả hàng nhập khẩu liên quan đến Tân Cương đã bị cấm kể từ năm 2022, nhà chức trách Mỹ đã nhiều lần kêu gọi các công ty xem lại chuỗi cung ứng của họ.

Danh sách liệt kê các công ty cụ thể có sản phẩm bị cấm, bao gồm cả những sản phẩm đã hoàn thiện. Tính đặc thù đó có thể mang lại công bằng hơn cho các công ty cố gắng tuân thủ luật, nhưng cũng có thể gây rắc rối cho một số công ty – chẳng hạn như Volkswagen cho biết vào tháng Hai rằng nhà chức trách Mỹ đã thu giữ hàng ngàn xe Bentley, Porsche và Audi vì chỉ một bộ phận được sản xuất bởi nhà cung cấp trong danh sách UFLPA.

Do Trung Quốc là nguồn cung cấp hàng dệt may nước ngoài lớn nhất của Mỹ, bao gồm quần áo cũng như linh kiện cho thiết bị bảo hộ cá nhân và các ứng dụng khác, bổ sung mới vào thứ Năm có thể gây áp lực lên chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp.

Nhưng biện pháp xuất phát từ các tập đoàn công nghiệp Mỹ đã phàn nàn rằng các nhà sản xuất dệt may Trung Quốc cạnh tranh không công bằng, một phần lý do vì vấn đề sử dụng lao động cưỡng bức, đồng thời kêu gọi chính phủ hành động nhiều hơn để bảo vệ các công ty dệt may Mỹ.

Chủ tịch Kim Glas của Ủy ban Dệt may Quốc gia Mỹ cho biết vào thứ Ba sau khi công bố mức thuế mới nhắm vào Trung Quốc: “Các hoạt động thương mại không công bằng tại nước khác liên quan doanh nghiệp từ Trung Quốc đã không được kiểm soát, cộng thêm thiếu sót trong hoạt động hải quan và tư vấn chính sách thương mại sai lầm đã khiến thị trường bất ổn, đe dọa tương lai của ngành sản xuất dệt may trong nước”.

Bộ trưởng An ninh Nội địa Mayorkas cũng cho biết các công ty cần có một bức tranh rõ ràng hơn về chuỗi cung ứng của họ, đồng thời nói thêm công ty nào cố tình đánh lừa chính quyền Mỹ có thể bị truy tố hình sự.

Chính quyền Tổng thống Biden cũng đang chịu áp lực phải giải quyết một điều khoản trong luật thương mại Mỹ,  điều khoản này cho phép nhập khẩu các gói hàng có giá trị dưới 800 USD mà không bị đánh thuế và hầu như không bị hải quan giám sát. Một phân tích cho thấy, nhập khẩu thông qua cách giảm thiểu chi phí này vào Mỹ đã tăng mạnh gần đây, theo đó chỉ riêng các công ty thương mại điện tử Shein và Temu đã chiếm gần 1/3 trong số đó.

Tháng trước, chính quyền Tổng thống Biden thông báo sẽ giám sát chặt chẽ hơn các chuyến hàng theo diện này – động thái như một phần của chiến dịch trấn áp rộng rãi hơn đối với hàng dệt may và quần áo nhập khẩu bất hợp pháp [vi phạm luật UFLPA]. Ông Mayorkas cho biết ông chia sẻ những lo ngại trong ngành rằng, các công ty “bất hợp pháp hoặc vô trách nhiệm” có thể lợi dụng điều khoản miễn trừ [thuế đối với các gói hàng nhỏ có giá trị dưới 800 USD] này, do đó đang nghiên cứu những thay đổi đối với điều luật liên quan.