Mỹ xác định thêm 6 tổ chức truyền thông TQ là phái bộ nước ngoài
- Trình Văn
- •
Hôm thứ Tư (21/10), Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo đã thông báo rằng Chính phủ Mỹ đã xác định thêm 6 cơ quan truyền thông của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) có hoạt động kinh doanh tại Mỹ là “phái bộ nước ngoài” (foreign mission). Đây là đợt xác định thứ ba của Chính phủ Mỹ đối với truyền thông của ĐCSTQ sau hai đợt vào ngày 18/2 và 22/6 năm nay. Tuyên bố của Chính phủ Mỹ chỉ ra rằng trong nhiệm kỳ của lãnh đạo Tập Cận Bình, ĐCSTQ đã tăng cường kiểm soát các cơ quan tuyên truyền dưới vỏ bọc ngụy trang là các tổ chức truyền thông độc lập.
Theo tuyên bố của Chính phủ Mỹ, 6 cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ được xác định là “phái bộ nước ngoài” (foreign mission) bao gồm: Yicai Global (Tài chính số 1 toàn cầu), Jiefang Daily (Nhật báo Giải phóng), Xinmin Evening News (Tin chiều Tân Dân), China Social Sciences Press (Nhà xuất bản Khoa học Xã hội Trung Quốc), Beijing Review (Bình luận Bắc Kinh), và Economic Daily (Nhật báo Kinh tế). Lý do vì các tổ chức này “thuộc sở hữu hoặc chịu kiểm soát hiệu quả” từ ĐCSTQ.
Trong số đó, Yicai Global (Tài chính số 1 toàn cầu) là một tổ chức xuất bản tài chính hàng đầu trực thuộc Tập đoàn Truyền thông Thượng Hải (Shanghai Media Group), một trong những tập đoàn truyền thông nhà nước lớn nhất Thượng Hải. Còn Jiefang Daily (Nhật báo Giải phóng) là tờ nhật báo của Đảng bộ Thượng Hải. Xinmin Evening News (Tin chiều Tân Dân) thuộc sở hữu của Tập đoàn Truyền thông Liên hợp Thượng Hải do Chính quyền thành phố Thượng Hải kiểm soát. Nhà xuất bản Khoa học Xã hội Trung Quốc thuộc quyền quản lý của Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc – cơ quan nghiên cứu và quảng bá ý thức hệ ĐCSTQ. Beijing Review (Bình luận Bắc Kinh) là một tạp chí tiếng Anh do Tập đoàn Xuất bản Quốc tế Trung Quốc của ĐCSTQ kiểm soát. Cuối cùng, Economic Daily (Nhật báo Kinh tế) là một ấn phẩm trực tiếp dưới sự lãnh đạo của Trung ương ĐCSTQ.
Thông cáo báo chí của Chính phủ Mỹ nêu rõ: “Trong mười năm qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ của Tổng Bí thư Tập Cận Bình, ĐCSTQ đã kiểm soát nhiều hơn đối với các cơ quan tuyên truyền do nhà nước hỗ trợ nhưng lại nỗ lực ngụy tạo chúng là những hãng thông tấn độc lập. Tổng Bí thư ĐCSTQ Tập Cận Bình từng nhấn mạnh: truyền thông của Đảng phải… phản ánh ý chí của Đảng, bảo vệ quyền lực của Đảng… Hành vi của họ phải nhất quán cao độ với Đảng.”
Thông cáo báo chí cũng chỉ rõ rằng truyền thông tự do trên toàn thế giới theo đuổi sự thật, trong khi truyền thông Trung Quốc phải tuân theo ĐCSTQ. Ngày nay, Mỹ công khai thừa nhận thực tế này bằng cách xác định các tổ chức truyền thông như vậy là phái bộ nước ngoài.
Sau khi bị xác định là phái bộ nước ngoài, các tổ chức này cần đăng ký nhân viên và tài sản tại Mỹ với Chính phủ Mỹ. Việc xác định các tổ chức nêu trên là phái bộ nước ngoài sẽ hạn chế hoạt động của họ ở Mỹ, nhưng sẽ không hạn chế nội dung xuất bản của họ ở Mỹ.
Tại buổi họp báo hôm thứ Tư (21/10), Ngoại trưởng Pompeo cho biết: “Để đảm bảo rằng ảnh hưởng của ĐCSTQ tại Mỹ được minh bạch hơn, tôi chỉ định 6 thực thể tuyên truyền nữa của Trung Quốc là phái bộ nước ngoài (foreign missions). Người Mỹ nên biết rằng những thực thể này là gì, và làm việc cho ai.”; “Chúng tôi chỉ muốn đảm bảo rằng người dân Mỹ, những người tiêu thụ thông tin, có thể phân biệt giữa truyền thông tự do và tuyên truyền của ĐCSTQ. Chúng không giống nhau”…
Ông cũng nhấn mạnh: “Mục tiêu của chúng tôi là bảo vệ quyền tự do báo chí của Mỹ, đảm bảo rằng người dân Mỹ biết tin tức của họ đến từ truyền thông tự do hay từ một chính phủ nước ngoài xấu xa. Sự minh bạch không đe dọa những người trân trọng sự thật.”
Đầu năm nay, Chính phủ Mỹ đã xác định 9 cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ là phái bộ nước ngoài: vào ngày 18/2 xác định những tổ chức là Tân Hoa xã, Mạng lưới Truyền hình Toàn cầu Trung Quốc (CGTN), Đài Phát thanh Quốc tế Trung Quốc, Công ty Xuất bản Nhật báo Trung Quốc (China Daily), và Công ty Phát triển Haiti của Mỹ; vào ngày 22/6 xác định thêm các tổ chức là phái bộ nước ngoài gồm Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV), Mạng Tin tức Trung Quốc CNS, Nhân dân Nhật báo, và Thời báo Hoàn cầu.
Những hành động này là một phần của một loạt các hành động do chính quyền Trump thực hiện nhằm trấn áp ảnh hưởng của ĐCSTQ tại Mỹ. Hồi tháng 8 năm nay, Chính phủ Mỹ cũng đã xác định “Trung tâm Mỹ của Viện Khổng Tử” ở Washington là phái bộ nước ngoài.
Gần đây Ngoại trưởng Pompeo cho biết ông hy vọng vào cuối năm nay sẽ đóng cửa tất cả các Viện Khổng Tử ở Mỹ. Theo số liệu của Hiệp hội Học giả Quốc gia (National Association Of Scholars) của Mỹ, trong khuôn viên các trường đại học Mỹ hiện có khoảng 67 Viện Khổng Tử.
Trình Văn (t/h)
Xem thêm:
Từ khóa Phái bộ nước ngoài Viện Khổng Tử Bộ ngoại giao Hoa Kỳ Mike Pompeo Dòng sự kiện Truyền thông ĐCSTQ