Nga, Trung Quốc, Anh, Mỹ và Pháp cam kết tránh chiến tranh hạt nhân
- Minh Ngọc
- •
Theo một tuyên bố chung của Trung Quốc, Nga, Anh, Mỹ và Pháp do Điện Kremlin công bố hôm thứ Hai (4/1), 5 cường quốc hạt nhân đã đồng thuận rằng nên tránh việc phổ biến vũ khí hạt nhân và chiến tranh hạt nhân thêm nữa.
Tuyên bố cho hay, 5 quốc gia – cũng là thành viên thường trực của Hội đồng Bảo an Liên Hợp Quốc – coi trách nhiệm chính của họ là tránh chiến tranh giữa các quốc gia hạt nhân và giảm thiểu rủi ro chiến lược, đồng thời hướng tới hợp tác với tất cả các nước để tạo ra một môi trường đảm bảo an ninh.
“Chúng tôi khẳng định rằng một cuộc chiến tranh hạt nhân không thể đem lại chiến thắng và không bao giờ nên được tiến hành. Vì việc sử dụng hạt nhân sẽ gây ra những hậu quả sâu rộng, chúng tôi cũng khẳng định rằng vũ khí hạt nhân – chừng nào chúng còn tồn tại – phải phục vụ các mục đích phòng thủ, ngăn chặn sự xâm lược và ngăn chặn chiến tranh.”
Nước Pháp cũng đưa ra tuyên bố, nhấn mạnh rằng 5 cường quốc nhắc lại quyết tâm kiểm soát vũ khí hạt nhân và giải trừ vũ khí hạt nhân. Họ cũng sẽ tiếp tục các cách tiếp cận song phương và đa phương để kiểm soát vũ khí hạt nhân.
Trên thực tế, 5 cường quốc hạt nhân, được gọi là P5, không phải là những quốc gia duy nhất trên thế giới có vũ khí nguyên tử. Ấn Độ và Pakistan đều sở hữu, và Israel được cho là có kho vũ khí hạt nhân. Triều Tiên cũng đã thử nghiệm một số thiết bị hạt nhân.
Tuyên bố mới này được đưa ra trong bối cảnh quan hệ song phương giữa Mỹ và Moscow đã xuống mức thấp nhất kể từ khi Chiến tranh Lạnh kết thúc, trong khi quan hệ giữa Washington và Trung Quốc cũng đang ở mức thấp do một loạt bất đồng.
Lầu Năm Góc hồi tháng 11 đã ước tính về kho vũ khí hạt nhân dự kiến của Trung Quốc trong những năm tới, dự kiến Bắc Kinh có thể sở hữu 700 đầu đạn vào năm 2027 và lên đến 1.000 đầu đạn vào năm 2030.
Washington đã nhiều lần thúc giục Trung Quốc cùng Nga tham gia một hiệp ước kiểm soát vũ khí mới.
Hiện tại, căng thẳng địa chính trị giữa Moscow và các nước phương Tây không ngừng gia tăng do lo ngại về việc Nga xây dựng quân đội gần quốc gia láng giềng Ukraine. Moscow cho hay họ có thể di chuyển quân đội xung quanh lãnh thổ của mình khi thấy cần thiết.
Ngày 30/12/2021, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden nói với người đồng cấp Nga Vladimir Putin rằng điều có thể xảy ra đối với Ukraine sẽ kéo theo các biện pháp trừng phạt và sự hiện diện gia tăng của Hoa Kỳ ở châu Âu, nơi căng thẳng tăng cao sau khi Nga tăng cường quân sự ở biên giới.
Các quan chức Mỹ và Nga sẽ tổ chức các cuộc đàm phán an ninh vào ngày 10/1 sắp tới để thảo luận về những lo ngại trong hoạt động quân sự tương ứng của họ cũng như sự gia tăng căng thẳng về Ukraine.
Đáng chú ý, hội nghị của Liên hợp quốc về không phổ biến vũ khí hạt nhân đáng lẽ diễn ra từ ngày 4/1 đến 28/1 tại New York (Mỹ) đã bị hoãn do tình trạng lây lan biến thể Omicron của virus corona.
Minh Ngọc (Theo Reuters)
Xem thêm:
Từ khóa chiến tranh hạt nhân Dòng sự kiện vũ khí hạt nhân phi hạt nhân hóa