Báo cáo của Mỹ: Trung Quốc có thể có 1000 đầu đạn hạt nhân vào năm 2030
- Lâm Nghiên
- •
Vào thứ Tư (3/11), Lầu Năm Góc đã công bố báo cáo quân sự về Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), theo đó ước tính trong vài năm tới, kho vũ khí hạt nhân của Trung Quốc gia tăng đáng kể: năm 2027 Trung Quốc có thể có 700 đầu đạn hạt nhân, năm 2030 là 1000 đầu đạn hạt nhân. Chuyên gia cho rằng điều này nhấn mạnh nhu cầu cấp thiết phải đưa ĐCSTQ vào các cuộc đàm phán song phương hoặc đa phương để giảm thiểu rủi ro hạt nhân.
Mặc dù dữ liệu hạt nhân này của ĐCSTQ còn thấp hơn nhiều so với kho dự trữ hạt nhân hiện tại của Mỹ, nhưng đã thay đổi đáng kể so với ước tính của Mỹ hồi năm 2020 về đầu đạn hạt nhân của Trung Quốc. Lầu Năm Góc đã cảnh báo trong báo cáo năm 2020 rằng vào năm 2030, kho vũ khí hạt nhân của ĐCSTQ sẽ có hơn 400 đầu đạn hạt nhân.
Mỹ hiện có kho dự trữ 3750 đầu đạn hạt nhân, trong đó tính đến ngày 1/9 đã bố trí được 1389 đầu đạn.
Báo cáo thường niên năm 2021 của Lầu Năm Góc có tiêu đề “Sự phát triển quân sự và an ninh của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa” (Military and Security Developments Involving the People’s Republic of China), chỉ ra rằng Trung Quốc (ĐCSTQ) đang đầu tư phát triển cả trên bộ, trên biển và trên không về số lượng căn cứ phân phối hạt nhân và cơ sở hạ tầng cần thiết để hỗ trợ mở rộng về hạt nhân.
Trong báo cáo năm nay, Lầu Năm Góc nhắc lại mối quan ngại về sức ép ngày càng tăng của ĐCSTQ đối với Đài Loan, đồng thời cũng nhắc lại mối quan ngại về các chương trình hóa học và sinh học cũng như tiến bộ công nghệ của ĐCSTQ. Báo cáo còn đặc biệt nhấn mạnh đến kho vũ khí hạt nhân ngày càng tăng của ĐCSTQ. Báo cáo cho biết: “Trong 10 năm tới, mục tiêu của Trung Quốc (ĐCSTQ) là hiện đại hóa, đa dạng hóa và mở rộng quy mô đối với năng lượng hạt nhân”.
ĐCSTQ đang đẩy nhanh tốc độ củng cố sức mạnh quân sự, khiến căng thẳng với Mỹ càng thêm trầm trọng, cũng khiến Mỹ thúc đẩy tăng cường quân đội để chống lại tham vọng của Trung Quốc. Mỹ đã nhiều lần thúc giục ĐCSTQ tham gia hiệp ước kiểm soát vũ khí do Mỹ và Nga ký kết, nhưng ĐCSTQ từ chối.
Reuters dẫn lời Daryl Kimball, giám đốc điều hành của Hiệp hội Kiểm soát Vũ khí, nói rằng tiềm năng của Trung Quốc trong việc tăng kho vũ khí hạt nhân lên các cấp độ này làm nổi bật nhu cầu cấp bách về các cuộc đàm phán song phương hoặc đa phương để “giảm thiểu rủi ro hạt nhân”.
Báo cáo của Lầu Năm Góc không đưa ra kết luận mới về kế hoạch Đài Loan của Bắc Kinh, nhưng cho rằng việc ĐCSTQ liên tục tăng cường sức mạnh quân sự đã tạo thêm nhiều cơ hội cho lựa chọn của giới chức nhà cầm quyền ĐCSTQ.
Tờ Wall Street Journal đưa tin một quan chức cấp cao của Lầu Năm Góc nói rằng “Các động thái của ĐCSTQ và sức ép của họ đối với Đài Loan sẽ chỉ gia tăng, do đó có thể gây mất ổn định, tôi nghĩ mọi người đang ngày càng lo lắng”. Quan chức Lầu Năm Góc nhấn mạnh ĐCSTQ xem hiện đại hóa nhanh chóng quân đội là “yếu tố không thể thiếu” trong chiến lược, và đây không có khả năng là “nỗ lực tạm thời sẽ mất đi tầm quan trọng theo thời gian”.
Báo cáo chỉ ra, ĐCSTQ không ngừng tăng cường khả năng chiến đấu và giành chiến thắng trong các cuộc chiến tranh với “địch thủ mạnh”, cũng cho biết thêm rằng Bắc Kinh đang xây dựng ít nhất 3 bãi phóng tên lửa sẽ có sức chứa hàng trăm hầm phóng tên lửa liên lục địa mới.
ĐCSTQ đã thiết lập một căn cứ quân sự ở Djibouti thuộc vùng Sừng Châu Phi. Lầu Năm Góc cho biết để hỗ trợ các mục tiêu, ĐCSTQ hy vọng sẽ xây dựng thêm nhiều cơ sở ở nước ngoài và đang xem xét hơn một chục quốc gia, bao gồm Campuchia, Pakistan và Angola. Quan chức Bộ Quốc phòng Mỹ đã viết rằng một mạng lưới như vậy có thể can thiệp vào các hoạt động quân sự của Mỹ và hỗ trợ các cuộc tấn công chống lại Mỹ.
Hôm thứ Tư, Chủ tịch Mark Milley của Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ phát biểu tại hội nghị an ninh quốc gia thường niên “Diễn đàn An ninh Aspen” ở bang Colorado: “Chúng ta đang chứng kiến một trong những chuyển dịch lớn nhất về sức mạnh địa chiến lược toàn cầu của thế giới”.
Mỹ đang cố gắng chống lại bành trướng quân sự của ĐCSTQ bằng cách thiết lập một mạng lưới đối tác và đồng minh sâu rộng hơn ở khu vực Ấn Độ -Thái Bình Dương. Những nỗ lực này bao gồm các cuộc tiếp xúc sâu rộng hơn với Ấn Độ và Úc. Chính quyền Tổng thống Biden gần đây đã đồng ý chia sẻ công nghệ tàu ngầm hạt nhân của Mỹ với Úc. Trước đây Mỹ chỉ chia sẻ công nghệ này với Vương quốc Anh.
Theo Lâm Nghiên, Epoch Times
Xem thêm:
Từ khóa vũ khí hạt nhân Dòng sự kiện vũ khí siêu thanh mối quan hệ Mỹ - Trung vũ khí hạt nhân Trung Quốc Tên lửa siêu thanh