Nhà làm phim nhân quyền: Cỗ máy tuyên truyền ĐCSTQ trong đại dịch COVID-19
- Minh Nhật
- •
Ngày 29/3 vừa qua, tờ Nikkei Asia đăng tải bài viết chia sẻ góc nhìn của nhà làm phim nhân quyền người Canada gốc Hoa, Leon Lee, về những cảm nghĩ của anh dưới góc độ là một người Trung Quốc, khi chứng kiến tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc biến thất bại trong việc ngăn chặn đại dịch COVID-19 thành câu chuyện thành công của Đảng như thế nào.
Leon Lee (Lý Vân Tường) là một nhà làm phim nhân quyền gốc Hoa nổi tiếng, với khoảng 12 bộ phim nhân quyền đạt nhiều giải thưởng liên hoan phim quốc tế, đáng chú ý có “In the Name of Confucius” (Lấy danh nghĩa Khổng Tử), “The Bleeding Edge” (Lưỡi dao rỉ máu), “Human Harvest“” (Thu hoạch nhân thể), v.v.. Đặc biệt bộ phim “Letter from Masanjia” (Thư từ Mã Tam Gia) của anh đã gây tiếng vang lớn khi sử dụng rất nhiều thước phim bí mật được quay tại Trung Quốc về cuộc sống và hành trình chạy trốn của một tù nhân lương tâm bị bức hại tại Trung Quốc. (Xem bài: Bức thư cầu cứu vượt đại dương và dũng khí làm điều tử tế)
Từng sinh sống tại Trung Quốc 25 năm, Leon Lee chia sẻ với tờ Nikkei Asia rằng trong đại dịch, anh vẫn giữ liên lạc với một số bạn bè ở Trung Quốc, những người vốn có đầu óc cởi mở hơn so với đa số người dân Trung Quốc. Tuy nhiên, quan điểm của họ về đại dịch COVID-19 đã một lần nữa nhắc Leon Lee về sức mạnh tuyên truyền của Bắc Kinh.
“Họ nói: Cần một chế độ như Đảng Cộng sản thì mới tiêu diệt được virus. Họ còn ca ngợi việc phong tỏa thành phố Vũ Hán với hơn 10 triệu dân, nơi virus bùng phát”, Leon Lee chia sẻ. Anh không thể tin được những bạn bè vốn rất cởi mở với giá trị phương Tây lại trở nên cả tin như vậy. Anh nhắc lại việc trong nhiều tuần, chế độ đã cố gắng che dấu việc dịch bệnh bùng phát, trấn áp tiếng nói từ các bác sĩ, chỉ đến khi không thể kiểm soát được thông tin thì mới bắt đầu công bố ra. Sự dối trá và che đậy này chính là yếu tố thực sự khiến COVID-19 trở thành đại dịch không thể kiểm soát tại Trung Quốc. Những tuần tiếp theo, Đảng Cộng sản Trung Quốc lại tiếp tục che dấu nhiều thông tin, tuyên bố dịch không lây lan từ người sang người, tuyên truyền rằng họ hoàn toàn kiểm soát dịch bệnh, khiến cho COVID-19 lan ra khắp toàn thế giới. Đó là chưa nói đến các cáo buộc về việc chế độ sửa đổi số liệu, che dấu số người tử vong và tình trạng thật sự bên trong Vũ Hán. (Xem bài: Mỗi ngày Vũ Hán trả 3500 lọ tro cốt nạn nhân?)
“Đó mới là vấn đề chính”, Lee chia sẻ với Nikkei Asia trong cuộc phỏng vấn tại Tokyo, nơi anh đang quảng bá cho bộ phim “Thư từ Mã Tam Gia”. Qua sự việc, Leon Lee nhấn mạnh rằng “bộ máy tuyên truyền” của Đảng Cộng sản Trung Quốc đã trở nên “tinh vi hơn”. Nó “lờ đi những vấn đề không có lợi, và bóp méo sự việc đủ để bạn tự đưa ra kết luận của riêng mình.”
Và không chỉ ở trong nước, chế độ Trung Quốc còn thực hiện một chiến dịch tuyên truyền trên phạm vi thế giới. Theo tờ Nikkei Asia, hôm thứ Sáu 27/3 vừa qua, tại Câu lạc bộ Báo chí Quốc gia ở Tokyo, ông Khổng Huyễn Hựu (Kong Xuanyou), Đại sứ Trung Quốc tại Nhật Bản, nhấn mạnh rằng Bắc Kinh đã ứng phó với đại dịch một cách “cởi mở, minh bạch và có trách nhiệm”, rằng các biện pháp của Trung Quốc “đã được cộng động thế giới ca ngợi” bởi những hành động của Trung Quốc đã “mang lại cho thế giới khoảng thời gian quý báu”.
Chỉ mới đây thôi, các quan chức Cộng sản Trung Quốc còn khăng khăng tuyên truyền rằng đại dịch COVID-19 tuy khởi phát từ Trung Quốc, nhưng không có nghĩa là virus cũng bắt nguồn từ đây. Phát ngôn viên của Bộ ngoại giao Trung Quốc, Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian), còn viết bình luận về khả năng “Lính Mỹ mang đại dịch COVID-19 tới Vũ Hán” trên Twitter trong nỗ lực tuyên truyền này.
Tuy nhiên, chiến dịch tuyên truyền của chế độ đã phản tác dụng. Ngày càng nhiều kênh truyền thông, chính khách và nhà hoạt động nhân quyền gọi COVID-19 là “virus Trung Cộng”. Đã xuất hiện những tiếng nói về khả năng khởi kiện Trung Quốc, Đảng Cộng sản Trung Quốc, cá nhân ông Tập Cận Bình, hay các quan chức khác tại các tòa án quốc tế, yêu cầu phải chịu trách nhiệm và bồi thường cho những tổn thất trong việc tuyên truyền dối trá và che dấu đại dịch COVID-19.
Xem thêm:
- Bitter Winter: Cơ sở pháp lý của việc kiện Đảng Cộng sản Trung Quốc gây ra đại dịch virus
- Foreign Policy: Đại dịch là hậu quả của chính trị, đừng ngại cái tên “virus Trung Cộng”
Về vấn đề này, Leon Lee chia sẻ, “Nhiều người dân Trung Quốc dường như đang bảo hộ cho Đảng Cộng sản Trung Quốc, nhưng thực ra họ chỉ đang bảo vệ lòng tự tôn của họ mà thôi. Bởi vì tuyên truyền và tẩy não, họ chưa thể phân biệt được Đảng Cộng sản với văn hóa và dân tộc của mình.”
Leon Lee nhận thấy bản thân cần có trách nhiệm “nói cho mọi người điều đang thật sự diễn ra”. “Không có gì hiệu quả hơn điều đó. Không có gì khiến Đảng Cộng sản Trung Quốc sợ hãi hơn điều đó.”
Lee lớn lên ở Đại Liên, một thành phố cảng phía bắc Trung Quốc, và từng có một thời anh hoàn toàn tin vào Đảng. Năm 25 tuổi, anh chuyển tới sinh sống tại Canada, nơi anh được xem một đoạn phim về cuộc đàn áp Thiên An Môn năm 1989. Anh nhớ là mình đã “tức giận với người bạn chia sẻ đoạn phim đó”.
Lee vẫn luôn nghĩ rằng cuộc đàn áp Thiên An Môn chỉ là “thủ đoạn tuyên truyền do CIA dựng lên để bôi nhọ tổ quốc chúng tôi”. Điều cũng tương tự như tuyên truyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc trong nước mới đây rằng CIA mang COVID-19 tới Trung Quốc.
Mặc dù vậy, sau một thời gian theo học tại Đại học British Columbia ở Canada, và sau đó là Đại học Cornell ở Mỹ, Lee bắt đầu nhận ra rằng những bài học lịch sử mà anh từng được học tại quê nhà “là dối trá”.
Cũng trong “trải nghiệm đau thương” này, Lee đã thay đổi cách nhìn của mình về cái mà chính quyền Trung Quốc gọi là “ngũ độc”: người ly khai Duy Ngô Nhĩ, người ly khai Tây Tạng, người tập Pháp Luân Công, các nhà hoạt động dân chủ, và những người ủng hộ Đài Loan độc lập.
Lee chia sẻ cảm nghĩ của anh về ông Tôn Nghị (Sun Yi), nhân vật trong bộ phim “Thư từ Mã Tam Gia”. Anh nói ông là một trong những “người tốt nhất ở Trung Quốc”. Là một kỹ sư và một người tập Pháp Luân Công, ông Tôn Nghị đã bị đưa đi lao động cải tạo, bị tra tấn tàn bạo tại trại Mã Tam Gia, Liêu Ninh. Câu chuyện về hành trình của ông, về việc lá thư ông nhét bên trong hộp đồ chơi Halloween trở thành một cơn bão, về việc ông dũng cảm quay lại nhiều thước phim tại Trung Quốc bất chấp nguy cơ bị bắt giữ, về việc ông đã khiến những người lính gác từng làm việc tại Mã Tam Gia tìm lại được lương tri… đã khiến “Thư từ Mã Tam Gia” trở thành một bộ phim tài liệu vô cùng cảm động. (Xem bài: Bức thư cầu cứu vượt đại dương và dũng khí làm điều tử tế)
Chế độ Trung Quốc “sợ” những người như Tôn Nghị “nói lên sự thật”, Leon Lee chia sẻ. Sau khi chạy thoát khỏi Trung Quốc, được cho phép tị nạn tại Canada và chờ lấy visa tại Jakarta, Tôn Nghị có kể về một số đặc vụ của ĐCSTQ đã tới gặp ông. Ít lâu sau, ngay trước sinh nhật lần thứ 51 của Tôn Nghị vào 1/10/2017, ông mất trong một bệnh viện tại Bali, Indonesia. Xác của ông bị bệnh viện tức tốc hỏa thiêu (theo lời gia đình ông), và bệnh viện tuyên bố ông qua đời do bị suy thận. Tuy nhiên, gia đình Tôn Nghị cho biết ông chưa từng mắc bệnh về thận cho đến khi ông qua đời.
Leon Lee tin rằng tuyên truyền và bạo lực là trụ cột chống đỡ Đảng Cộng sản Trung Quốc, “nếu một trong hai cây cột đó bị dỡ đi, Đảng sẽ bị sụp đổ. Nếu người dân có đủ nhận thức, thì tuyên truyền sẽ không còn tác dụng và những người bị lợi dụng để sử dụng vũ lực như quân đội hay cảnh sát, họ sẽ không làm thế nữa.”
Leon Lee cũng tin rằng đại dịch COVID-19 có thể sẽ là điều khiến Bắc Kinh sụp đổ: “Những điều này rồi cũng sẽ đến đỉnh điểm, và giọt nước làm tràn ly có thể chỉ là một sự kiện rất bình thường. Nó [việc Đảng Cộng sản Trung Quốc sụp đổ] có thể đến sớm hơn tôi nghĩ, nếu nhìn vào cách chế độ xử lý đại dịch này.”
Nói về “Thư từ Mã Tam Gia”, Leon Lee nói Bắc Kinh chắc chắn không thích bộ phim được công chiếu trên khắp thế giới như hiện nay, nhưng “họ càng gây áp lực thì càng giúp tôi quảng bá phim của mình.”
Năm 2014, khi bộ phim tài liệu “Thu hoạch nhân thể” (Human Harvest) của Leon Lee, một bộ phim nói về tội ác thu hoạch nội tạng tại Trung Quốc, được công chiếu, chính quyền Trung Quốc đã gây ảnh hưởng, sử dụng một số kênh truyền thông để tuyên truyền rằng Pháp Luân Công đã “thêu dệt” nên tội ác này. Nhưng việc tuyên truyền đã “phản tác dụng”, tranh cãi đã thu hút sự chú ý của công chúng và các chính khách. Tội ác thu hoạch nội tạng do Đảng Cộng sản hậu thuẫn ngày càng được biết đến và công nhận. Như một khẳng định cho bộ phim “Thu hoạch nhân thể”, ngày 17/6/2019, một tòa án độc lập tại London tuyên bố chính quyền Đảng Cộng sản Trung Quốc phạm tội ác Chống lại loài người của trong việc cưỡng bức thu hoạch nội tạng. Nạn nhân là người tập Pháp Luân Công, người Hồi giáo Duy Ngô Nhĩ, Phật giáo Tây Tạng, và một số Kitô hữu không cầu nguyện tại nhà thờ nhà nước.
Lần này, trong bối cảnh hệ thống trại tập trung hoạt động mạnh mẽ khắp Trung Quốc, nhất là ở Tân Cương, Leon Lee “ước họ [chính quyền Trung Quốc] cũng làm điều gì đó [với bộ phim Thư từ Mã Tam Gia] để giúp tôi. Nhưng có vẻ như họ đã học được bài học từ sai lầm lần trước.”
Trailer phim “Thư từ Mã Tam Gia”, độc giả quan tâm có thể xem trên Itunes, Amazon, Google Play, Vimeo, tùy thuộc vùng địa lý.
Minh Nhật
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện viêm phổi Vũ Hán COVID-19 virus Trung Cộng Leon Lee Thư từ Mã Tam Gia phim nhân quyền Thảm sát Thiên An Môn Đàn áp tín ngưỡng