Nhà sáng lập Hong Kong Watch thúc giục chính phủ Anh chế tài Trung Quốc
- Như Ngọc
- •
Trả lời phỏng vấn tờ Breitbart London, nhà sáng lập tổ chức phi chính phủ Hong Kong Watch có trụ sở tại Anh, ông Benedict Rogers nói rằng đã đến lúc chính phủ Anh Quốc phải đóng vai trò lãnh đạo tại Hồng Kông, ban hành luật ủng hộ biểu tình Hồng Kông và chế tài chế độ Trung Quốc.
Ông Benedict Rogers là nhà hoạt động nhân quyền người Anh. Vào thứ Bảy 23/11 (giờ địa phương), ông Rogers đã tham gia vào một cuộc biểu tình bên ngoài Văn phòng Chính phủ Anh ở số 10 Phố Downing để kêu gọi chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson phải có hành động tại Hồng Kông.
“Tôi nghĩ Vương Quốc Anh hoàn toàn có trách nhiệm dẫn dắt [vấn đề Hồng Kông] hiện nay, đặc biệt khi Quốc hội Mỹ đã đưa ra lập trường thực sự đáng hoan nghênh. Tuy nhiên Vương Quốc Anh rõ ràng có nghĩa vụ đạo đức xuất phát từ lịch sử của chúng ta. Quan trong hơn nữa, chúng ta có nghĩa vụ pháp lý vì là một bên ký kết tuyên bố chung Trung – Anh, văn kiện mà hiện nay Trung Quốc rõ ràng đang coi thường,” ông Rogers nói.
“Do đó tôi muốn chính phủ Anh Quốc phải lên tiếng nhiều hơn nữa, phải xem xét ban hành một số luật tương tự như luật của Mỹ, phải xem xét các chế tài theo đạo luật nhân quyền Magnitsky, và các biện pháp khác,” ông Rogers nói thêm.
Trong một bài phát biểu được trình bày bên ngoài Văn phòng Chính phủ Anh, ông Rogers đã viện dẫn một lá thư do các em nhỏ của Trường Queen Elizabeth tại Hồng Kông gửi Nữ hoàng Elizabeth II. Sáu học sinh đã viết thư cho Nữ hoàng, cầu xin Vương Quốc Anh hãy đứng lên, nói rằng “đây là thời khắc đen tối nhất của chúng ta”.
Nhà sáng lập Hong Kong Watch cũng chỉ trích cách Đảng Cộng sản Trung Quốc tra tấn và hành xử đối với cựu nhân viên lãnh sự Anh Quốc Simon Cheng (Trịnh Văn Kiệt) là “một sự sỉ nhục”.
“Đó hoàn toàn là một sự sỉ nhục, ý tôi đó là sự sỉ nhục cho bất cứ người nào phải chịu đựng loại tra tấn như vậy, nhưng nó đặc biệt sỉ nhục cho một người đang là nhà ngoại giao. Việc Trung Quốc hoàn toàn coi thường và không tôn trọng các quy tắc đối xử với các nhân viên lãnh sự là đặc biệt thái quá,” ông Rogers nói.
“Tôi vui mừng khi Ngoại trưởng Anh Quốc, Dominic Raab, đã lên tiếng mạnh mẽ. Tôi vui mừng khi ông ta đã triệu tập Đại sứ Trung Quốc tại Anh, nhưng tôi nghĩ lời nói cần đi đôi với hành động. Chúng ta cần các chế tài kiểu đạo luật nhân quyền Magnitsky, phải buộc những người này chịu trách nhiệm,” ông Rogers kiến nghị.
Khi được hỏi liệu ông có tin rằng Hồng Kông có thể có tự do trong khi thành phố này vẫn do Đảng Cộng sản Trung Quốc kiểm soát, ông Rogers nói: “Tôi nghĩ không chắc Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ lựa chọn điều đó”.
“Như tôi đã từng nói, tôi nghĩ rằng nếu có đủ sự phản đối của quốc tế, nếu những nước có cùng chí hướng thực sự sát cánh cùng nhau, Mỹ, Anh Quốc, Liên minh Châu Âu, các nền dân chủ khác… và nếu chúng ta có thể thành lập một loại liên minh nào đó của các nước có cùng chí hướng để nói cùng một tiếng nói, để hành động thống nhất, thì điều đó có thể tạo ra đủ áp lực cho việc cải cách chính trị.”
“Chúng ta sẽ không biết [tự do ở Hồng Kông có khả thi hay không] nếu chúng ta không nỗ lực, và nếu chúng ta chỉ nói điều đó là không thể thì sau đó chúng ta biết Hồng Kông là chấm hết. Chúng ta phải hành động vì điều đó,” ông Rogers kết luận.
Văn 2017, ông Benedict Rogers đã bị cấm nhập cảnh vào Hồng Kông sau khi chế độ Bắc Kinh giận dữ vì ông chỉ trích chính quyền Hồng Kông bỏ tù các nhà hoạt động ủng hộ dân chủ.
Như Ngọc
Xem thêm:
Từ khóa Hồng Kông Dòng sự kiện chính phủ Anh biểu tình Hồng Kông