Nhóm Bộ Tứ thảo luận về chuỗi cung ứng đất hiếm không phụ thuộc vào Trung Quốc
- Gia Huy
- •
Khi Hoa Kỳ, Ấn Độ, Nhật Bản, và Úc gặp nhau trong hội nghị [trực tuyến] thượng đỉnh cấp lãnh đạo đầu tiên của liên minh Quad (Bộ Tứ) vào đầu tháng này, một lĩnh vực quan trọng được tập trung thảo luận là khoáng chất đất hiếm được sử dụng trong các ngành công nghệ quan trọng. Các quốc gia này đang thành lập một nhóm công tác để tập trung vào việc đảm bảo các chuỗi cung ứng đất hiếm trong bối cảnh chế độ cộng sản Trung Quốc ngày càng hung hăng.
Đất hiếm là một nhóm gồm 17 khoáng chất khác nhau rất thiết yếu đối với các ngành công nghệ quan trọng bao gồm điện thoại thông minh, xe hơi điện, cảm biến quân sự và hệ thống liên lạc.
Liên minh Quad đang tìm cách thành lập một Nhóm Công tác về Công nghệ Quan trọng và Mới nổi để đảm bảo an ninh chuỗi cung ứng trong nền kinh tế toàn cầu liên kết với nhau. Hôm 12/3, Nhà Trắng cho biết trong một bản thông tin hội nghị thượng đỉnh: “Các nhà lãnh đạo của Quad nhận ra rằng một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do, cởi mở, hòa nhập và sôi động yêu cầu rằng công nghệ quan trọng và mới nổi phải được quản lý và hoạt động phù hợp với các giá trị và lợi ích chung.”
Kim loại đất hiếm chiếm vị trí trung tâm trong cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc – quốc gia sản xuất hơn 80% các khoáng chất này. Vào ngày 30/9/2020, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã tuyên bố việc Hoa Kỳ phụ thuộc vào Trung Quốc về kim loại đất hiếm là tình trạng khẩn cấp quốc gia.
Năm ngoái, một bản cáo bạch tình huống về chuỗi cung ứng đất hiếm của Bộ Năng lượng Hoa Kỳ định nghĩa đất hiếm hoặc khoáng chất quan trọng là khoáng chất phi nhiên liệu “rất quan trọng đối với nền kinh tế và an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và chuỗi cung ứng các khoáng chất này rất dễ bị gián đoạn.”
Bộ này cho biết việc phụ thuộc vào nhập khẩu khiến chuỗi cung ứng, các công ty Hoa Kỳ, và người sử dụng nguyên liệu gặp rủi ro.
Bộ Năng lượng Mỹ nói: “Ví dụ, 60% coban của thế giới được khai thác tại Cộng hòa Dân chủ Congo, và 80% nguồn cung đó được xử lý tại Trung Quốc. Sự phụ thuộc của quốc gia [Hoa Kỳ] vào các nguồn nguyên liệu quan trọng của nước ngoài tạo ra một lỗ hổng chiến lược đối với cả nền kinh tế và quân đội chúng ta trước các hành động thù địch của chính phủ nước ngoài, thiên tai, cũng như các sự kiện khác vốn có thể làm gián đoạn nguồn cung.”
Ông Satoru Nagao, một giảng viên không thường trú của Viện Hudson đặt tại Washington, nói với The Epoch Times rằng để đảm bảo chuỗi cung ứng, các quốc gia trong nhóm Quad nên trao đổi thông tin về việc khai thác các khoáng chất này và cùng nhau phát triển việc khai thác, cũng như “thiết lập một chuỗi cung ứng tại [khu vực] Ấn Độ – Thái Bình Dương bằng cách sử dụng nền tảng của mình cùng với các quốc gia cùng chí hướng khác, bao gồm các đồng minh của Hoa Kỳ tại khu vực Ấn Độ – Thái Bình Dương và châu u.
Theo ông Thomas Duesterberg, giảng viên chính của Viện Hudson, những ảnh hưởng địa chính trị của việc Trung Quốc kiểm soát đất hiếm đã được minh họa bằng việc Trung Quốc thúc đẩy hình thành Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP), một thỏa thuận thương mại của khu vực không bao gồm Đài Loan, nơi các nhà sản xuất điện tử phụ thuộc rất nhiều vào việc sản xuất đất hiếm của Trung Quốc.
Ông Duesterberg viết trong một bản phân tích ngày 17/2 rằng việc Trung Quốc loại trừ Đài Loan ra khỏi RCEP là nhằm mục đích buộc các nhà sản xuất chuyển việc sản xuất hàng điện tử tiên tiến ra khỏi đảo quốc này và do đó gây thêm khó khăn về kinh tế và chính trị cho đảo quốc.
Sự độc quyền của Trung Quốc
Ông Ian Hall, phó giám đốc của Viện Griffith châu Á tại Brisbane, Úc, nói với The Epoch Times trong một email: “Vấn đề đất hiếm đang ngày càng trở nên to lớn, Hoa Kỳ và Nhật Bản cần chúng và Úc có trữ lượng [đất hiếm] đáng kể. Đầu tư vào khai thác và xử lý đất hiếm là cần thiết, và sẽ khôn ngoan khi đa dạng hóa nguồn cung tránh phụ thuộc vào Trung Quốc, vì rằng nước này từng gây ra những mối đe dọa trong quá khứ.”
Mặc dù Trung Quốc chỉ sở hữu 1/3 trữ lượng kim loại đất hiếm toàn cầu, nhưng nước này đang kiểm soát trên 80% thị trường toàn cầu về đất hiếm, vượt qua cả Hoa Kỳ, vốn đã thống trị thị trường toàn cầu trong nhiều thập kỷ trước.
Trong một cuộc phỏng vấn tại Hội nghị thượng đỉnh Năng lượng Thái Bình Dương năm 2019, bà Kristin Vekasi của Đại học Maine cho biết: “Trung Quốc đã thống trị việc sản xuất kim loại đất hiếm kể từ những năm 1990, chủ yếu được thúc đẩy bởi hai yếu tố: giá thấp và sự đầu tư của nhà nước vào cơ sở hạ tầng và công nghệ.”
Bà nói: “Sau khi Trung Quốc thiết lập sự thống trị trong việc sản xuất [đất hiếm], họ đã sử dụng việc định giá khác nhau để tạo lợi thế cho các nhà sản xuất hạ nguồn trong nước so với khách hàng nước ngoài. Giá trong nước rẻ hơn, cũng như sự có sẵn về chuyên môn chuyên sâu đã góp phần thu hút các nhân tài nước ngoài đến Trung Quốc”. Chính sách này của Trung Quốc đã thành công, và một số doanh nghiệp Nhật Bản đã chuyển sản xuất sang Trung Quốc.
Ông Nagao nói: “Năm 2012, Nhật Bản đã đồng ý với Ấn Độ để nhập ba khoáng chất đất hiếm, bao gồm neodymium (Nd), Xeri (Ce), lantan (La). Tuy nhiên, đây chỉ là 10% [đất hiếm] Nhật Bản cần.”
Nhật Bản hiện đang phụ thuộc vào Trung Quốc khi phải nhập 60% đất hiếm từ quốc gia này, trong khi khoáng chất của Hoa Kỳ cũng được xuất khẩu sang Trung Quốc để phân tách, xử lý và tinh chế.
Các khoáng chất đất hiếm không hiếm, nhưng chúng rất khó xác định, và việc khai thác đất hiếm yêu cầu phải khai thác một số lượng lớn đá [có chứa đất hiếm]. Theo Air Force Magazine, đá được khai thác từ mỏ sau đó phải trải qua một “quy trình xử lý công nghệ phức tạp và nguy hại cho môi trường” mới thu được một lượng khoáng chất đất hiếm hữu ích.
Các quốc gia trong nhóm Quad có trữ lượng khoáng chất đất hiếm khác nhau nhiều. Theo Statista, tổng trữ lượng đất hiếm của thế giới năm 2020 là 120 triệu tấn, trong đó Trung Quốc sở hữu 44 triệu tấn, Ấn Độ chiếm 6,9 triệu tấn, Úc có 4,1 triệu tấn và Hoa Kỳ có 1,5 triệu tấn. Việt Nam, một thành viên của Quad+ (Quad mở rộng), có trữ lượng 22 triệu tấn.
Quad đã mở rộng thành viên của mình trong thời gian xảy ra đại dịch, với sự tham gia của New Zealand, Hàn Quốc, và Việt Nam và được gọi nhòm nhóm Quad+.
Việc liên minh Quad tập trung vào các kim loại và công nghệ quan trọng khiến Trung Quốc không hài lòng. Khi được hỏi về hội nghị thượng đỉnh Quad, ông Triệu Lập Kiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã nói trong một cuộc họp báo vào ngày 12/3 rằng việc trao đổi và hợp tác giữa các quốc gia không nên phá hoại lợi ích của bên thứ ba.
Ông Chen Zhangheng, phó chủ tịch Hiệp hội Ngành Đất Hiếm Trung Quốc, nói với Thời báo Hoàn Cầu (Global Times), tờ báo do nhà nước Trung Quốc điều hành: “Trung Quốc đã đầu tư đáng kể để hoàn thiện công nghệ tinh chế của mình trong nhiều năm qua, tạo ra một lợi thế nhất định trong lĩnh vực này. Phương Tây hiện thiếu nguồn nhân tài và hiệu quả liên quan [đến lĩnh vực này] để cạnh tranh với Trung Quốc, ngoài ra họ phải đối mặt với chi phí cao hơn nhiều nếu tự sản xuất thay vì nhập khẩu.” Ông Zhanheng dự đoán rằng Trung Quốc sẽ tiếp tục thống trị chuỗi cung ứng đất hiếm trong 10 năm tới.
Sử dụng chiến lược các kim loại đất hiếm
Ông Nagao cho biết hội nghị thượng đỉnh Quad tập trung vào chuyển các chuỗi công nghệ quan trọng ra khỏi tầm kiểm soát của Trung Quốc là rất quan trọng đối với sự chuẩn bị an ninh của các quốc gia này.
Ví dụ, theo Air Force Magazine, Neodymium – khoáng chất đất hiếm có từ trường mạnh nhất, rất cần thiết cho việc chế tạo các hệ thống dẫn đường cho tên sửa. Lantan có thể nâng cao chất lượng của ống kính máy ảnh cao cấp, đặc biệt các ống kính được sử dụng trong tình báo, giám sát, và trinh sát.
Một khoáng chất đất hiếm khác, phốt pho europi, là thành phần quan trọng trong các thanh điều khiển của lò phản ứng hạt nhân bởi vì khả năng hấp thụ neutron độc đáo của nó.
Ông Nagao nói: “Nếu các nguồn đất hiếm này đến từ Trung Quốc, vũ khí sẽ phụ thuộc vào Trung Quốc. Nếu nhóm Quad có thể đảm bảo các nguồn đất hiếm, thì họ có thể đảm bảo hệ thống vũ khí mới.”
Gia Huy (Theo The Epoch Times)
Xem thêm:
Từ khóa Quan hệ Mỹ - Trung đất hiếm Dòng sự kiện Bộ tứ kim cương sản xuất đất hiếm