Ông Biden lại ra lệnh điều tra về nguồn gốc của nCoV sau khi dừng nỗ lực của Mike Pompeo
- Xuân Lan
- •
Ông Joe Biden hôm thứ Tư (26/5) đã ra lệnh cho các cơ quan tình báo Hoa Kỳ “tăng gấp đôi nỗ lực” để điều tra nguồn gốc của virus corona, mặc dù chỉ một ngày trước đó chính quyền Biden đã yêu cầu kết thúc cuộc điều tra của Bộ Ngoại giao dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump với cùng mục đích.
“Hiện tôi đã yêu cầu Cộng đồng Tình báo tăng gấp đôi nỗ lực để thu thập và phân tích thông tin có thể đưa chúng ta đến gần hơn một kết luận cuối cùng và báo cáo lại cho tôi sau 90 ngày,” ông Biden nói trong một tuyên bố đưa ra hôm thứ Tư.
CNN đưa tin hôm thứ Ba rằng chính quyền Biden đã đóng lại cuộc điều tra của Bộ Ngoại giao do Ngoại trưởng Mike Pompeo khi đó phát động để điều tra nguồn gốc của virus.
Ngay sau khi biết về sự việc, ông Pompeo phản ứng mạnh mẽ trên Twitter, lên án chính quyền Biden đứng về phía Trung Quốc.
President Biden sides with China, WHO and the liberal media on Wuhan virus—joining the “nothing to see here crowd” by shutting down State Dept. pandemic origin investigation I commenced.
This isn’t political. America must lead on this.https://t.co/9cjyeDmpj9
— Mike Pompeo (@mikepompeo) May 26, 2021
Ông viết: “Tổng thống Biden đứng về phía Trung Quốc, WHO và các phương tiện truyền thông cánh tả về virus Vũ Hán – gia nhập cái gọi là hội “không có gì để xem ở đây” bằng cách đóng lại cuộc điều tra về nguồn gốc đại dịch của Bộ Ngoại giao mà tôi đã khởi xướng”. “Đây không phải là chính trị. Mỹ phải đi đầu về điều này”.
Ông Biden cho biết trong tuyên bố của mình rằng, cộng đồng tình báo hiện vẫn chưa đưa ra kết luận về nguồn gốc của virus là từ động vật bị nhiễm bệnh lây truyền cho người hay từ một sự cố trong phòng thí nghiệm.
Ông lưu ý rằng hiện có hai giả thuyết mà cộng đồng tình báo đang tập trung đến, thứ nhất là giả thuyết rằng con người đã nhiễm virus từ một loài vật bị nhiễm bệnh; giả thuyết còn lại là lý thuyết virus bị rò rỉ trong phòng thí nghiệm.
Mỗi giả thuyết đều có “độ tin cậy thấp hoặc trung bình”, ông Biden nói, lưu ý rằng các cơ quan tình báo “không tin rằng có đủ thông tin để đánh giá một giả thuyết có nhiều khả năng hơn cái kia.”
Hôm thứ Hai, Thư ký báo chí Nhà Trắng Jen Psaki chỉ ra rằng một cuộc điều tra do Hoa Kỳ dẫn đầu là không cần thiết, cho rằng chính quyền “hy vọng” rằng Tổ chức Y tế Thế giới sẽ thành công hơn trong việc điều tra Trung Quốc.
Báo cáo tháng 3 của WHO gọi kịch bản nguồn gốc rò rỉ trong phòng thí nghiệm là “cực kỳ khó xảy ra” và cho biết nguồn gốc có khả năng nhất là sự lây truyền virus corona từ dơi sang người.
Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ (NIH) trước đây đã tài trợ cho nghiên cứu virus corona ở loài dơi ở Vũ Hán, nhưng đã từ chối hỗ trợ các thí nghiệm “tăng chức năng” liên quan đến việc sửa đổi một loại virus để nó trở nên dễ lây truyền sang người hơn, theo Reuters.
Khoản tài trợ này đã bị chính quyền của cựu tổng thống Donald Trump chấm dứt vào năm ngoái.
Lý thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm đã được nhiều đảng viên Cộng hòa nghiêng về, trong đó bao gồm cáo buộc sự dính líu gián tiếp của bác sĩ Anthony Fauci.
Giả thuyết rò rỉ phòng thí nghiệm đã khiến Trung Quốc tức giận. Hôm 26/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Triệu Lập Kiên đã lên tiếng bác bỏ và cáo buộc Washington “truyền bá các thuyết âm mưu và thông tin sai lệch”.
Tuy nhiên, giả thuyết này đang ngày càng được quan tâm tại Hoa Kỳ, nơi ban đầu nó được cựu TT Trump và các trợ lý của ông thúc đẩy và bị nhiều người bác bỏ như một chủ đề chính trị.
Trước đó, giả thuyết về nguồn gốc tự nhiên cho rằng virus xuất hiện ở dơi sau đó truyền sang người, có thể là qua một loài trung gian được chấp nhận rộng rãi hơn khi bắt đầu đại dịch. Nhưng nhưng thời gian trôi qua, các nhà khoa học vẫn chưa tìm thấy một loại virus nào ở dơi hoặc động vật khác phù hợp với dấu hiệu di truyền của SARS-CoV-2.
Đây không phải là trường hợp giống như SARS hay MERS, các chủng virus corona này đã được tìm thấy ở cầy hương và lạc đà một cách tương đối nhanh chóng.
Trích dẫn một báo cáo tình báo của Hoa Kỳ, The Wall Street Journal hôm Chủ nhật đưa tin rằng 3 nghiên cứu viên từ Viện Virus Vũ Hán đã phải nhập viện vì các triệu chứng giống như viêm phổi vào tháng 11 năm 2019, một tháng trước khi Bắc Kinh tiết lộ sự tồn tại của căn bệnh.
Hoa Kỳ và các quốc gia khác đã kêu gọi một cuộc điều tra sâu rộng hơn về nguồn gốc của đại dịch, sau khi một báo cáo của nhóm điều tra quốc tế do Tổ chức Y tế Thế giới gửi đến Trung Quốc hồi đầu năm cho thấy không có kết quả.
Xuân Lan
Xem thêm:
Từ khóa Dòng sự kiện điều tra nguồn gốc COVID-19