Ông Tập Cận Bình gặp Cao ủy Nhân quyền LHQ sau khi Mỹ chỉ trích chuyến thăm của bà
- Minh Ngọc
- •
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tổ chức cuộc họp qua video với Cao ủy Nhân quyền Liên Hợp Quốc (LHQ) Michelle Bachelet vào ngày 25/5, một ngày sau khi các tài liệu mới tiết lộ những vi phạm nhân quyền của chế độ nhằm vào người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương được công bố.
Bà Bachelet bắt đầu chuyến đi 6 ngày của mình tới Trung Quốc từ hôm 23/5. Đây là chuyến đi đầu tiên của một người đứng đầu nhân quyền LHQ đến quốc gia này kể từ năm 2005. Bà sẽ đến thăm Kashgar và Urumqi, cả hai đều ở khu vực Tân Cương, nơi mà LHQ ước tính có khoảng 1 triệu người người Duy Ngô Nhĩ và các dân tộc thiểu số Hồi giáo khác đang bị giam giữ.
Các cựu tù nhân đã kể lại những hành vi lạm dụng bên trong các cơ sở, chẳng hạn như tuyên truyền chính trị, tra tấn, tiêm thuốc không rõ nguồn gốc và cưỡng hiếp. Trong khi chính quyền Bắc Kinh phủ nhận toàn bộ các hành vi lạm dụng nói trên, Hoa Kỳ và các nền dân chủ phương Tây khác lại tuyên bố đây là một tội ác diệt chủng.
Nhiều quan chức phương Tây và những người ủng hộ nhân quyền đã lên tiếng chỉ trích chuyến thăm này. Họ quan ngại chế độ Trung Quốc sẽ giới hạn số lượng người mà bà Bachelet có thể tiếp cận nói chuyện, thậm chí còn tận dụng theo sát chuyến thăm và sử dụng nó cho mục đích tuyên truyền.
Trong cuộc gọi điện video hôm 25/5, ông Tập bác bỏ những lời chỉ trích và bảo vệ quan điểm nhân quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ), khẳng định tất cả đều “phù hợp với điều kiện quốc gia của chính mình”, theo đài truyền hình nhà nước CCTV.
“Về vấn đề nhân quyền, không có ‘quốc gia lý tưởng’ hoàn hảo,” ông Tập cho hay.
Đáng chú ý, bản tin từ truyền thông nhà nước Trung Quốc không hề đề cập đến Tân Cương.
CCTV cũng dẫn lời bà Bachelet rằng, bà rất “ngưỡng mộ” những nỗ lực và thành tựu của chính quyền Bắc Kinh về vấn đề nghèo đói và nhân quyền.
Trong một dòng tweet từ văn phòng của bà Bachelet hôm 25/5, bà mô tả cuộc gặp với ông Tập và các quan chức cấp cao của Trung Quốc là cơ hội quý giá để thảo luận trực tiếp các vấn đề và đặc biệt là mối quan tâm về nhân quyền.
“Đối với tôi, việc tham gia trực tiếp với Chính quyền Trung Quốc… bàn về các vấn đề nhân quyền, trong nước, khu vực và toàn cầu là một mối ưu tiên,” bà Bachelet bày tỏ trong bài phát biểu khai mạc cuộc họp, theo một tuyên bố của LHQ. “Vì sự phát triển, hòa bình và an ninh để đạt được sự bền vững – tại cả ở địa phương và xuyên biên giới – nhân quyền phải là vấn đề cốt lõi.”
Cuộc họp diễn ra một ngày sau khi hàng nghìn bức ảnh chụp về tình cảnh bị giam giữ của nhóm người Duy Ngô Nhĩ, cũng như tài liệu của cảnh sát Tân Cương được công bố bởi nhóm vận động Nạn nhân của Chủ nghĩa Cộng sản có trụ sở tại Washington. Số lượng dữ liệu này, được gọi là Hồ sơ cảnh sát Tân Cương, được cho là bị lộ sau khi các máy chủ máy tính của cảnh sát ở Tân Cương bị tấn công, và sau đó được báo chí toàn cầu đưa tin rộng rãi.
Bà Bachelet bắt đầu chuyến đi của mình từ thành phố cảng phía Nam Quảng Châu, tại đây bà đã gặp Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Vương Nghị. Tuyên bố trên trang web của bộ này còn đăng một bức ảnh cho thấy ông Vương gửi cho bà Bachelet một cuốn sách trích dẫn bình luận của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình về nhân quyền.
Theo Bộ Ngoại giao Trung Quốc, chuyến đi được thực hiện trong một “vòng khép kín”, một cơ chế từng được sử dụng trong Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh, nơi mọi người gần như không có tiếp xúc với thế giới bên ngoài. Ngoài ra, sẽ không có bất cứ nhà báo nào được đồng hành với bà Bachelet. Văn phòng của bà cho hay, bà Bachelet sẽ tổ chức một cuộc họp báo vào cuối chuyến đi.
Trước đó, ngày 20/5, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết trong một cuộc họp báo: “Chúng tôi quan ngại sâu sắc về chuyến thăm sắp tới”. Ông nói thêm, Hoa Kỳ “không lạc quan rằng Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ cấp quyền tiếp cận cần thiết và đủ để tiến hành một đánh giá toàn diện, không sai lệch về tình hình nhân quyền ở Tân Cương.”
“Chúng tôi cho rằng thật sai lầm khi đồng ý đến thăm trong hoàn cảnh này, khi mà cao ủy sẽ không được cấp quyền tiếp cận rộng rãi, tự do và đầy đủ để có đánh giá toàn diện và ghi lại được bức tranh toàn cảnh về những hành động tàn bạo, tội ác chống lại loài người, và cuộc diệt chủng đang diễn ra ở Tân Cương,” ông Price nhấn mạnh.
Từ khóa Michelle Bachelet nhân quyền Trung Quốc diệt chủng ở Tân Cương