Philippines tuần tra chung trên biển, trên không với quân đội Mỹ
- Anh Nguyễn
- •
Các quan chức của Philippines cho biết quân đội của nước này và Hoa Kỳ đã tiến hành tuần tra chung vào thứ Ba (21/11) tại vùng biển gần Đài Loan, một động thái có thể làm gia tăng căng thẳng với Trung Quốc.
Các cam kết an ninh giữa hai đồng minh hiệp ước Mỹ – Philippines đã tăng vọt trong năm nay, bao gồm quyết định tăng gần gấp đôi số căn cứ của Philippines mà quân đội Mỹ có thể tiếp cận, một số căn cứ trong đó đối diện với Đài Loan. Hai nước cũng tổ chức cuộc tập trận chung lớn nhất từ trước đến nay vào tháng Tư.
Tổng thống Philippines Ferdinand Marcos Jr. cho biết cuộc tập trận chung trên không và trên biển kéo dài ba ngày trong tuần này là một “sáng kiến quan trọng” nhằm tăng cường khả năng tương tác giữa hai bên.
“Tôi tin tưởng điều này… sẽ góp phần tạo ra một môi trường an toàn và ổn định hơn cho người dân của chúng tôi”, ông Marcos nói trên nền tảng truyền thông xã hội X.
Người phát ngôn của Bộ chỉ huy Bắc Luzon, ông Eugene Cabusao cho biết cuộc tập trận sẽ bắt đầu ở đảo Mavulis, điểm cực bắc của Philippines, cách Đài Loan khoảng 100 km.
Cuộc tập trận sẽ kết thúc ở Biển Tây Philippines, tên mà Manila sử dụng cho các vùng biển ở Biển Đông nằm trong vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của nước này.
Quân đội Philippines cho biết ba tàu hải quân, hai máy bay chiến đấu hạng nhẹ FA-50 và một máy bay tấn công hạng nhẹ A-29B Super Tucano sẽ tham gia, trong khi Mỹ sẽ cử một tàu chiến đấu duyên hải và một máy bay tuần tra, trinh sát hàng hải P8-A Poseidon.
Tin tức về cuộc tuần tra chung này xuất hiện một ngày sau khi Tổng thống Marcos phát biểu tại một diễn đàn ở Hawaii rằng tình hình ở Biển Đông đã trở nên “khốc liệt hơn” khi quân đội Trung Quốc tiến gần hơn đến bờ biển Philippines.
Các cuộc tuần tra, có thể khiến Trung Quốc khó chịu, đây là dấu hiệu Philippines đang tăng cường tư thế phòng thủ trong bối cảnh nước này mô tả là “các hoạt động gây hấn” của Trung Quốc tại vùng biển mang tính chiến lược cao, từ lâu được coi là điểm nóng tiềm tàng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Người phát ngôn Đại sứ quán Trung Quốc tại Washington, ông Liu Pengyu, cho biết: “Trung Quốc tin rằng hợp tác quốc phòng và an ninh giữa các nước cần có lợi cho hòa bình và ổn định trong khu vực. Họ không nên leo thang căng thẳng hoặc làm suy yếu niềm tin giữa các nước, càng không nên nhắm vào bất kỳ bên thứ ba nào”.
Đại sứ quán Trung Quốc tại Manila đã không trả lời yêu cầu bình luận.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền hầu hết Biển Đông trên cơ sở “đường chín đoạn” trải dài tới 1.500 km (900 dặm) về phía nam đất liền, cắt vào vùng đặc quyền kinh tế của các bên tranh chấp: Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam.
Ông Marcos đã xây dựng mối quan hệ chặt chẽ hơn với Washington kể từ khi nhậm chức vào năm ngoái. Trước đó cựu Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte đã xích lại gần Bắc Kinh hơn để đổi lấy các dự án cơ sở hạ tầng và đầu tư.
Mối quan hệ với Trung Quốc trở nên xấu đi dưới thời ông Marcos, với các cuộc đối đầu liên tục giữa các tàu Trung Quốc và Philippines trong vùng biển mà cả hai nước đều tuyên bố chủ quyền, dẫn đến những lời lẽ trao đổi qua lại gay gắt và lo ngại về sự leo thang.
Ông Marcos gần đây đã gặp Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong nỗ lực giảm bớt căng thẳng.
Ông Jay Batongbacal, giám đốc Viện Hàng hải và Luật Biển ở thủ đô Manila, cho biết cuộc tuần tra chung với Mỹ cho thấy Manila đang thể hiện lập trường trên Biển Đông.
Ông Batongbacal nói: “Điều đó cho thấy Philippines đang thực sự củng cố lập trường của mình trong các vấn đề Biển Tây Philippines”.
Từ khóa quan hệ Trung Quốc - Philippines Xung đột biển Đông đường chín đoạn Ferdinand Marcos Jr Philippines Mỹ tập trận chung