Hàng năm vào Ngày Chiến thắng 9/5, nước Nga luôn tổ chức hoạt động kỷ niệm hoành tráng cuộc chiến thắng chống phát xít dưới ánh mắt kính nể từ cộng đồng quốc tế. Nhưng năm nay, những điều tốt đẹp đó sẽ chỉ còn là dĩ vãng.

p3145351a754320660
Putin phát biểu tại lễ duyệt binh Ngày Chiến thắng 9/5/2016 của Nga (Nguồn: kremlin.ru/CC BY 4.0).

Hàng năm vào Ngày Chiến thắng 9/5, nước Nga tổ chức duyệt binh để đánh dấu kết thúc Thế chiến thứ II. Trên Quảng trường Đỏ ở Moscow và các thành phố trên khắp nước Nga sẽ xuất hiện hàng ngàn quân nhân và hàng loạt thiết bị quân sự hùng hậu. Nhưng năm nay có một chút khác biệt, vì Moscow liên kết trực tiếp cuộc chiến xâm lược Ukraine hiện nay với cuộc đấu tranh chống phát xít trong lịch sử, nên người tuần hành cầm di ảnh của những người lính thiệt mạng trong cuộc chiến Ukraine hiện tại, cùng với di ảnh của những người đã chiến đấu trong các cuộc chiến chống phát xít trước đây. 

Theo Financial Times, các nhà quan sát quốc tế sẽ xem xét kỹ lưỡng chiến dịch để tìm những dấu hiệu cho thấy cuộc chiến ở Ukraine đã làm suy yếu quân đội của Moscow và các bước tiếp theo của nước này. Đối với Tổng thống Putin, cuộc duyệt binh là cơ hội để phô trương sức mạnh của nước Nga trong lúc hình ảnh của họ đang bị hoen ố và hủy hoại nặng nề vì cuộc chiến xâm lược đang diễn ra ở Ukraine.

Nhưng Ngày Chiến thắng cũng là cơ hội để Điện Kremlin sử dụng sức mạnh tình cảm của Thế chiến thứ II nhằm biện minh cho việc tấn công nước láng giềng. Người Nga gọi nó là Chiến tranh Vệ quốc Vĩ đại.

Từ năm 1941 – 1945 khi Đức Quốc xã xâm lược Liên Xô đã hại chết khoảng 24 triệu công dân Liên Xô và câu chuyện về tinh thần hy sinh này vẫn còn vang vọng trong lòng người Nga ngày nay. Nhận thức được điều này, Điện Kremlin đã nhiều lần biện minh cho cuộc xâm lược Ukraine với lý do cần phải “phi phát xít hóa” nước này, mô tả cuộc chiến là một sứ mệnh lịch sử và anh hùng mà người dân Nga phải gánh vác.

Người sáng lập công ty phân tích R.Politik là Tatyana Stanovaya nói: “Điều này có rất nhiều ý nghĩa đối với ông Putin. Trong cuộc chiến xâm lược Ukraine, ông Putin sẽ tận dụng ngày 9/5 và tất cả các lễ kỷ niệm chiến thắng để biện minh cho cuộc xâm lược của Nga, và đưa vấn đề vào bối cảnh chung là chống lại chủ nghĩa Quốc xã”.

Dưới tuyên truyền của truyền thông nhà nước Nga, tư tưởng về cuộc chiến chống chủ nghĩa Quốc xã của Nga ở Ukraine đã bén rễ trong nước Nga bất chấp thực tế quan điểm cực hữu (tân Quốc xã) bị gạt ra ngoài lề ở Ukraine, và Tổng thống Zelensky của đất nước Ukraine là người Do Thái.

Trong một cuộc phỏng vấn với kênh truyền hình Ý vào tuần trước, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov nói rằng việc ông Zelensky là người Do Thái không phủ nhận tồn tại “phát xít” ở Ukraine vì “Hitler cũng có dòng máu Do Thái” và “những người bài Do Thái nhiệt tình nhất thường là người Do Thái”. Sau đó ông Putin đã phải xin lỗi Israel về những nhận xét trên.

Có phân tích cho rằng giới cầm quyền Nga sẽ dùng hoạt động ngày 9/5 để miêu tả Nga đang đối mặt đe dọa sinh tử. Thành viên cấp cao Alexander Gabuev tại Quỹ Carnegie vì Hòa bình Quốc tế cho biết: “Bài phát biểu của ông Putin và toàn bộ màn trình diễn sẽ chủ yếu nhắm tới công chúng Nga với thông điệp là công dân phải ‘đoàn kết xung quanh giới lãnh đạo và lá cờ tổ quốc’ để bảo vệ sự sinh tồn của nước Nga”.

Nhiều người ở Nga đã mong đợi cuộc xung đột ở Ukraine sẽ kết thúc trước ngày 9/5, cho phép ông Putin tuyên bố chiến thắng trong thời gian hoạt động chào mừng.

Ông Alexander Gabuev nói: “Rõ ràng trước ngày 9/5 sẽ không có kết luận ý nghĩa nào”. Ông cho biết những gì người Nga hiện đạt được tại Ukraine sẽ được tuyên bố là “giai đoạn đầu của chiến dịch đã tạm thời đạt được mục tiêu”, nhưng có một thông điệp rõ ràng rằng cuộc chiến sẽ tiếp tục.

Nhiều nhà quan sát sẽ theo dõi cuộc duyệt binh để thấy những dấu hiệu minh chứng cuộc chiến ở Ukraine đã làm cạn kiệt nguồn lực của Moscow. Nguồn tin từ Bộ Quốc phòng Anh cho thấy số lượng thiết bị quân sự được trưng bày sẽ ít hơn 30% so với năm ngoái, nhưng lý do của việc này vẫn chưa rõ ràng.

Một số người đã suy đoán rằng ông Putin có thể sử dụng bài phát biểu Ngày Chiến thắng để vận động quần chúng và tuyên bố một cuộc chiến toàn diện. Các quan chức Điện Kremlin cho đến nay vẫn tránh gọi cuộc xung đột xâm lược Ukraine là “cuộc chiến”, thay vào đó mô tả nó là một “hoạt động đặc biệt”.

Có phân tích cho rằng việc tổng động viên quy mô lớn kết hợp với các biện pháp kinh tế thời chiến và tuyển quân rầm rộ khó có thể được công chúng Nga hưởng ứng. Người phát ngôn Dmitry Peskov của Điện Kremlin tuần trước đã bác bỏ ý tưởng ​​này.

Nhưng theo một thông tin của Moscow Times vào ngày 6/5 cho biết, các cơ quan nhà nước trên khắp đất nước Nga đã đưa ra một loạt các quảng cáo tuyển dụng tìm cách thuê “các chuyên gia động viên thời chiến”.

Sẽ cho thấy thực trạng bị cô lập của nước Nga

Cho dù ông Putin muốn biểu dương thế lực trong ngày 9/5, nhưng sự kiện này sẽ cho thấy rõ thực trạng bị cô lập của nước Nga.

Những hoạt động Ngày Chiến thắng của Nga trước đây luôn là một công cụ của quyền lực mềm nhằm khơi dậy lòng yêu nước trong các cộng đồng nói tiếng Nga ở nước ngoài, qua đó gắn kết công dân các nước thuộc Liên Xô cũ đã chiến đấu cùng nhau trong Thế chiến thứ II.

Nhưng năm nay, các nước Trung Á như Kazakhstan, Kyrgyzstan và Uzbekistan và các nước Baltic như Latvia, Estonia và Lithuania đã hủy bỏ hoạt động tuần hành vào ngày 9/5 để bày tỏ rõ quan điểm tẩy chay Nga. Một số nước đã cấm hoặc khuyến cáo không nên trưng bày các biểu tượng liên quan đến Ngày Chiến thắng, chẳng hạn như ruy băng sọc cam và đen của Thánh George vì hiện nay chúng gắn liền với quan điểm chống Ukraine.

Các nhà lãnh đạo thế giới cũng sẽ vắng mặt và Điện Kremlin cho biết họ chưa mời ai. Danh sách khách mời từ những năm trước bao gồm các nhà lãnh đạo từ Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Pháp và Đức.

Ông Alexander Gabuev cho rằng, “Dù thế cộng đồng quốc tế sẽ theo dõi… Mục đích của Moscow là để cho thế giới thấy rằng Ukraine không có cơ hội chống lại Nga. Nhưng những tổn thất của Nga và tất cả những kém cỏi thể hiện trong chiến dịch tại Ukraina là minh chứng nổi bật so với phô diễn thiết bị và hành quân nghi thức”.