Đài Loan luôn là vấn đề quan trọng trong quan hệ Trung-Mỹ. Tháng 11 năm ngoái, lãnh đạo Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) Tập Cận Bình và Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tổ chức cuộc gặp ở San Francisco, được cộng đồng quốc tế chú ý. Theo nguồn tin độc quyền gần đây của Reuters, hai bên trong cuộc gặp đã có chia rẽ về vấn đề độc lập của Đài Loan. Quan chức Mỹ tiết lộ, khi đó ông Tập Cận Bình đề nghị ông Biden thay đổi cách diễn đạt của Mỹ về vấn đề Đài Loan độc lập, nhưng ông Biden từ chối.

Joe biden tap can binh
Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình gặp nhau tại San Francisco hôm 15/11. (Ảnh cắt từ video)

Reuters: ĐCSTQ yêu cầu dùng từ “chống Đài Loan độc lập”, nhưng Mỹ từ chối

Một thông tin độc quyền của Reuters hôm thứ Ba (29/10) tiết lộ rằng vào tháng 11 năm ngoái khi ông Biden và Tập Cận Bình gặp nhau gần San Francisco, các trợ lý của ông Tập đã yêu cầu Tổng thống Biden và nhóm của ông thay đổi cách diễn đạt trong tuyên bố chính thức của Mỹ, theo đó từ cách dùng hiện tại “không ủng hộ Đài Loan độc lập” đổi thành “phản đối Đài Loan độc lập”.

Hai quan chức Mỹ và một người quen thuộc với vấn đề này cho biết, các trợ lý của ông Tập liên tục thúc ép đạt được tiến bộ và nhắc lại các yêu cầu, nhưng Mỹ từ chối thay đổi cách diễn đạt.

Chính quyền Tổng thống Biden cho rằng yêu cầu của Trung Quốc là không thực tế, sẽ không được thông qua, đồng thời đã thông báo ngắn gọn cho Chính phủ Đài Loan về vấn đề này.

Một quan chức cấp cao trong chính quyền Tổng thống Biden cho biết, giới lãnh đạo ở ĐCSTQ “chắc chắn sẽ rất đắc chí” nếu ông Biden nói điều gì đó hoàn toàn khác với những gì ông thường nói về Đài Loan. Quan chức Mỹ nói thêm rằng Tổng thống Biden giữ “cách thể hiện nhất quán của Mỹ” khi nói đến vấn đề “Đài Loan độc lập”.

Nếu Mỹ thay đổi giọng điệu bằng ngôn từ “chống Đài Loan độc lập” như ĐCSTQ mong muốn, điều đó sẽ có tác động sâu rộng đến khu vực châu Á – Thái Bình Dương – nơi thương mại phát triển mạnh, cũng như ảnh hưởng đến các đối tác và đối thủ của Mỹ.

Các quan chức từ hai chính phủ châu Á-Thái Bình Dương nói với Reuters rằng bất kỳ thay đổi nào về cách diễn đạt như vậy là sự thay đổi trong chính sách của Hoa Kỳ theo hướng ít hỗ trợ hơn cho các mục tiêu quốc phòng và ngoại giao của Đài Loan khi Bắc Kinh tăng cường áp lực quân sự.

Nhà Trắng phản hồi yêu cầu bình luận của giới truyền thông, nhắc lại rằng Washington “không ủng hộ Đài Loan độc lập”, “chính quyền Tổng thống Biden và (Phó Tổng thống) Kamala Harris vẫn nhất quán với chính sách một Trung Quốc lâu nay của chúng tôi”.

Reuters cũng chỉ ra sự thay đổi trong cách diễn đạt cũng có thể được coi là sự thay đổi chính sách của Mỹ, theo đó từ ủng hộ đàm phán hòa bình để giải quyết các vấn đề liên quan đến tương lai của Đài Loan, chuyển thành phản đối mọi yêu cầu của Đài Loan dưới mọi tình huống.

Không rõ vì sao trong cuộc họp đó ông Tập Cận Bình lại nêu vấn đề yêu cầu Mỹ thay đổi cách diễn đạt, nhưng có thể hiểu “chống Đài Loan độc lập” là một trong những trọng tâm dưới thời chính quyền của ông Tập; thời gian gần đây quân đội ĐCSTQ đã tăng cường đáng kể các hoạt động quân sự xung quanh Đài Loan để gây áp lực buộc Đài Loan phải chấp nhận yêu sách chủ quyền của ĐCSTQ.

Tổng thống Đài Loan Lại Thanh Đức bác bỏ các yêu sách chủ quyền của ĐCSTQ, ông nhấn mạnh chỉ có người dân Đài Loan mới có thể tự quyết định tương lai của mình. Tổng thống Biden từng ám chỉ Mỹ sẽ bảo vệ Đài Loan nếu Đài Loan bị tấn công – một quan điểm luôn khiến ĐCSTQ tức tối.

Ông Biden và Tập Cận Bình dự kiến ​​sẽ có đợt đối thoại trước khi ông Biden rời nhiệm sở vào tháng Một năm sau, có thể qua điện thoại, hoặc bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm G20 ở Brazil vào tháng 11 năm nay, hoặc tại Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC) ở Peru.

Mỹ sắp tổ chức bầu cử tổng thống vào ngày 5/11. Sau bầu cử, ông Biden sẽ bàn giao vấn đề nhạy cảm Đài Loan cho người kế nhiệm, có thể là bà Harris hoặc cựu Tổng thống đảng Cộng hòa Trump.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ nói về cách ĐCSTQ dần làm xói mòn nền độc lập của Đài Loan

Đài Loan vẫn là một trong những vấn đề nhạy cảm nhất trong quan hệ Mỹ-Trung, các nhà ngoại giao ĐCSTQ lâu nay đã luôn kêu gọi Mỹ thay đổi ngôn từ về tình trạng của Đài Loan, nhưng vấn đề này hiện nay có vẻ được nhắc đến với mức độ cao hơn.

Các cuộc thăm dò dư luận cho thấy đa số người dân Đài Loan ủng hộ việc duy trì hiện trạng: không tìm cách thống nhất với Trung Quốc cũng như không thành lập quốc gia mới. Tổng thống Lại Thanh Đức của Đài Loan hiện nay và cựu Tổng thống Thái Anh Văn đều tuyên bố rằng: Đài Loan đã là một quốc gia có chủ quyền và độc lập, Đài Loan không cần phải tuyên bố độc lập.

Cựu Ngoại trưởng Mỹ và Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng Condoleezza Rice khi nói về mối đe dọa xâm lược của ĐCSTQ đối với Đài Loan đã cho rằng Bắc Kinh không cần phải chiếm đóng Đài Loan, mà thay vào đó họ có thể sử dụng áp lực để thúc đẩy sự xuất hiện của một Chính phủ thân cộng ở Đài Loan, từ đó dần dần làm xói mòn nền độc lập của Đài Loan.

Bà Condoleezza Rice từng là Ngoại trưởng và Cố vấn An ninh Quốc gia Nhà Trắng dưới thời chính quyền của cựu Tổng thống Mỹ George W. Bush, hiện làm việc tại Viện Hoover – một tổ chức tư vấn. Trước đó, bà đã viết một bài báo trên tạp chí Ngoại giao có tựa đề “Sự nguy hiểm của chủ nghĩa cô lập: Thế giới vẫn cần nước Mỹ, và nước Mỹ vẫn cần thế giới” (The Perils of Isolationism. The World Still Needs America—and America Still Needs the World).

Bà chỉ ra trong bài báo rằng cuộc thảo luận ở Washington liên quan đến việc làm thế nào để ngăn chặn ĐCSTQ xâm chiếm Đài Loan, “nhưng Bắc Kinh có thể phong tỏa hòn đảo này hoặc chiếm giữ các đảo không có người ở xung quanh Đài Loan, cắt cáp ngầm dưới biển, hoặc tiến hành một cuộc tấn công mạng quy mô lớn”.

Bà Rice đã được phỏng vấn bởi Peter Robinson, cũng là thành viên của Viện Hoover, cuộc trò chuyện tập trung vào bài báo gần đây của bà. Ngoài việc thảo luận về các mối đe dọa phức tạp do các cường quốc như Trung Quốc, Nga và Iran gây ra, cả hai còn nói về vấn đề Trung Quốc xâm lược Đài Loan.

Bà Rice cho biết có một điều luôn khiến bà lo lắng và đây cũng là vấn đề mà các đồng nghiệp của bà tại Viện Hoover chia sẻ, đó là suy nghĩ của Bộ Quốc phòng Mỹ và Washington rất “cứng nhắc”, cho rằng ĐCSTQ sẽ sử dụng một cuộc đổ bộ xâm lược Đài Loan – Quân đội Mỹ xem đây là chiến dịch đổ bộ Normandy (D-Day) quy mô lớn hơn trong Thế chiến II.

Tuy nhiên, bà tin rằng ĐCSTQ có nhiều lựa chọn khác để đối phó với Đài Loan, bởi Bắc Kinh “không cần phải chiếm đóng Đài Loan, họ chỉ cần thay đổi chính trị Đài Loan cho đến khi Đài Loan giống Hồng Kông”.

Bà lấy ví dụ trường hợp Hồng Kông, khi Hồng Kông từ cai trị của Anh trả về cho Trung Quốc (ĐCSTQ) thì xu hướng chung lạc quan vì “một quốc gia, hai chế độ”, nhưng giờ đây đã trở thành “một quốc gia, một chế độ”. Vì vậy, bà tin rằng hành động của ĐCSTQ đối với Đài Loan sẽ là “cố gắng gây áp lực để một chính phủ thân cộng xuất hiện ở Đài Loan, sau đó dần làm xói mòn nền độc lập của Đài Loan”.