Taliban sẽ tham gia diễn đàn “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc
- Bình Minh
- •
Reuters đưa tin, hôm thứ Bảy (13/10), phát ngôn viên của Taliban cho biết, các quan chức của họ sẽ tham dự Diễn đàn Hợp tác Quốc tế “Vành đai và Con đường” của Trung Quốc vào tuần tới, nhằm tăng cường quan hệ song phương.
Điều này nhấn mạnh mối quan hệ chính thức ngày càng tăng của Bắc Kinh với Chính phủ Taliban. Mặc dù Taliban không được bất kỳ chính phủ nước ngoài nào chính thức công nhận.
Các quan chức và bộ trưởng Taliban thi thoảng cũng tham dự các cuộc họp khu vực, hầu hết tập trung vào Afghanistan. Diễn đàn Hợp tác Quốc tế “Vành đai và Con đường” là một trong những hội nghị thượng đỉnh đa phương cấp cao nhất mà Taliban được mời tham dự.
Diễn đàn sẽ được tổ chức tại Bắc Kinh vào thứ Ba và thứ Tư tới (17-18/10), đánh dấu kỷ niệm 10 năm dự án năng lượng và cơ sở hạ tầng toàn cầu đầy tham vọng của nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình, được gọi là “Sáng kiến Vành đai và Con đường”, nhằm hồi sinh Con đường tơ lụa cổ xưa, thúc đẩy thương mại toàn cầu.
Trong một tin nhắn văn bản gửi tới Reuters, Akhundzada Abdul Salam Jawad, Phát ngôn viên của Bộ Thương mại và Công nghiệp Taliban, cho biết quyền Bộ trưởng của Bộ này, ông Haji Nooruddin Azizi, sẽ tới Bắc Kinh trong vài ngày tới.
Jawad cho biết, ông Azizi sẽ tham dự các cuộc họp và mời các nhà đầu tư lớn tới Afghanistan. Các báo cáo chỉ ra rằng Afghanistan có thể cung cấp một lượng lớn tài nguyên khoáng sản đáng thèm muốn.
Năm 2010, một bộ trưởng khai mỏ ước tính, Afghanistan có trữ lượng khoáng sản chưa được khai thác từ đồng, vàng đến lithium trị giá từ 1.000 – 3.000 tỷ USD. Giá trị của khoản tiền gửi này hiện chưa rõ ràng.
Ngoại trưởng Trung Quốc và Pakistan từng nhấn mạnh việc giải phóng các tài sản của Afghanistan bị phong tỏa ở nước ngoài. Khoảng 9 tỷ USD của Ngân hàng trung ương Afghanistan đang bị giữ tại các ngân hàng ở Mỹ và phương Tây.
Bắc Kinh đang đàm phán với Taliban về kế hoạch xây dựng một mỏ đồng quy mô lớn ở miền đông Afghanistan, vốn bắt đầu dưới thời chính phủ được nước ngoài hậu thuẫn trước đó. Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Theo Jawad, ông Azizi sẽ tiếp tục thảo luận về kế hoạch ở Bắc Kinh, nhằm xây dựng một con đường xuyên qua Hành lang Wakhan, một dải núi mỏng ở phía bắc Afghanistan, có thể cung cấp lối đi trực tiếp tới Trung Quốc.
Hồi tháng 5, các quan chức từ Trung Quốc, Taliban và nước láng giềng Pakistan cho biết, họ hy vọng “Sáng kiến Vành đai và Con đường” sẽ bao gồm cả Afghanistan, và mở rộng Hành lang Kinh tế Trung Quốc-Pakistan xuyên biên giới sang Afghanistan.
Hai năm trước, Taliban nắm quyền kiểm soát Afghanistan khi quân đội Mỹ và các nước khác rút lui. Nhưng kể từ đó, quyền lực của họ không được bất kỳ chính phủ nước ngoài nào chính thức công nhận.
Các quan chức và nhà phân tích quan hệ quốc tế cho biết, một loạt hạn chế đối với sự tham gia của phụ nữ vào đời sống công cộng, và lệnh cấm nhiều nhân viên nữ của tổ chức phi chính phủ làm việc đã tăng trở ngại cho việc chế độ Taliban được công nhận, đặc biệt là từ các nước phương Tây.
Gần đây, Trung Quốc đã tăng cường hợp tác với Taliban, trở thành quốc gia đầu tiên bổ nhiệm đại sứ tại Afghanistan kể từ khi nhóm này lên nắm quyền, và đầu tư vào các dự án khai thác mỏ.
Đại sứ Trung Quốc đã trình ủy nhiệm thư lên quyền thủ tướng của Chính phủ Taliban vào tháng trước. Các quốc gia khác tiếp tục giữ lại các cựu đại sứ của họ, hoặc bổ nhiệm người đứng đầu các cơ quan đại diện ngoại giao làm đại biện (người đứng đầu cơ quan đại diện ngoại giao cấp 3), mà không chính thức nộp giấy ủy nhiệm cho chính quyền Taliban.
Phía Taliban cũng bày tỏ hy vọng Trung Quốc tăng cường đầu tư vào các dự án khai thác tài nguyên tại Afghanistan. Trước đó hồi tháng 1/2023, chính quyền Taliban đã ký hợp đồng đầu tiên với một công ty con của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung Quốc để khai thác dầu từ lưu vực phía Bắc sông Amu Darya.
Từ khóa Taliban sáng kiến 'Vành đai và Con đường' Một vành đai một con đường quan hệ Trung Quốc - Taliban