Hai tàu chiến Đức thăm Philippines lần đầu tiên sau 20 năm, phía Đức tuyên bố sau khi cập cảng Manila hôm 16/9 rằng: Chúng tôi kiên quyết bảo vệ trật tự quốc tế dựa trên luật lệ. Động thái này diễn ra vào thời điểm Bắc Kinh và Manila đang leo thang xung đột về tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông.

Tau cua Duc 1
Tàu khu trục lớp Baden-Württemberg của Hải quân Đức. (Ảnh: Lực lượng vũ trang của Đức)

Hai tàu chiến của Hải quân Đức vừa đi qua eo biển Đài Loan và thăm Manila bắt đầu từ ngày 16/9, đây là chuyến thăm lần đầu tiên sau hơn 20 năm. Họ sẽ ở lại cảng Manila cho đến thứ Năm ngày 19/9.

Theo Philippine Star, tàu khu trục lớp Baden-Württemberg và tàu tiếp tế Frankfurt của Hải quân Đức là một phần của kế hoạch Triển khai Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương 2024 (IPD 24). Chuyến thăm Philippines lần này không chỉ chứng tỏ sự tăng cường hợp tác quốc phòng giữa Đức và Philippines, mà còn nêu bật ý nghĩa chính trị của khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương đối với Đức.

Tờ báo tiết lộ, các tàu Đức khi ở Manila sẽ tiến hành tập trận cùng với Hải quân Philippines nhằm thiết lập và tăng cường mối quan hệ lâu dài giữa lực lượng vũ trang Đức và Philippines.

Theo Reuters đưa tin từ Manila hôm 16/9, sau khi Philippines rút tàu đã triển khai 5 tháng khỏi bãi cạn Sa Bin (bãi cạn Sabina) [ở quần đảo Trường Sa – Việt Nam] đang tranh chấp, phát ngôn viên Jay Tarriela của lực lượng bảo vệ bờ biển nước này hôm thứ Hai cho biết, các tàu của Philippines sẽ tiếp tục được triển khai ở Sabina và vẫn đóng quân ở vùng biển này.

Lực lượng bảo vệ bờ biển Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hôm Chủ nhật cho biết “sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động thực thi pháp luật tại các vùng biển thuộc thẩm quyền của Bắc Kinh, để bảo vệ chủ quyền lãnh thổ cũng như quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc”. Trung Quốc tuyên bố ngang ngược có chủ quyền đối với phần lớn khu vực Biển Đông, chồng lấn với vùng biển chủ quyền của Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines và Việt Nam.

Năm 2016, tòa trọng tài quốc tế trú ở The Hague (Hà Lan) đã ra phán quyết các yêu sách lịch sử và rộng lớn về Biển Đông của Trung Quốc là không có giá trị, nhưng Bắc Kinh từ chối chấp nhận phán quyết này.

Truyền thông Philippine ca ngợi hợp tác Philippine – Đức

Tờ Philippine Star đưa tin, hai tàu chiến Đức cập cảng Manila trong bối cảnh trật tự ở Biển Đông dựa trên luật lệ quốc tế liên tục bị ĐCSTQ thách thức. Trong những tuần gần đây, đã xảy ra một số sự cố hàng hải và hàng không đáng lo ngại giữa Trung Quốc và Philippines trong Vùng đặc quyền kinh tế của Philippines (EEZ). Những xung đột nguy hiểm đó không chỉ đe dọa an ninh, ổn định của khu vực mà còn đe dọa đến tính mạng con người. Đức đã nhiều lần bày tỏ quan ngại về những sự cố này.

Tờ báo này cũng cho biết, Bộ trưởng Quốc phòng Đức Pistorius đã nhắc lại trong chuyến thăm Manila hồi tháng 8 rằng ông công nhận giá trị pháp lý của phán quyết năm 2016 mà Tòa trọng tài quốc tế tuyên bố theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (bác bỏ yêu sách của ĐCSTQ về chủ quyền ở Biển Đông). Ông cũng cho biết, “tăng cường biên giới trên biển là nghĩa vụ của chúng tôi và chúng tôi đang thực hiện nghĩa vụ này”.

Tháng 10 này đánh dấu kỷ niệm 70 năm quan hệ đối tác giữa Philippines và Đức, theo Philippine Star. Trong 7 thập niên qua, mối quan hệ đối tác này đã được củng cố bởi sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước trong các lĩnh vực như thương mại, hợp tác phát triển, bảo vệ nhân quyền, văn hóa và hợp tác quốc phòng.

Tờ báo cho biết, với tư cách là quốc gia thương mại lớn thứ ba thế giới và là đối tác thương mại quan trọng của tất cả các nước châu Á, vấn đề tự do và an toàn đường thủy là rất quan trọng đối với Đức. Chính vì lý do này mà Đức không chỉ can dự vào khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương về mặt kinh tế và chính trị mà còn sẵn sàng hợp tác với Hải quân Philippines để duy trì trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Đài Loan theo dõi chặt chẽ phản ứng của ĐCSTQ

Bộ Quốc phòng ĐCSTQ đã ra thông cáo báo chí cho biết, tàu khu trục và tàu tiếp tế Hải quân Đức từ sáng ngày 13 đã hướng về phía nam đi qua eo biển Đài Loan. Trong thời gian này, quân đội Trung Quốc có toàn quyền kiểm soát diễn biến của vùng biển và vùng trời xung quanh khu vực này, và tình hình vẫn diễn ra bình thường.

Trước đó, người phát ngôn Mao Ninh của Bộ Ngoại giao ĐCSTQ đã chỉ trích hành vi của Đức gây tổn hại đến chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc. Đáp lại, người phát ngôn Lưu Vĩnh Kiên (Jeff Y.J. Liu) của Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết, tuyên bố của bà Mao Ninh chỉ nêu bật tham vọng bành trướng của ĐCSTQ nhằm thách thức trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Bộ Quốc phòng Đài Loan công bố những diễn biến trên không phận xung quanh eo biển Đài Loan từ 6:00 sáng ngày 13/9 đến 6:00 sáng 14/9, cho hay quân đội Đài Loan đã phát hiện tổng cộng 21 lần xuất kích của máy bay (trong đó có 17 lần bay qua đường trung tâm của eo biển và đi vào không phận phía bắc và tây nam Đài Loan), cùng 6 tàu phụ và 1 tàu công vụ ĐCSTQ liên tục hoạt động quanh eo biển Đài Loan… Bộ Quốc phòng Đài Loan lưu ý quân đội Đài Loan sử dụng hệ thống máy bay, tàu và tên lửa trên bờ để giám sát chặt chẽ, luôn sẵn sàng ứng phó.

Theo Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển, tất cả các nước đều được hưởng “quyền tự do trên biển cả” ở vùng biển ngoài lãnh hải của mình, nghĩa là tàu thuyền của bất kỳ nước nào cũng có quyền thực hiện các quyền tự do đi lại này. Cẩm nang Hoạt động của Hải quân Mỹ cũng định nghĩa Eo biển Đài Loan là “eo biển quốc tế”.

Mộc Vệ (t/h)