Do tình trạng bất ổn địa chính trị eo biển Đài Loan ngày càng nhạy cảm, công ty Tesla đã yêu cầu các nhà cung cấp linh kiện chuyển dây chuyền sản xuất linh kiện ra bên ngoài Trung Quốc và Đài Loan.

shutterstock 1308443857
(Ảnh: B.Zhou/ Shutterstock)

6 nhà quản lý cấp cao liên quan chuỗi cung ứng tiết lộ với Nikkei Asia rằng các nhà cung cấp linh kiện sản xuất bảng mạch in, màn hình và linh kiện điều khiển điện tử đã nhận được yêu cầu của Tesla. Những bộ phận này chủ yếu được sử dụng trên các mẫu xe Tesla chứ không phải ở thị trường Trung Quốc.

Các nguồn tin cho biết, Tesla đã cảnh báo rủi ro địa chính trị trên eo biển Đài Loan đang gia tăng trước thềm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, hy vọng rằng các nhà cung cấp có thể thiết lập nguồn cung cấp thay thế cho các thị trường ngoài Trung Quốc để ngăn chặn sự gián đoạn chuỗi cung ứng.

Một nhà cung cấp của Tesla Đài Loan cho biết: “Chúng tôi đã nhận được yêu cầu từ Tesla, họ hy vọng OOC (Out Of China, ra khỏi Trung Quốc) và OOT (Out Of Taiwan, ra khỏi Đài Loan). Họ hy vọng rằng đề xuất như vậy có thể được thực hiện trong các dự án mới vào năm tới”.

Các nguồn tin cho biết Tesla cũng đang thảo luận vấn đề này với các nhà cung cấp châu Á khác như Nhật Bản, Hàn Quốc… Một CEO nhà sản xuất điện tử Nhật Bản nói với Nikkei Asia rằng công ty của ông cũng là một trong những nhà cung cấp mà Tesla đã đàm phán.

CEO của một nhà cung cấp khác cho biết công ty bắt đầu tăng năng lực sản xuất tại Thái Lan theo yêu cầu của Tesla. “Đối với nhiều khách hàng trong đó có Tesla, cái gọi là chiến lược Trung Quốc + 1 cũng bao gồm việc tránh Đài Loan”, CEO này cho biết.

Không chỉ có Tesla

Ngoài Tesla, nguồn tin cũng cho biết các hãng sản xuất ô tô khác của Mỹ như General và Ford cũng đã đề xuất các nhà cung cấp xem xét chuyển dây chuyền sản xuất sản phẩm điện tử ra ngoài Trung Quốc và Đài Loan. 

Nhưng họ chưa đưa ra đề nghị chính thức như Tesla.

Một quản lý cấp cao nhà cung cấp thiết bị điện tử cho biết: “Chúng tôi phục vụ một số nhà sản xuất ô tô của Mỹ, Tesla là công ty tích cực nhất trong việc tránh rủi ro ở Trung Quốc và Đài Loan”.

Người này cho biết: “OOC và OOT thực sự khó khăn do chi phí cao, vì ở đó có chuỗi cung ứng trưởng thành”.

Nhưng đối với Tesla, họ còn có vấn đề đối mặt với sự cạnh tranh ngày càng tăng từ các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc.

Chuyên gia phân tích chuỗi cung ứng Chiu Shih-fang tại Viện Nghiên cứu Kinh tế Đài Loan cho biết: “Kể từ nửa cuối năm ngoái, xe điện ngày càng trở thành chiến trường mới nhất trong cuộc chiến công nghệ Mỹ-Trung”.

Bà Chiu Shih-fang cho rằng so với các thương hiệu nước ngoài khác thì Tesla chịu áp lực cạnh tranh trực tiếp hơn với các thương hiệu Trung Quốc, nên việc Tesla yêu cầu thiết lập năng lực sản xuất bên ngoài Trung Quốc là dễ hiểu.

Bà nói: “Để phòng ngừa khả năng gián đoạn chuỗi cung ứng do bất ổn địa chính trị gây ra, không khó hiểu khi các nhà sản xuất ô tô như Tesla đưa ra yêu cầu như vậy đối với các nhà cung cấp của họ; đây cũng là lý do tại sao chúng ta thấy nhiều nhà cung cấp linh kiện tăng tốc triển khai ở Đông Nam Á và Mexico”.

Đảng Cộng sản Trung Quốc coi Đài Loan là một phần lãnh thổ Trung Quốc, không loại trừ khả năng chiếm đóng hòn đảo này bằng vũ lực. Sáng thứ Năm (23/5), quân đội Trung Quốc thông báo đang tiến hành tập trận bắn đạn thật quanh Đài Loan. Bộ Quốc phòng Đài Loan lên án hành động của Trung Quốc là hành động khiêu khích phi lý, phá hoại hòa bình và ổn định trong khu vực, đồng thời tuyên bố rằng họ đang gửi quân đội đến đáp trả.