Thẩm phán Tòa án Tối cao: Việc có quá nhiều luật khiến nước Mỹ bị tổn hại
- Lý Mai
- •
Vào ngày 8 và 9/8, Thẩm phán Tòa án Tối cao Mỹ Neil Gorsuch lần lượt đến thăm Thư viện Reagan và Thư viện Nixon để trả lời các câu hỏi về cuốn sách mới và ký tặng cho người mua sách. Theo quan điểm của ông, sự gia tăng các quy định pháp luật của Mỹ đã tạo gánh nặng cho người Mỹ và thường chà đạp lên quyền lợi cũng như cuộc sống của họ.
9 thẩm phán hiện tại của Tòa án Tối cao Mỹ được bổ nhiệm bởi 5 tổng thống, ông Gorsuch được bổ nhiệm bởi Tổng thống Trump vào năm 2017. Ông đã dành 4 năm để hợp tác với ông Janie Nitze (cựu trợ lý luật sư của ông Gorsuch) để viết cuốn sách “Over Ruled: The Human Toll of Too Much Law” (tạm dịch: Phán quyết quá độ: Sự tổn hại đối với con người khi có quá nhiều luật).
“Tôi đã làm thẩm phán được gần 20 năm,” ông nói với khán thính giả, “và tôi đã chứng kiến nhiều trường hợp trong phòng xử án nơi những người Mỹ bình thường—những người tử tế, chăm chỉ đang cố gắng nỗ lực hết sức mình, nhưng lại vô tình bị luật pháp cho một cái bạt tai.”
Quy định phổ biến
Cách đây chưa đầy 100 năm, luật pháp của nước Mỹ có thể cho vào một cuốn sách mỏng. “Ngày nay nó chiếm cả một giá sách trong văn phòng của tôi,” ông Gorsuch nói. Trong những năm gần đây, Cục Đăng ký Liên bang, nơi liệt kê các quy định của chính phủ, đã có tới 60.000 cuốn. 70.000 trang, và số tội phạm liên bang đã tăng lên khoảng 5.000. Ông cho biết hệ thống ngày càng phình to đã tạo ra một mê cung, trong đó người Mỹ đôi khi vi phạm các quy định pháp luật mà họ không biết là có tồn tại, ngay cả các cơ quan quản lý đôi khi cũng không biết những luật mà họ có trách nhiệm thực thi.
Quốc hội giao nhiều trách nhiệm lập pháp cho các cơ quan soạn thảo các quy định và các quan chức điều hành buộc tội, nghe lời chứng hoặc xét xử mọi người. Ông Gorsuch nói: “Người Mỹ phổ thông ngày nay có khả năng đối mặt với quan chức hành chính cao hơn gấp 10 lần so với đối mặt với thẩm phán.”
Suy xét quá mức
Ông Gorsuch đã trích dẫn một số câu chuyện đời thực từ cuốn sách để minh họa cho quan điểm của mình: “Khi các quy định luật pháp quá nhiều, quá rộng và bao trùm mọi khía cạnh của cuộc sống, thì bất kỳ ai cũng có thể phạm trọng tội liên bang.”
George Morris thích trồng lan và biến sở thích của mình thành sự nghiệp hưu trí. Vào tháng 10/2003, đặc vụ liên bang đã đột kích vào nhà ông và lấy đi 37 hộp tài sản, bao gồm hồ sơ kinh doanh, máy tính và đĩa lưu trữ. Do nhập khẩu trái phép các loại hoa lan, ông bị buộc tội vi phạm “Đạo luật về các loài có nguy cơ tuyệt chủng” và “Công ước về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã có nguy cơ tuyệt chủng”. Ông bị kết án 17 tháng tù. Một trong những người bạn tù của ông có liên quan đến tội giết người và hai người liên quan đến buôn bán ma túy. Ông cũng bị giam trong một phòng giam nhỏ, sau khi ra tù ông không còn tiếp tục trồng hoa lan nữa.
Anh Aaron Swartz là một tài năng công nghệ và nhà hoạt động chính trị ra sức vì một Internet tự do và cởi mở. Sau khi trở thành nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm tại Đại học Harvard vào năm 2010, anh đã thành lập một tổ chức trực tuyến để phản đối “Đạo luật ngăn chặn vi phạm bản quyền trực tuyến” (SOPA).
Swartz bị bắt vào tháng 1/2011. Do kết nối máy tính của mình với một đầu nối mạng được kiểm soát nhưng chưa đánh dấu tại Viện Công nghệ Massachusetts (MIT) và sử dụng tài khoản khách được viện cung cấp cho anh để tải xuống một lượng lớn tài liệu học thuật từ hệ thống JSTOR, nên anh bị buộc hai tội gian lận chuyển khoản và 11 tội vi phạm Đạo luật Lừa đảo và Lạm dụng Máy tính (CFAA), có hình phạt tối đa là 35 năm tù và phạt tiền lên tới 1 triệu USD. Nếu anh chấp nhận thỏa thuận nhận tội, anh sẽ chỉ bị giam 6 tháng. Swartz và luật sư của mình đã từ chối thỏa thuận. 3 tháng trước phiên tòa, anh đã treo cổ tự tử trong căn hộ của mình ở tuổi 26.
Ông Gorsuch cho biết: “Trong hệ thống tư pháp ngày nay, khoảng 94% các vụ án được giải quyết thông qua thỏa thuận nhận tội, dễ dàng hơn, nhanh hơn và rẻ hơn. Khuyết điểm là không có hạn chế đối với công tố viên và không có sự giám sát của thẩm phán, và cũng không cần bồi thẩm đoàn.”
Thắng những vẫn là đã thua
Trong một trường hợp khác được trích dẫn trong cuốn “Over Ruled”, ngư dân John Yates ở tiểu bang Florida đang đánh cá ngoài khơi vào tháng 8/2007 thì các quan chức của Ủy ban Bảo tồn Cá và Động vật hoang dã lên tàu để đo kích cỡ một số sản phẩm đánh bắt của ông, và phát hiện 72 con cá mú đỏ nhỏ hơn kích thước quy định.
Nhưng khi thuyền của ngư dân này quay trở lại cảng vào ngày hôm sau, các quan chức đã tìm thấy 69 – không phải 72 con kích cỡ không đủ yêu cầu, nhưng lớn hơn một chút so với kích cỡ đo trước đó, và cuối cùng phát hiện ra con cá đã được thay thế. 3 năm sau, các đặc vụ bao vây nhà ông Yates, bắt giữ ông và buộc tội ông tiêu hủy bằng chứng.
Công tố viên quận dựa vào một đạo luật được thông qua sau vụ bê bối kế toán Tập đoàn Enron, tức “bất kỳ hành động nào cố tình thay đổi, phá hủy, gây thiệt hại, che giấu, che đậy hoặc làm sai lệch hồ sơ, tài liệu hoặc đồ vật hữu hình đều là hành vi phạm tội”. Thẩm phán coi con cá là “vật hữu hình” và kết án ông Yates có tội và bỏ tù ông. Vợ của Yates vẫn kiên trì đấu tranh và vụ kiện đã được đưa lên Tòa án tối cao và thắng với tỷ lệ 5-4. Tuy nhiên, người nộp thuế đã chi 11 triệu USD cho vụ truy tố này.
Ông Gorsuch nói: “Cuối cùng họ đã thắng kiện, nhưng họ vẫn thua”. “Cuộc sống của họ đã thay đổi đáng kể: Yates không thể tìm được việc làm, ông ấy phải dựa vào vợ để nuôi sống gia đình và họ phải sống trong một chiếc xe kéo.”
“Người dân của chúng tôi”
Ông Gorsuch cho biết, việc phụ thuộc quá nhiều vào luật pháp có nhiều lý do, có thể liên quan đến sự tan vỡ về cộng đồng và lòng tin của đất nước. Ông than thở rằng trong những thập kỷ gần đây ngày càng có ít người đi nhà thờ hơn, ít câu lạc bộ xã hội hơn và sự chia rẽ chính trị sâu sắc hơn.
Mỹ sắp kỷ niệm 250 năm Tuyên ngôn Độc lập. Ông Gorsuch tin rằng có 3 điều cơ bản nhưng phi thường trong Tuyên ngôn này: “Thứ nhất, tất cả mọi người đều có các quyền bất khả xâm phạm, đến từ Đấng Tạo Hóa chứ không phải từ chính phủ; thứ hai, mọi người sinh ra đều bình đẳng, mặc dù phải mất một thời gian dài người ta mới nhận ra điều đó; thứ ba, quyền lực hợp pháp của chính phủ đến từ sự đồng thuận của người dân.”
Ông nói: “‘Người dân của chúng tôi’’ [Hiến pháp Hoa Kỳ] nói với bạn rằng bạn là người có chủ quyền của đất nước này. Nếu mọi người tin tưởng rằng họ sẽ đưa ra những quyết định đúng đắn cho bản thân và gia đình, cũng như tin tưởng vào cộng đồng địa phương, chúng ta có thể cùng nhau hợp tác giải quyết vấn đề và sẽ không cần phải việc gì cũng kiện nhau ra tòa.”
Ông cho biết, có quá nhiều trường học đã loại bỏ các khóa học giáo dục công dân. Ông kêu gọi mọi người vận động các khu học chánh khôi phục nó để nâng cao hiểu biết của công chúng về các hệ thống chính phủ như phân chia quyền lực, thành lập Hạ viện và Thượng viện, cũng như những gì cơ quan hành pháp nên và không nên làm.
“Chúng ta vẫn còn rất nhiều việc phải làm trong việc bồi dưỡng văn minh và ý thức công dân,” ông Gorsuch nói.
Từ khóa nước Mỹ Neil Gorsuch Tòa án Tối cao Hoa Kỳ