Thủ tướng Hungary Viktor Orban hôm thứ Ba (24/12) đã nói với tờ nhật báo Magyar Nemzet của nước này rằng cuộc chiến tranh Nga-Ukraine sẽ được giải quyết theo cách này hay cách khác vào năm tới, đồng thời đề xuất hai kịch bản cơ bản về cách thức kết quả này sẽ xuất hiện.

231024 orban 01 scaled
Thủ tướng Viktor Orban phát biểu ngày 23/10/2023 lễ kỷ niệm Hungary nổi dậy chống Liên Xô năm 1956. (Ảnh cắt từ video)

Chiến tranh sẽ kết thúc vào năm 2025. Hoặc thông qua các cuộc đàm phán hòa bình thành công hoặc bằng cách một trong các bên tham chiến bị phá huỷ“, ông Orban nói trong một cuộc phỏng vấn được nhật báo Magyar Nemzet công bố vào thứ Ba (24/12).

Ông Orban là một tiếng nói lâu năm chỉ trích sự hỗ trợ quân sự của phương Tây cho Kiev và các lệnh trừng phạt đối với Nga. Ông đã thảo luận về cách đất nước Hungary của ông đã vượt qua ba năm khủng hoảng Ukraine. Ông cho biết trong giai đoạn như vậy, Hungary là quốc gia may mắn không bị tụt hậu về kinh tế, như nhiều thành viên của Liên minh châu Âu (EU) đã phải gánh chịu. Ông dự đoán rằng năm tới Hungary sẽ tận hưởng sự phục hồi tăng trưởng mạnh mẽ.

Chúng tôi đã chuẩn bị và chúng tôi sẽ có một khởi đầu thuận lợi vào năm 2025. Chính sách hòa bình sẽ quay trở lại thay vì chính sách chiến tranh và chúng tôi sẽ lại đạt được những thành công lớn về kinh tế“, ông Orban nói.

Khi được hỏi về phát biểu của Thủ tướng Hungary Orban, phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov trả lời các nhà báo rằng Nga luôn sẵn sàng đi theo con đường ngoại giao để đạt được các mục tiêu an ninh quốc gia của mình đối với Ukraine.

Ông Peskov chỉ ra rằng Tổng thống Vladimir Putin “đã nhiều lần tuyên bố rằng chúng tôi sẵn sàng giải quyết các vấn đề của mình thông qua đàm phán“.

Vì cho đến nay vẫn chưa có động thái nào về việc Ukraine sẵn sàng đàm phán, nên chúng tôi đang tiếp tục hoạt động quân sự của mình“, ông Peskov nói thêm. Tình hình trên chiến trường, nơi quân đội Nga có lợi thế hơn đối thủ, “tự nói lên điều đó“, ông Peskov lưu ý.

Thủ tướng Hungary Orban khi trả lời phỏng vấn nhật báo Magyar Nemzet đã không giải thích phe nào trong chiến tranh Nga-Ukraine mà ông tin có thể bị “phá hủy” vào năm 2025.

Đầu tháng này, quân đội Nga đã công bố đánh giá mới nhất về thương vong trên chiến trường Ukraine. Bộ trưởng Quốc phòng Nga Andrey Belousov cho biết trong một báo cáo cuối năm rằng đã có khoảng một triệu quân lính thiệt mạng, bị thương hoặc bị bắt làm tù binh kể từ khi căng thẳng với Kiev leo thang vào tháng 2 năm 2022. Ông cho biết hơn một nửa số thương vong, tức là 560.000 người, đã được ghi nhận chỉ trong năm 2024 này.

Hiện tại, theo đánh giá của ngoại giới, Nga đang có lợi thế quyết định trên chiến trường, trong khi chính quyền Zelensky ở Kiev được cho là đang vận động Tổng thống đắc cử Hoa Kỳ Donald Trump để có được sự hỗ trợ tốt hơn từ Washington.

Tổng thống Hoa Kỳ sắp nhậm chức đã lập luận rằng cả Ukraine và Nga đều phải tìm cách ngăn chặn đổ máu. Ông đã tuyên bố ý định tạo điều kiện cho một lệnh ngừng bắn khi nhậm chức vào tháng ngày 20 tháng 1 năm 2025. Ông Orban vốn là người đã ủng hộ mạnh mẽ ông Trump trong cuộc đua giành chức tổng thống hồi tháng Mười Một, đã bày tỏ sự tin tưởng vào khả năng thực hiện của ông Trump.

Trong một cuộc phỏng vấn với Fox News vào thứ Hai (23/12), Tướng về hưu Kellogg, đặc phái viên sắp tới của Tổng thống Trump về Nga và Ukraine, tuyên bố rằng ông Trump muốn “chấm dứt giết chóc và mang lại hòa bình cho khu vực“, mô tả chiến tranh Nga-Ukraine là “ưu tiên quốc tế số một” đối với tổng thống đắc cử Hoa Kỳ.

Theo ông Kellogg, ông Trump đang tìm kiếm một nền hòa bình “công bằng… bền vững và an toàn“, đồng thời nói thêm rằng ông Trump không muốn quá trình giải quyết cuộc chiến hiện tại diễn ra theo cùng một cách như các thỏa thuận Minsk hiện đã không còn hiệu lực.

Được ký kết vào năm 2014 và được Đức và Pháp làm trung gian, các thỏa thuận Minsk nhằm mục đích trao cho các khu vực Donetsk và Lugansk, hiện là một phần của Nga, một địa vị đặc biệt trong nhà nước Ukraine.

Moskva trước nay luôn bày tỏ rằng họ muốn nước láng giềng phía Tây của mình trung lập thay vì là thành viên của NATO, một khối quân sự mà Nga coi là thù địch. Nga cũng yêu cầu quân đội Ukraine phải hạn chế về quân số và Kiev phải từ bỏ các chính sách phân biệt đối xử với người Nga ở nước này.

Moskva đã mô tả cuộc xung đột vũ trang với Ukraine hiện nay là một cuộc chiến tranh ủy nhiệm của phương Tây chống lại Nga, trong đó người Ukraine đóng vai trò là bia đỡ đạn.

Các viên chức ở Moskva cho biết họ không có liên lạc nào về Ukraine với ông Trump hoặc nhóm của ông ấy. Họ cũng loại trừ khả năng đóng băng xung đột, nhấn mạnh rằng tất cả các mục tiêu của “hoạt động quân sự đặc biệt”, bao gồm cả sự trung lập, phi quân sự hóa và phi phát xít hóa của Kiev, phải được đáp ứng. Tuy nhiên, ông Putin đã bắn hiệu rằng ông sẵn sàng đàm phán với ông Trump.

Hải Đăng