Tiếp bước Mỹ, Úc tuyên bố sẽ không ký hiệp ước di cư LHQ
- Xuân Thành
- •
Thủ tướng Úc Scott Morrison hôm 21/11 thông báo rằng Úc sẽ không ký vào hiệp ước di cư toàn cầu của Liên Hiệp Quốc với lý do rằng hiệp ước này sẽ không đem lại lợi ích quốc gia và sẽ làm tổn hại tới lợi ích và an ninh biên giới nước Úc.
Thủ tướng Úc Scott Morrison có quan điểm cứng rắn về vấn đề nhập cư.
Như vậy Úc đã gia nhập cùng một số nước khác tuyên bố từ chối ký hiệp ước di cư, trong đó có Mỹ, Hungary, Áo, Croatia, Israel, Cộng hòa Czech, Ba Lan và Bulgaria.
Ông Morrison nói rằng hiệp ước của Liên Hiệp Quốc (LHQ), được gọi là Hiệp ước Toàn cầu về Di cư, không phân biệt giữa “những người vào Úc bất hợp pháp với những người đến Úc theo đúng cách, đặc biệt liên quan đến cung cấp phúc lợi và các lợi ích khác”.
Trong một tuyên bố chung cùng với Bộ trưởng Nội vụ Peter Dutton và Ngoại trưởng Marise Payne, ông Morrison cho hay: “Hiệp ước này sẽ đặt ra rủi ro khuyến khích xâm nhập bất hợp pháp vào Úc và đảo ngược những thành công mà phải khó khăn lắm Úc mới đạt được trong việc đấu tranh với nạn buôn người”.
“Hiệp ước cũng sẽ bị nhiều người lợi dụng để tìm cách gây tổn hại cho luật pháp và thực tiễn bảo vệ biên giới mạnh mẽ của Úc”, ông Morrions nói thêm.
Trao đổi trên radio 2GB hôm 21/11, ông Morrison nói: “Tôi sẽ không bao giờ cho phép bất cứ điều gì gây tổn hại tới biên giới của chúng tôi. Tôi đã làm việc nỗ lực để đảm bảo rằng chúng tôi không ở trong tình huống đó”.
Được biết, Hiệp ước Toàn cầu về Di cư của LHQ sẽ được ký kết tại Marrakesh, Ma-rốc vào hai ngày 11 và 12 tháng Mười Hai tới đây. Hiệp ước là đầu tiên của loại hình này để phác thảo các tiêu chuẩn và hướng dẫn về di cư.
Theo website của LHQ, hiệp ước cung cấp một khung pháp lý tạo thuận lợi cho việc di cư toàn cầu an toàn và trật tự, với một nỗ lực để giải quyết di cư “một cách tổng thể và toàn diện”. Hiệp ước này không có tính ràng buộc pháp lý.
Hiệp ước cũng đưa ra một loạt các cam kết có thể hành động, có thể ảnh hưởng đến luật pháp và hoạch định chính sách cho các quốc gia thành viên.
Hiệp ước có 23 mục tiêu nhằm tìm cách thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia để quản lý di cư và trong đó có những mục tiêu như “tăng cường phản ứng xuyên quốc gia đối với nạn buôn người di cư” và “quản lý các biên giới theo cách thức đầy đủ, an toàn và phối hợp”.
Tuy nhiên, ông Morrison cho rằng hiệp ước di cư này không phù hợp với các lợi ích quốc gia của nước Úc.
Một tuyên bố từ Văn phòng Thủ tướng Úc cho biết: “Chúng tôi không cho rằng việc thông qua thỏa thuận này sẽ thêm bất cứ điều gì vào việc tăng cường khả năng của chúng tôi trong việc kiểm soát biên giới và quản lý chương trình nhập cư thành công”.
“Hiệp ước này được thúc đẩy như là một cách tăng cường di cư an toàn, trật tự và thường xuyên. Chúng tôi đã đạt được tất cả mục tiêu này rồi”.
“Chúng tôi cũng tin rằng việc thông qua Hiệp ước này sẽ trực tiếp xung đột với những quy tắc quan trọng mà đã củng cố cách tiếp cận thành công của chúng tôi”.
Trao đổi với hãng tin Sky News, Bộ trưởng Nội vụ Úc Dutton nói rằng có những quan ngại về cách tòa án sẽ giải thích hiệp ước LHQ liên quan tới việc những người di cư đến như thế nào.
“Chúng tôi quan ngại về việc có hay không việc hiệp ước coi chúng tôi là một quốc gia có chủ quyền về khả năng quyết định cách thức mà chúng tôi có thể trả lại người theo hiệp ước này”, ông Dutton nói.
Ông Dutton nói thêm: “Một số nghĩa vụ có thể được áp đặt khi chúng tôi cần ủng hộ mọi người khi họ được trả về quốc gia họ rời đi, vì vậy nó thực sự làm suy yếu các nguyên tắc của [lực lượng] Biên giới Chủ quyền Hoạt động (Operation Sovereign Borders)”.
Operation Sovereign Borders là một hoạt động an ninh biên giới do quân đội Úc lãnh đạo bắt đầu triển khai từ năm 2013 để tìm cách bảo vệ biên giới nước Úc bằng việc ngăn chặn những người tìm kiếm tị nạn qua đường biển.
Ông Morrison nói thêm rằng các chương trình định cư của Úc tập trung vào việc hòa nhập và lưu ý rằng “Úc là quốc gia được hình thành dựa vào dân di cư”.
Thủ tướng Úc nhấn mạnh: “Chúng tôi có lịch sử lâu dài và thành công về quản lý di cư tốt, được thiết kế để đáp ứng các nhu cầu kinh tế và xã hội Úc”.
Ông Morrison khẳng định Úc vẫn duy trì cam kết với các quan hệ đối tác khu vực hiện có của mình như Quy trình Bali – hoạt động để ngăn chặn nạn buôn người.
“Úc sẽ tiếp tục tăng cường phản ứng của chúng tôi đối với nạn buôn người, thúc đẩy hợp tác khu vực và củng cố nghĩa vụ của các quốc gia trong việc chấp nhận những người hồi hương mang quốc tịch của họ”, ông Morrion nói.
Xuân Thành (Theo The Epoch Times)
Từ khóa Hiệp ước Toàn cầu về Di cư di cư Liên Hiệp Quốc chính sách di cư Scott Morrison nhập cư Úc