TNS McConnell ủng hộ TT Trump thực hiện cuộc chiến pháp lý về bầu cử
- Xuân Thành
- •
Thượng nghị sĩ Cộng hòa Mitch McConnell, lãnh đạo phe Đa số Thượng viện Mỹ, hôm 9/11 nói rằng cuộc đua vào Tòa Bạch Ốc giữa Tổng thống Donald Trump và ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ Joe Biden chưa kết thúc. Ông khẳng định những thách thức pháp lý của ông Trump là hoàn toàn hợp lệ.
Trong phát biểu công khai đầu tiên sau Ngày bầu cử, ông McConnell hôm thứ Hai (9/11) nói trước Thượng viện rằng “chưa có bang nào xác nhận kết quả bầu cử” và việc kiểm phiếu lại đã được lên kế hoạch tại “ít nhất một hoặc hai bang”. Thượng nghị sĩ kỳ cựu này lập luận rằng Tổng thống Trump “có 100% quyền hạn để điều tra những cáo buộc về những sự bất thường và cân nhắc các lựa chọn pháp lý”.
“Nguyên tắc cốt lõi ở đây không có gì phức tạp: tại Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, tất cả các phiếu bầu hợp pháp phải được kiểm đếm, mọi phiếu bầu bất hợp pháp đều không được tính, tiến trình này nên là minh bạch và có sự quan sát của tất cả các bên, và các tòa án ở đây là để giải quyết các quan ngại”, ông McConnell nói.
Thượng nghị sĩ McConnell đã không gửi lời chúc mừng ông Joe Biden sau khi cựu phó tổng thống tuyên bố thắng cử vào ngày 7/11. Đội ngũ của Tổng thống Trump có nhiều thách thức pháp lý đang triển khai ở một số bang chiến trường trong bối cảnh có nhiều đồn đoán về gian lận phiếu bầu và các hiện tượng bất thường.
Nhiều hãng truyền thông dòng chính có xu hướng ủng hộ Đảng Dân chủ đã tuyên bố ông Joe Biden là người thắng cử. Theo luật Mỹ, cho dù truyền thông có thể dự tính người chiến thắng, nhưng ủy ban bầu cử các bang và Đại cử tri đoàn mới là các cơ quan có thể chính thức tuyên bố người thắng cử tổng thống. Mỗi bang tại Mỹ có mốc thời gian khác nhau về việc khi nào các quan chức bầu cử phải chính thức xác nhận kết quả bầu cử, và Đại cử tri đoàn sẽ bỏ phiếu bầu tổng thống vào ngày 14/12. Tổng thống tân cử sẽ tuyên thệ nhậm chức vào ngày 20/1/2021.
Ông McConnell cũng lập luận rằng các tổ chức truyền thông không có vai trò Hiến pháp trong việc xác nhận kết quả bầu cử.
“Hiến pháp không trao vai trò trong tiến trình [bầu cử] này cho các tập đoàn truyền thông giàu có. Việc dự tính người chiến thắng và bình luận của báo chí không dẫn tới phủ quyết các quyền hợp pháp của mọi công dân, kể cả tổng thống của Hoa Kỳ”, ông McConnell nói.
Ông McConnell lưu ý rằng Đảng Dân chủ năm 2016 đã lớn tiếng tuyên bố chiến thắng bầu cử của ông Trump là bất hợp pháp, trong khi đó ứng viên tổng thống Đảng Dân chủ khi đó là bà Hillary Clinton cũng đã thúc đẩy các thách thức pháp lý.
“Chúng ta không có bất kỳ bài giảng nào, không có bất kỳ bài giảng nào về cách tổng thống [Trump] nên ngay lập tức vui vẻ chấp nhận các kết quả sơ bộ từ những nhân vật mà đã chỉ dùng 4 năm qua để từ chối chấp nhận tính hợp pháp của cuộc bầu cử lần trước”, ông McConnell nói về việc Đảng Dân chủ tìm mọi cách hủy bỏ kết quả cuộc bầu cử năm 2016.
Trao đổi về những thách thức pháp lý mà chiến dịch Trump đã đang tiến hành, ông McConnell nói: “Nếu bất cứ sự bất thường lớn nào xảy ra vào thời điểm trọng yếu này, gây ảnh hưởng tới kết quả [bầu cử], thì mọi người dân Mỹ đều muốn chúng được đưa ra ánh sáng. Nếu Đảng Dân chủ cảm thấy tự tin rằng điều đó đã không xảy ra, thì họ lẽ ra không nên có bất kỳ lý do nào để phải lo sợ về việc điều tra kỹ lưỡng thêm. Chúng ta có các công cụ và thể chế mà chúng ta cần để giải quyết mọi quan ngại”.
Ông McConnell cũng nhắc đến cuộc bầu cử năm 2000, khi bang Florida phải kiểm phiếu lại vì chênh lệch phiếu bầu giữa ông George W. Bush (Đảng Cộng hòa) và ông Al Gore (Đảng Dân chủ) là nhỏ. Ông McConnell nhấn mạnh đến việc chiến dịch tranh cử của ông Al Gore đã thúc đẩy một vụ thách thức pháp lý kéo dài và ông Gore đã không chấp nhận thua cuộc cho đến tháng 12/2000 sau khi có phán quyết của Tối cao Pháp viện.
Xuân Thành
Xem thêm:
Từ khóa bầu cử Mỹ 2020 Mitch McConnell Gian lận bầu cử